Tiếp tục hoàn thiện, thúc đẩy các mô hình bảo vệ môi trường nông thôn

Các mô hình bảo vệ môi trường nông thôn xanh - sạch - đẹp đang vận hành hiệu quả, bước đầu đã đạt được nhiều kết quả khả quan.

Chiều 30/11, tại Trung tâm Văn hóa hội nghị tỉnh Sóc Trăng, Bộ NN-PTNT phối hợp với Bộ TN&MT và UBND tỉnh Sóc Trăng tổ chức buổi Hội nghị toàn quốc tổng kết, đánh giá các mô hình bảo vệ môi trường trong xây dựng nông thôn mới (NTM) theo hướng xã hội hóa.

Đề án thí điểm hoàn thiện và nhân rộng mô hình bảo vệ môi trường trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2017-2020 (Đề án 712), được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 25/6/2017, thực hiện tại 21 tỉnh. Đề án tập trung vào 5 nhóm mô hình bảo vệ môi trường tại các xã khó khăn.

 Người dân tích cực tham gia công tác bảo vệ môi trường nông thôn ở ĐBSCL. Ảnh: Trọng Linh.

Người dân tích cực tham gia công tác bảo vệ môi trường nông thôn ở ĐBSCL. Ảnh: Trọng Linh.

Ông Nguyễn Minh Tiến, Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương cho biết: Qua 3 năm triển khai thực hiện, Đề án cơ bản đã đạt được các mục tiêu đã đạt ra. Trong công tác huy động vốn thực hiện Chương trình, Đề án đã huy động được nguồn lực xã hội hóa về bảo vệ môi trường nông thôn theo hướng huy động nguồn lực và sự tham gia của doanh nghiệp, cộng đồng dân cư, trong quản lý vận hành các mô hình bảo vệ môi trường.

Bước đầu, các mô hình vận hành khá hiệu quả nên khi xã hội hóa đạt được nhiều thuận lợi như: mô hình cấp nước sạch nông thôn khả năng thu hồi vốn cao do người dân ngày càng nâng cao ý thức sử dụng nước sạch. Các chủ trang trại bước đầu tích cực đầu tư thu gom chất thải chăn nuôi với sự hỗ trợ một phần từ ngân sách. Đặc biệt, mô hình thu gom vỏ chai, bao bì thuốc bảo vệ thực vật được các doanh nghiệp tích cực tham gia thông qua Chương trình “Cùng nông dân bảo vệ môi trường”. Bước đầu, nâng cao ý thức của người dân trong việc quản lý chất thải này.

Dịp này, Bộ NN-PTNT đã tặng 33 bằng khen cho 22 tập thể và 11 cá nhân có thành tích trong công tác bảo vệ môi trường nông thôn. Ảnh: Minh Đảm.

Ông Lê Văn Hiểu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cho biết: Tại Sóc Trăng, theo Đề án 712 của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh được Trung ương đầu tư hỗ trợ trên 26 tỷ đồng xây dựng hệ thống nước uống cho 51 trường học, 11 trạm y tế trên địa bàn các xã đảo thuộc 2 huyện Cù Lao Dung và Kế Sách.

Tuy nhiên, quá trình triển khai Đề án vẫn còn một số khó khăn vướng mắc như thời gian lập, phê duyệt dự án kéo dài. Nhiều địa phương còn lúng túng thiếu kinh nghiệm triển khai. Việc phân công trách nhiệm thẩm định công nghệ xử lý chất thải còn chồng chéo. Huy động các nguồn lực thực hiện Đề án còn nhiều khó khăn.

Theo chia sẻ của một số địa phương trong cả nước, Đề án 712 đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Nông thôn có sự thay đổi rõ rệt về công tác bảo vệ môi trường. Các địa phương đề nghị thời gian tới tiếp tục duy trì Đề án để công việc bảo vệ môi trường nông thôn ngày càng tốt hơn.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Minh Đảm.

Tháng 6/2017, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án 712 về hoàn thiện và nhân rộng mô hình bảo vệ môi trường trong xây dựng nông thôn mới. Hơn 2 năm triển khai đã đạt được kết quả và tiếp tục hoàn thiện và nhân rộng mô hình. Đó là sự quan tâm của các cấp chính quyền ở nông thôn. Trong đó, từ huyện đến xã đã có rất nhiều chương trình, giải pháp để khắc phục vấn đề môi trường. Đặc biệt là vấn đề rác thải ở nông thôn, đây được xem là điểm nổi bật của Đề án 712.

Thứ hai, có rất nhiều mô hình xử lý chất thải, rác thải, thu gom bao bì, chai thuốc bảo vệ thực vật. Đồng thời, công tác tuyên truyền của các đoàn thể đã được hình thành và nhân rộng.

Thứ ba, bước đầu đã thực hiện được công tác xã hội hóa nguồn lực đầu tư vào môi trường nông thôn. Nhiều doanh nghiệp, cùng các nhà hảo tâm đã tham gia vào việc bảo vệ môi trường nông thôn rất khả quan. Qua đó, tạo tiền đề để tiếp tục đẩy mạnh chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025.

Sau hội nghị, Bộ NN-PTNT sẽ phối hợp với Bộ TN&MT tham mưu cho Chính phủ các Chương trình phối hợp nhằm thúc đẩy các mô hình bảo vệ môi trường nông thôn trong thời gian tới. Đặc biệt, các mô hình xử lý, thu gom rác thải tại hộ gia đình và xử lý nước thải trong chăn nuôi.

(Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam)

Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân "cần đổi mới tư duy, cách nghĩ, cách làm trong xây dựng các mô hình bảo vệ môi trường nông thôn". Ảnh: Minh Đảm.

Công tác bảo vệ môi trường những năm qua đạt được những kết quả rất đáng khích lệ. Tuy nhiên, trong giai đoạn tới chúng ta cần đổi mới tư duy, cách nghĩ, cách làm trong xây dựng các mô hình bảo vệ môi trường nông thôn.

Trước hết, cần tập trung hoàn thiện các cơ chế chính sách, tiêu chí, nội dung bảo vệ môi trường. Đồng thời, tập trung xây dựng các mô hình một cách bài bản. Đặc biệt, giai đoạn tới chúng ta có nhiều thuận lợi, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã được Quốc hội thông qua. Trong đó, Điều 58 quy định rất rõ các vấn đề về nội dung bảo vệ môi trường ở nông thôn Việt Nam nói chung, trong đó có NTM.

Thời gian tới, cần đẩy mạnh công tác xã hội hóa trong bảo vệ môi trường nông thôn và tiếp tục tuyên truyền và nâng cao nhận thức người dân tham gia trực tiếp vào công tác này.

Cũng cần chuyển hướng thay đổi tư duy gắn sản xuất nông nghiệp phát triển nông thôn với những mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn trong sản xuất nông nghiệp. Đặc biệt, cần phát huy nội lực của người dân, cộng đồng, doanh nghiệp tham gia vào việc bảo vệ môi trường nông thôn Việt Nam.

(Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân)

MINH ĐẢM – TRỌNG LINH

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/tiep-tuc-hoan-thien-thuc-day-cac-mo-hinh-bao-ve-moi-truong-nong-thon-d278961.html