Tiếp tục hoàn thiện thể chế với trọng tâm là tổ chức thi hành pháp luật

Sáng 1/8, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu đã chủ trì Hội nghị tổng kết thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW về Chiến lược Cải cách tư pháp (CCTP) đến năm 2020 (NQ49) của ngành Tư pháp.

Nền tư pháp phải trở thành nhân tố thúc đẩy phát triển bền vững

Báo cáo kết quả 15 năm thực hiện NQ49, Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý Nguyễn Văn Cương nhấn mạnh: Đây là 1 trong những văn kiện quan trọng của Đảng về CCTP nên Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp đã chủ động, tích cực phối hợp với Đảng ủy cơ quan Bộ và các cơ quan Tư pháp địa phương tổ chức quán triệt, thực hiện nghiêm túc. Đánh giá chung những kết quả đạt được cho thấy, ngành Tư pháp cơ bản đã hoàn thành tốt công tác xây dựng pháp luật góp phần quan trọng vào việc thể chế hóa các định hướng, chủ trương lớn của NQ49 trong lĩnh vực hình sự và dân sự, chủ trương xã hội hóa hoạt động bổ trợ tư pháp (BTTP). Các thể chế trong lĩnh vực hoạt động của ngành theo tinh thần cải cách được xây dựng khá đồng bộ, kịp thời, tạo hành lang pháp lý tương đối thống nhất, đồng bộ, phục vụ đắc lực cho công cuộc CCTP của ngành trong thời gian qua.

Bộ cũng luôn chủ động, thực hiện có hiệu quả việc xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền và hoàn thiện tổ chức, bộ máy hệ thống các cơ quan THADS, hành chính. Còn trong lĩnh vực BTTP, thành tựu nổi bật là hoàn thiện tổ chức và hoạt động BTTP theo chủ trương xã hội hóa, nhiều lĩnh vực BTTP có bước phát triển đột phá. Bộ đã kịp thời chỉ đạo triển khai chủ trương của Đảng về xây dựng đội ngũ cán bộ tư pháp, đồng thời tăng cường hợp tác quốc tế về pháp luật và tư pháp, phục vụ thiết thực cho công cuộc xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, CCTP, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới…

Bên cạnh kết quả đạt được, trong 15 năm thực hiện NQ49, Bộ nhận thấy còn nhiều hạn chế, khó khăn, vướng mắc. Để thích ứng tốt hơn với điều kiện mới, ông Cương quan niệm CCTP phải hướng tới việc bảo đảm tổ chức và vận hành nền tư pháp thực sự trở thành nhân tố thúc đẩy và bảo vệ quá trình phát triển bền vững đất nước, góp phần hữu hiệu vào hiện thức hóa các mục tiêu phát triển chung của đất nước. Theo đó, cần tiếp tục nâng cao vai trò của Bộ Tư pháp là cơ quan thuộc Chính phủ trong việc đề xuất các chính sách về CCTP, bảo vệ quyền con người. Đồng thời, kiện toàn tổ chức bộ máy Hệ thống THADS theo hướng tinh gọn, thống nhất, hiệu lực, hiệu quả; nâng cao chất lượng các dịch vụ công trong lĩnh vực luật sư, công chứng, thừa phát lại…; đổi mới căn bản công tác cán bộ; đẩy mạnh ứng dụng các công nghệ hiện đại của cách mạng công nghiệp 4.0 trong lĩnh vực tư pháp, pháp luật…

Thúc đẩy hoàn thành các nhiệm vụ CCTP

Đại diện các đơn vị thuộc Bộ, cơ quan Tư pháp địa phương đã tập trung nêu những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn triển khai NQ49 và đưa ra nhiều đề xuất, kiến nghị.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục THADS Nguyễn Văn Lực thẳng thắn cho rằng, cơ cấu tổ chức bộ máy Hệ thống THADS hiện nay phát sinh một số bất cập, nhất là bộ máy 2 cấp không phù hợp với mô hình tổ chức của Tòa án, Viện kiểm sát. Ông Lực gợi ý nên chăng tới đây không tổ chức cơ quan THADS ở tất cả các huyện, mà định ra một số tiêu chí như phải có 500 việc mới có cơ quan THADS cấp huyện, huyện nào không có nhiều việc thì cấp tỉnh thi hành; có các chấp hành viên ở Tổng cục để tổ chức thi hành các vụ việc đặc biệt lớn, hành chính; có lực lượng thanh tra chuyên ngành về THADS…

Phó Cục trưởng Cục BTTP Nguyễn Thị Mai phản ánh một số khó khăn trong chủ trương xã hội hóa các lĩnh vực BTTP. Đáng chú ý là hiện đang có tư tưởng đồng hóa các hoạt động BTTP với hoạt động kinh doanh thông thường. Bà Mai lo ngại, điều kiện, tiêu chuẩn về luật sư, công chứng… thấp hơn rất nhiều các nước, có thể dẫn đến tăng nhiều về số lượng nhưng không có đội ngũ chất lượng. Ngoài ra, thực hiện việc cắt giảm điều kiện kinh doanh thì theo bà Mai, vấn đề đảm bảo chất lượng, chuyên môn hóa như thế nào đang bị bỏ ngỏ.

Từ thực tiễn địa phương, Giám đốc Sở Tư pháp TP Hà Nội Ngô Anh Tuấn đồng tình phải xác định rõ vai trò, nhiệm vụ của ngành Tư pháp từ Trung ương đến địa phương trong thực hiện NQ49 với các cơ quan, tổ chức đảng. Chia sẻ kinh nghiệm tốt của Ban chỉ đạo về nông nghiệp, phát triển nông thôn mới, ông Tuấn cho rằng mô hình này làm rất bài bản, có văn phòng điều phối, người làm có thể kiêm nhiệm hoặc chuyên trách có chế độ… thì ngành Tư pháp có thể nghiên cứu để tham mưu cho cơ quan có thẩm quyền.

Kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu biểu dương ngành Tư pháp đã nghiêm túc tổng kết thực hiện NQ49, đạt được nhiều kết quả tích cực, nổi bật. Ngành Tư pháp cũng nhận diện được các khó khăn, hạn chế, bất cập trong triển khai NQ49, trong đó nổi lên là vướng mắc trong XHH các lĩnh vực BTTP; chất lượng dịch vụ pháp lý chưa tương xứng; một số ngành, nghề vi phạm đạo đức nghề nghiệp, vi phạm pháp luật, thậm chí vi phạm nghiêm trọng; quản lý nhà nước còn lúng túng…

Về phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới, Thứ trưởng cho rằng, cần tiếp tục hoàn thiện thể chế pháp luật, trọng tâm là tổ chức thi hành, trong hoàn thiện thể chế thì tập trung vào những lĩnh vực còn thiếu như thừa phát lại, thi hành án hành chính; tiếp tục phát triển mạnh các định chế BTTP, trong đó chú trọng nâng cao chất lượng các hoạt động BTTP cùng với tăng cường quản lý nhà nước. Không những thế, phải tạo chuyển biến mạnh về đào tạo cán bộ tư pháp để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực… Ghi nhận các đề xuất, kiến nghị, theo Thứ trưởng, Bộ Tư pháp sẽ nghiên cứu tham mưu xây dựng một nghị quyết Trung ương về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác xây dựng, hoàn thiện, tổ chức thi hành pháp luật nhằm thúc đẩy hoàn thành các nhiệm vụ CCTP.

Hoàng Thư

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/tu-phap/tiep-tuc-hoan-thien-the-che-voi-trong-tam-la-to-chuc-thi-hanh-phap-luat-464469.html