Tiếp tục hoàn thiện Luật Biên phòng Việt Nam trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến

Chiều 17-2, Thường trực Ban soạn thảo Luật Biên phòng Việt Nam (BPVN) có buổi làm việc với Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ và Cục Pháp chế, Bộ Quốc phòng về những vấn đề còn có ý kiến khác nhau của dự thảo Luật BPVN. Trung tướng Hoàng Xuân Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Tư lệnh BĐBP, Phó Ban Thường trực Ban soạn thảo Luật BPVN chủ trì buổi làm việc.

Trung tướng Hoàng Xuân Chiến phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Viết Hà

Trung tướng Hoàng Xuân Chiến phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Viết Hà

Theo báo cáo số 773/BC-VPCP của Văn phòng Chính phủ, dự thảo Luật BPVN sau khi được thảo luận tại cuộc họp Chính phủ thường kỳ tháng 1, ngày 5-2, một số thành viên Chính phủ đề nghị có 5 vấn đề cần tiếp thu, chỉnh lý và 2 vấn đề cần giải trình trong dự thảo Luật BPVN, đó là: Cơ chế phối hợp thực thi nhiệm vụ Biên phòng (Điều 10); trách nhiệm kiểm tra, kiểm soát, xử lý phương tiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật ở khu vực biên giới, cửa khẩu; nhiệm vụ Biên phòng (Điều 5); phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của BĐBP (khoản 4, Điều 15) và tên gọi của dự thảo Luật.

Về cơ chế thực thi nhiệm vụ Biên phòng (Điều 10), ý kiến của Văn Phòng Chính phủ đề nghị dự thảo Luật quy định mang tính nguyên tắc, cơ chế phối hợp tránh chồng chéo, trùng lắp với quyền hạn của Hải quan, các lực lượng khác và giao Chính phủ quy định chi tiết quan hệ phối hợp giữa các lực lượng thực thi nhiệm vụ Biên phòng. Từ ý kiến của Văn phòng Chính phủ, Cơ quan Thường thực Ban soạn thảo Luật BPVN đã tiếp thu, chỉnh lý theo phương án quy định có tính nguyên tắc về nội dung, phạm vi phối hợp và bổ sung một khoản trong Điều 10, giao Chính phủ quy định chi tiết quan hệ phối hợp giữa các lực lượng thực thi nhiệm vụ Biên phòng.

Đối với trách nhiệm kiểm tra, triểm soát, xử lý phương tiện khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật tại khu vực biên giới, cửa khẩu. Cơ quan Thường trực Ban Soạn thảo tiếp thu, chỉnh lý khoản 2, Điều 16 dự thảo Luật theo hướng phân định rõ phạm vi địa bàn hoạt động của BĐBP ở khu vực biên giới, cửa khẩu và xác định rõ kiểm tra, kiểm soát, xử lý phương tiện khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia, buôn lậu, gian lận thương mại để không trùng lắp với phạm vi hoạt động và lĩnh vực quản lý Nhà nước của Hải quan.

Đồng chí Nguyễn Phước Thọ phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Viết Hà

Tại buổi làm việc, các đại biểu đánh giá cao việc tiếp thu, chỉnh lý của Cơ quan Thường trực Ban Soạn thảo Luật BPVN. Theo Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật, Văn Phòng Chính phủ Nguyễn Phước Thọ, việc tiếp thu, giải trình những vấn đề có ý kiến khác nhau của một số thành viên Chính phủ về quy định tại dự thảo Luật BPVN đã thể hiện sự cầu thị, trách nhiệm cao của Cơ quan Thường trực Ban Soạn thảo. Đối với quy định trách nhiệm kiểm tra, triểm soát, xử lý phương tiện khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật tại khu vực biên giới, cửa khẩu của lực lượng BĐBP, trong phiện họp Chính phủ ngày 5-2, có 22/26 ý kiến đồng thuận và Thủ tướng Chính phủ đã có kết luận cụ thể, nên không cần thiết phải chỉnh lý. Trong dự thảo Luật BPVN đã quy định rất rõ Bộ Quốc phòng chủ trì phối hợp với Bộ Ngoại giao, Bộ Công an chịu trách nhiệm quản lý Nhà nước về biên giới. Còn quản lý về an ninh trật tự đã có quy định rõ tại các văn bản pháp luật hiện hành, Bộ Quốc phòng chủ trì duy trì an ninh trật tự, đấu tranh phòng chống tội phạm ở khu vực biên giới, cửa khẩu, hải đảo, vùng biển, vùng trời.

Còn tên gọi của dự thảo Luật, ông Nguyễn Phước Thọ cho rằng, tên gọi của dự thảo Luật đã được Thủ tướng Chính phủ cho ý kiến đồng thuận. Đồng thời, xét tổng thể tên gọi của dự thảo Luật phù hợp với nội hàm và phạm vi điều chỉnh, nên đề nghị giữ nguyên như dự thảo Luật.

Toàn cảnh buổi làm việc. Ảnh: Viết Hà

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Trung tướng Hoàng Xuân Chiến nhấn mạnh, việc xây dựng, hoàn thiện Luật BPVN, Ban Soạn thảo đã có sự cầu thị tiếp thu tối đa ý kiến của các Bộ, cơ quan chức năng, hoàn thành đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng trình Chính phủ thảo luận và được sự đồng thuận rất cao của các thành viên Chính phủ. Đồng chí Tư lệnh BĐBP yêu cầu, thời gian trình dự thảo Luật với Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận còn rất ngắn, các thành viên Ban Soan thảo cần tập trung tối đa thời gian, tham vấn ý kiến của các chuyên gia tiếp tục chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật đảm bảo chất lượng để Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận, cho ý kiến tại Phiên họp thứ 43.

Viết Hà

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/tiep-tuc-hoan-thien-luat-bien-phong-viet-nam-trinh-uy-ban-thuong-vu-quoc-hoi-cho-y-kien/