Tiếp tục làm sáng rõ tinh thần tự lực, tự cường của dân tộc Việt Nam

Ngày 25-4, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Điện Biên, Bộ Quốc phòng phối hợp với Tỉnh ủy Điện Biên tổ chức Hội thảo khoa học 'Chiến thắng Điện Biên Phủ - Giá trị lịch sử và hiện thực (7-5-1954/7-5-2019)'.

Chủ trì hội thảo có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Thượng tướng Lê Chiêm, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam; Trần Văn Sơn, Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên. Cùng tham dự chủ trì hội thảo có các đồng chí: Thiếu tướng Phùng Sĩ Tấn, Tư lệnh Quân khu 2 và Thiếu tướng Nguyễn Hoàng Nhiên, Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam.

Tham dự hội thảo có đại biểu lãnh đạo các tỉnh Điện Biên, Yên Bái, Sơn La và Lai Châu; đại biểu các quân khu, quân đoàn, học viện, nhà trường; các tướng lĩnh, nhà khoa học, nhà nghiên cứu trong và ngoài quân đội, các cựu chiến binh đã từng tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử…

 Thượng tướng Lê Chiêm, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng phát biểu tại hội thảo.

Thượng tướng Lê Chiêm, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng phát biểu tại hội thảo.

Nhân tố quyết định tạo nên chiến thắng

Phát biểu đề dẫn tại hội thảo, Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị nhấn mạnh, 65 năm trước, thực hiện kế hoạch tác chiến Đông-Xuân 1953-1954 của Bộ Chính trị, trên cánh đồng Mường Thanh giữa núi rừng Tây Bắc, quân và dân Việt Nam đã làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, tạo nên “cột mốc bằng vàng” trong lịch sử đấu tranh giữ nước của dân tộc ta. Thắng lợi đó đã đập tan ý chí xâm lược của thực dân Pháp, buộc kẻ thù phải ký Hiệp định Giơnevơ chấm dứt chiến tranh, công nhận độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của ba nước Đông Dương. Thắng lợi đó là kết tinh sức mạnh của toàn dân tộc trong thời đại Hồ Chí Minh, là đỉnh cao của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp; là niềm tự hào của các thế hệ người Việt Nam và của cộng đồng quốc tế đấu tranh vì độc lập, tự do; vì “bình đẳng, bác ái”, là sự kiện lịch sử quan trọng trong tiến trình phát triển của nhân loại. Chính vì lẽ đó, Điện Biên Phủ luôn là đề tài thu hút sự quan tâm của nhiều học giả, nhà nghiên cứu trong và ngoài nước. Đến nay, đã có nhiều công trình nghiên cứu được xuất bản, nhiều cuộc hội thảo khoa học được tổ chức trong và ngoài nước về sự kiện lịch sử trọng đại này, nhiều vấn đề khoa học đã và đang được làm sáng tỏ ở những góc độ khác nhau. Song, với ý nghĩa và tầm vóc lớn lao, chiến thắng Điện Biên Phủ vẫn cần được tiếp tục nghiên cứu nhằm làm sâu sắc thêm các chiều cạnh của sự kiện, để phát huy hơn nữa giá trị của chiến thắng cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, đồng chủ trì hội thảo.

Chiến thắng Điện Biên Phủ là sự phát triển đến đỉnh cao của nghệ thuật quân sự Việt Nam, đặc biệt là nghệ thuật chiến dịch trong kháng chiến chống thực dân Pháp. Thắng lợi của chiến dịch đã giáng đòn quyết định đập tan ý chí xâm lược của các thế lực thực dân hiếu chiến, buộc Chính phủ Pháp phải ký Hiệp định Giơnevơ, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình, cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, Lào và Campuchia.

65 năm đã trôi qua nhưng tầm vóc vĩ đại và ý nghĩa lịch sử của chiến thắng Điện Biên Phủ vẫn là nguồn cổ vũ lớn lao cho toàn thể nhân dân ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Đặc biệt, tinh thần đoàn kết, tự lực, tự cường, ý chí quyết chiến, quyết thắng của quân và dân ta đã, đang và mãi tiếp thêm sức mạnh cho dân tộc ta vững bước trên con đường xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Ban tổ chức hội thảo đã nhận được 80 báo cáo, tham luận của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, các tướng lĩnh, sĩ quan, các cựu chiến binh đã từng tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ gửi về… Nội dung các tham luận đã phân tích luận giải khá đầy đủ và toàn diện mọi mặt của chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ; khẳng định chủ trương, đường lối lãnh đạo đúng đắn, tầm nhìn xa trông rộng, tài thao lược của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh; sự sáng tạo trong nghệ thuật chọn hướng và thời cơ tiến hành chiến dịch quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ. Các tham luận trình bày tại hội thảo cũng tập trung phân tích quá trình hình thành, phát triển liên minh chiến đấu giữa ba nước Việt Nam, Lào và Campuchia; sự giúp đỡ của các nước xã hội chủ nghĩa, phong trào phản đối chiến tranh của Pháp ở Việt Nam và Đông Dương, góp phần vào thắng lợi của sự nghiệp kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, đỉnh cao là chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.

Các tham luận tại hội thảo cũng khẳng định và làm sáng tỏ tầm vóc, nguyên nhân, ý nghĩa lịch sử, những bài học kinh nghiệm của chiến thắng Điện Biên Phủ, sự vận dụng sáng tạo những bài học kinh nghiệm đó vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay. Đây là cơ sở để đấu tranh chống các luận điệu sai trái của các thế lực thù địch, góp phần bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; chủ động ngăn chặn, làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch trong tình hình mới.

Thiếu tướng Nguyễn Hoàng Nhiên, Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam báo cáo tổng thuật tại hội thảo.

Chiến thắng mang tầm vóc thời đại

Kết luận hội thảo, Thượng tướng Lê Chiêm khẳng định, chiến thắng Điện Biên Phủ có ý nghĩa hết sức to lớn, lần đầu tiên Quân đội nhân dân Việt Nam của một nước thuộc địa ở châu Á đã đánh thắng quân đội của một cường quốc châu Âu bằng sức mạnh quân sự. Thắng lợi của Quân đội nhân dân Việt Nam trong Chiến dịch Điện Biên Phủ còn được xem là một thảm họa đánh dấu sự thất bại hoàn toàn của nước Pháp trong nỗ lực tái gây dựng thuộc địa ở Đông Dương nói riêng và đế quốc thực dân của mình nói chung sau chiến tranh thế giới lần thứ hai, qua đó chấm dứt thời đại hơn 4 thế kỷ của chủ nghĩa thực dân kiểu cổ điển trên thế giới. Riêng chiến thắng Điện Biên Phủ đã mở ra thời kỳ suy tàn của chế độ thuộc địa và là sự khởi đầu cho phong trào đứng lên giành độc lập của các nước thuộc địa ở châu Á, châu Phi và Mỹ la tinh

Chủ đề quan trọng tại hội thảo đã được nhiều đại biểu tham luận, tập trung luận giải sâu sắc về phương thức tác chiến chiến lược, sự vận dụng sáng tạo nghệ thuật quân sự chiến tranh nhân dân Việt Nam, nghệ thuật giành và giữ quyền chủ động tác chiến, nghệ thuật xác định cách đánh trong từng trận chiến đấu của các đợt tiến công, nghệ thuật chuyển hóa thế trận trong chiến dịch Điện Biên Phủ; vai trò của lực lượng vũ trang Liên khu Việt Bắc; của quân và dân Tây Bắc, cùng quân và dân cả nước phối hợp với các mặt trận nhằm căng kéo địch, tiêu hao, tiêu diệt địch góp phần vào thắng lợi của chiến dịch.

Đồng chí Trần Văn Sơn, Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên phát biểu tại hội thảo.

Điện Biên Phủ là trận quyết chiến chiến lược, “được ghi vào lịch sử dân tộc như một Bạch Đằng, một Chi Lăng, hay một Đống Đa của thế kỷ XX, và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công chói lọi đột phá thành trì của hệ thống nô dịch thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc”; là ngọn cờ cổ vũ các dân tộc thuộc địa trên thế giới đấu tranh giành lại độc lập, tự do. Đó là chiến thắng của lòng yêu nước nồng nàn, ý chí bất khuất, kiên cường của dân tộc Việt Nam; của đường lối cách mạng đúng đắn của Đảng ta, độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; của đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ, biết đánh và biết thắng, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, dựa vào sức mình là chính, đồng thời tranh thủ sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; của liên minh đoàn kết chiến đấu thủy chung Việt Nam, Lào, Campuchia.

Cuộc hội thảo khoa học lần này các nhà khoa học tiếp tục cung cấp những luận cứ mới, làm rõ thêm tầm vóc vĩ đại của chiến dịch quyết chiến chiến lược, góp phần kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Kết quả của hội thảo góp phần làm sâu sắc những vấn đề khoa học và thực tiễn đặt ra từ chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ; nâng cao niềm tự hào, tự tôn dân tộc; củng cố niềm tin và quyết tâm chính trị của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta vào sự nghiệp đổi mới đất nước; làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn xuyên tạc lịch sử của các thế lực thù địch; thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong giai đoạn cách mạng mới…

Thiếu tướng Phùng Sĩ Tấn, Tư lệnh Quân khu 2 phát biểu tại hội thảo.

Các đại biểu trao đổi bên lề hội thảo.

Phát huy tinh thần Chiến thắng Điện Biên Phủ, với những kinh nghiệm quý báu, Quân đội ta tiếp tục quán triệt, thực hiện tốt nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, nắm chắc mọi diễn biến của tình hình, tăng cường xây dựng, củng cố thế trận quốc phòng toàn dân, gắn với thế trận an ninh nhân dân, xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”, không ngừng nâng cao năng lực tác chiến, trình độ sẵn sàng chiến đấu, quyết tâm bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa….” - Thượng tướng Lê Chiêm nhấn mạnh…

Bài, ảnh: TRẦN TUẤN - DUY ĐÔNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/tiep-tuc-lam-sang-ro-tinh-than-tu-luc-tu-cuong-cua-dan-toc-viet-nam-572589