Tiếp tục hoàn thiện mô hình tổ chức

Sau 5 năm thực hiện Đề án số 06-ĐA/TU ngày 24-9-2013 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về 'Kiện toàn, sắp xếp tổ chức Đảng và các tổ chức trong hệ thống chính trị trên địa bàn dân cư, tổ dân phố, thôn, xóm ở xã, phường, thị trấn thuộc TP Hà Nội', thành phố đã đạt nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, vẫn còn những vướng mắc, hạn chế trong quá trình thực hiện và để giải quyết, Ban Thường vụ Thành ủy đã ban hành Kế hoạch số 109-KH/TU ngày 29-11-2018 về 'Tiếp tục hoàn thiện mô hình tổ chức hệ thống chính trị trên địa bàn dân cư theo Đề án số 06-ĐA/TU'.

 Tiếp tục hoàn thiện mô hình tổ chức hệ thống chính trị trên địa bàn dân cư sẽ nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý tại cơ sở. Trong ảnh: Một buổi sinh hoạt Chi bộ tổ dân phố số 5, phường Yết Kiêu (quận Hà Đông, Hà Nội). Ảnh: Bá Hoạt

Tiếp tục hoàn thiện mô hình tổ chức hệ thống chính trị trên địa bàn dân cư sẽ nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý tại cơ sở. Trong ảnh: Một buổi sinh hoạt Chi bộ tổ dân phố số 5, phường Yết Kiêu (quận Hà Đông, Hà Nội). Ảnh: Bá Hoạt

Bài đầu: Những “bài toán” khó

Tình trạng thôn, tổ dân phố chưa có tổ chức Đảng; trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố không là đảng viên là hai trong những vấn đề tồn tại qua 5 năm TP Hà Nội thực hiện Đề án số 06-ĐA/TU. Những “bài toán” khó đặt ra tại các địa bàn dân cư cần sớm có lời giải.

Giải pháp tình thế

Đầu tháng 12-2018, nhiều đảng viên sinh hoạt hai chiều ở chung cư Bắc Hà Luck, phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy cầm tờ phiếu xin ý kiến chi ủy nơi cư trú phục vụ kiểm điểm cuối năm mà lòng băn khoăn, lo lắng. Về đây ở từ năm 2015, đến nay, cả chung cư với hơn 200 hộ, vẫn chưa có chi bộ, tổ dân phố. Ông Nguyễn Trùng Điệp, Trưởng ban Quản trị chung cư cho biết, ngay sau khi được thành lập vào tháng 2-2018, Ban Quản trị đã có văn bản đề nghị UBND phường cho thành lập tổ dân phố. UBND phường đã có công văn đề nghị UBND quận về việc này, nhưng đến nay chưa có phản hồi gì thêm. Cũng theo ông Điệp, khi đi xin học cho con, có mục khai tổ dân phố, ông phải hướng dẫn là khai tên tổ dân phố số 1 hoặc tổ dân phố số 30 ở bên cạnh.

Sau 5 năm thực hiện, Đề án số 06-ĐA/TU ngày 24-9-2013 của Ban Thường vụ Thành ủy về "Kiện toàn, sắp xếp tổ chức Đảng và các tổ chức trong hệ thống chính trị trên địa bàn dân cư, tổ dân phố, thôn, xóm ở xã, phường, thị trấn thuộc TP Hà Nội" đã góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở, khắc phục cơ bản những bất cập, hạn chế trước đây. Trước khi thực hiện đề án, thành phố có 9.988 thôn, tổ dân phố; có 5.638 chi bộ trên địa bàn dân cư và 1 đảng bộ bộ phận. Mô hình tổ chức và hoạt động của tổ chức Đảng, các đoàn thể chính trị - xã hội ở địa bàn dân cư của thành phố khá đa dạng, nhiều nơi không đồng bộ.

Chi bộ đảng ở địa bàn dân cư được tổ chức phổ biến theo 6 loại hình; có thực trạng nhiều chi bộ lãnh đạo một thôn, nhiều chi bộ lãnh đạo một tổ dân phố. Quy mô thôn, tổ dân phố có sự khác biệt khá lớn giữa các xã, phường, thị trấn. Sau khi thực hiện Đề án số 06-ĐA/TU, đến nay, toàn thành phố có 7.970 thôn, tổ dân phố, giảm 2.018 thôn, tổ dân phố (20,1%); còn 5.236 chi bộ, giảm 402 chi bộ thôn, tổ dân phố. Hệ thống chính trị ở địa bàn dân cư thống nhất một mô hình, một chi bộ lãnh đạo một thôn hoặc một tổ dân phố, một ban công tác mặt trận, một tổ chức đoàn thể... Tuy nhiên, vẫn còn những hạn chế đang đặt ra cần tiếp tục được quan tâm giải quyết như thực tế ở phường Dịch Vọng Hậu nêu trên.

Theo thống kê của Ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội, hiện nay, trên địa bàn thành phố có 9 thôn, tổ dân phố chưa có tổ chức Đảng, thuộc các huyện Đan Phượng, Mê Linh, Gia Lâm. Tuy nhiên, những địa bàn dân cư chưa có cả tổ dân phố và chi bộ Đảng như chung cư Bắc Hà Luck cũng không ít. Ở các quận, huyện có khu đô thị mới, các tòa nhà chung cư cao tầng mới đều xảy ra tình trạng này. Tại huyện Thanh Trì, hơn 60 đảng viên ở các khu đô thị mới thuộc xã Tân Triều, xã Tả Thanh Oai cũng chưa có tổ chức riêng gắn với địa bàn dân cư nơi sinh sống. Nguyên nhân do chủ đầu tư chậm bàn giao để tiến hành các thủ tục thành lập tổ dân phố, làm cơ sở thành lập chi bộ. Ban Tổ chức Huyện ủy đã tham mưu “giải pháp tình thế” là thành lập tổ Đảng trực thuộc chi bộ thôn sát cạnh khu đô thị.

Không chỉ vậy, tình trạng trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố không phải là đảng viên chiếm tỷ lệ khá lớn. Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội Vũ Đức Bảo cho biết, toàn thành phố có 3.151/7.970 trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố không là đảng viên (chiếm 39,5%).

Ngoài ra, sau 5 năm thực hiện Đề án số 06-ĐA/TU, số thôn, tổ dân phố có quy mô chưa phù hợp so với quy định còn nhiều. Cụ thể, toàn thành phố có 11 thôn dưới 50 hộ dân; 1.777 thôn, tổ dân phố dưới 100 hộ. Bên cạnh đó, thành phố có 2 thôn trên 2.000 hộ (ở huyện Thanh Trì và huyện Mê Linh). Toàn Đảng bộ thành phố hiện có 368 chi bộ thôn, tổ dân phố có từ 100 đảng viên trở lên; trong đó 35 chi bộ có 150-200 đảng viên, 6 chi bộ có trên 200 đảng viên... Số đảng bộ bộ phận tại địa bàn dân cư trực thuộc đảng ủy xã, phường, thị trấn tăng từ 1 lên 24 cũng kéo theo một số vướng mắc.

Hệ lụy phức tạp

Một buổi sinh hoạt chi bộ hai chiều ở Chi bộ tổ dân phố 20 phường Giang Biên, quận Long Biên. Ảnh: Võ Lâm

Những bất cập đặt ra đối với hệ thống chính trị trên địa bàn dân cư đang làm nảy sinh một số vấn đề ảnh hưởng đến hiệu lực, hiệu quả hoạt động.

Theo Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội Vũ Đức Bảo, đối với các thôn, tổ dân phố có trưởng thôn, tổ trưởng không là đảng viên; cấp ủy chi bộ đều đã phân công chi ủy viên phụ trách, chỉ đạo, theo dõi hoạt động. Nhìn chung, trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố không là đảng viên, nhưng hầu hết là người có uy tín trong nhân dân, có tinh thần trách nhiệm, nhiệt tình trong công tác, nên vẫn thực hiện tốt sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy. Tuy nhiên, việc triển khai nhiệm vụ chính trị của đảng ủy xã, phường, thị trấn ở những nơi này thường chậm hơn. Việc phối hợp hoạt động, thực hiện chế độ thông tin, báo cáo giữa chi ủy chi bộ và trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố, ban công tác mặt trận, các chi hội đoàn thể có nơi chưa tốt, thiếu thống nhất. Hơn nữa, trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố không là đảng viên nên không chịu sự kiểm tra, giám sát, kiểm điểm, đánh giá phân loại của chi bộ Đảng. Cá biệt có nơi xảy ra mâu thuẫn giữa bí thư chi bộ và trưởng thôn, nên không thống nhất trong thực hiện nhiệm vụ cấp trên giao.

Từ thực tế cơ sở, Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Thanh Trì Phạm Nguyên Nhung cho biết, đối với những thôn, tổ dân phố chưa có tổ chức Đảng, rõ ràng, cấp ủy địa phương đang bỏ trống địa bàn. Với những địa bàn dân cư chưa có cả thôn, tổ dân phố và chi bộ Đảng, người dân cũng như các đảng viên gặp rất nhiều khó khăn trong sinh hoạt; cấp ủy, chính quyền cũng không “nối dài” được “cánh tay” chỉ đạo, quản lý xuống cơ sở; việc tiếp nhận và giải quyết ý kiến, kiến nghị của người dân, ngăn ngừa “điểm nóng” gặp khó khăn.

Với những thôn, tổ dân phố có quá ít số hộ thì lại gây lãng phí nhân lực, các phong trào hoạt động không mạnh; còn những nơi quá đông số hộ, có số đảng viên lớn thì gặp khó khăn trong sinh hoạt, tổ chức hoạt động chung. Các đảng bộ bộ phận còn lúng túng về chức năng, nhiệm vụ, khó khăn trong tổ chức sinh hoạt...

Rõ ràng, thực tế đang đòi hỏi cần tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện Đề án số 06-ĐA/TU, khắc phục những tồn tại, hạn chế nhằm hoàn thiện mô hình hệ thống chính trị trên địa bàn dân cư.

(Còn nữa)

Hiền Lương

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Chinh-tri/922509/tiep-tuc-hoan-thien-mo-hinh-to-chuc