Tiếp tục gỡ khó cho doanh nghiệp

Thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh đã có rất nhiều giải pháp đồng hành, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, trong bối cảnh nền kinh tế biến đổi không ngừng, những thách thức đối với sự phát triển của doanh nghiệp luôn hiện hữu, điều này đòi hỏi địa phương phải có những giải pháp nhanh chóng, kịp thời và phù hợp hơn nữa.

Lãnh đạo tỉnh trò chuyện với các chuyên gia, doanh nghiệp bên lề hội nghị phân tích chuyên sâu về chỉ số PCI, tháng 4/2019. Ảnh: Đỗ Phương

Lãnh đạo tỉnh trò chuyện với các chuyên gia, doanh nghiệp bên lề hội nghị phân tích chuyên sâu về chỉ số PCI, tháng 4/2019. Ảnh: Đỗ Phương

CHÍNH QUYỀN THÂN THIỆN, CỞI MỞ, HIỆU QUẢ

PCI Quảng Ninh năm 2017 và 2019 dẫn đầu cả nước chính là “bằng chứng nhận” danh giá, khẳng định niềm tin, sự hài lòng hơn và sự ghi nhận của cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư đối với những nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của Quảng Ninh.

Hướng tới chính quyền thân thiện, cởi mở, hiệu quả, ngày càng đi vào thực chất, gắn với nhu cầu thực tế của doanh nghiệp, tỉnh liên tục có giải pháp mới trong đồng hành, tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ hoạt động doanh nghiệp. Điểm nhấn rõ nhất là trong cải cách thủ tục hành chính, đa dạng hóa cách tiếp cận doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn.

Cụ thể, trong tiếp cận doanh nghiệp, từ tỉnh đến cấp sở, ban, ngành, địa phương đã thường xuyên tiếp xúc, lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp. Ở cấp tỉnh, tại các cuộc họp thường kỳ hàng tháng của UBND tỉnh, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp được mời tham gia để kịp thời thông tin quá trình hoạt động của doanh nghiệp, phản ánh ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp. UBND tỉnh chỉ đạo cắt giảm 30% các cuộc hội họp, để lãnh đạo tỉnh, các sở, ban, ngành dành thời gian đi cơ sở nắm bắt tình hình, giải quyết dứt điểm các kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp.

Định kỳ hằng quý, Chủ tịch UBND tỉnh gặp gỡ, làm việc với BCH Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh; 6 tháng/lần, tỉnh tổ chức buổi gặp gỡ, lắng nghe ý kiến doanh nghiệp với quy mô trên 500 doanh nghiệp tham gia. Tương tự, tại các địa phương, sở, ngành cũng thường xuyên tổ chức gặp mặt, đối thoại với doanh nghiệp để kịp thời điều chỉnh, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Với sự đồng hành, hỗ trợ của tỉnh, Tập đoàn Việt - Úc đã hoàn thành dự án Khu phức hợp sản xuất tôm chất lượng cao tại huyện Đầm Hà. Ảnh: Hải Hà

Ngoài cách tiếp cận doanh nghiệp truyền thống là gặp mặt, trao đổi trực tiếp, tỉnh đã ứng dụng mạng xã hội trong đối thoại giữa chính quyền và doanh nghiệp thông qua thành lập và vận hành fanpage DDCI Quảng Ninh kết nối với fanpage của các sở, ban, ngành và địa phương. Qua đó, giúp doanh nghiệp phản ánh nhu cầu của mình nhanh hơn, kịp thời gian hơn, thời gian tiếp cận chính quyền giảm thiểu tối đa.

Trong giải quyết thủ tục hành chính (TTHC), đặc biệt là giải quyết cho doanh nghiệp, Quảng Ninh cũng đã có những bước tiến lớn. Thông qua Cổng thông tin hành chính công(http://hanhchinhcongquangninh.gov.vn), toàn bộ thủ tục của các sở, ban, ngành và địa phương trong tỉnh được công khai, đăng ký trực tuyến mức độ 3. 100% TTHC có thể đăng ký qua mạng theo từng mức độ khác nhau và tùy theo tính đặc thù của thủ tục.

Quảng Ninh đã triển khai sử dụng hệ thống một cửa điện tử tại 24/24 sở, ban, ngành; 14/14 UBND cấp huyện; 15/15 Trung tâm Hành chính công; 186/186 Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại cấp xã. Tỷ lệ giải quyết TTHC đúng hạn từ 97-99%; tổng số dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 cả 3 cấp của tỉnh đang giải quyết đạt tỷ lệ trên 85,5%.

XÂY DỰNG NHỮNG GIẢI PHÁP MỚI

Những giải pháp trong đồng hành, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh doanh nghiệp thời gian qua của tỉnh là động lực không nhỏ giúp nhiều doanh nghiệp vượt qua khủng hoảng, phát triển sản xuất, khẳng định được chỗ đứng trên thị trường.

Mặc dù vậy, khó khăn thách thức của doanh nghiệp tỉnh vẫn còn rất nhiều. Theo tổng hợp mới nhất của Sở KH&ĐT, 4 tháng đầu năm 2019, toàn tỉnh có 540 doanh nghiệp và 160 đơn vị trực thuộc thành lập, giảm 18,5% cùng kỳ năm 2018, tổng số vốn điều lệ đăng ký ước đạt 5.600 tỷ đồng, giảm 28% cùng kỳ. Số lượng đơn vị tạm ngừng là 378 đơn vị, tăng 17,4% cùng kỳ. Đến hết tháng 4/2019 tổng số đơn vị hoạt động trên địa bàn tỉnh là 18.300 đơn vị với số vốn đăng ký ước đạt 176.105 tỷ đồng. Kế hoạch phát triển doanh nghiệp năm 2019 của tỉnh là 3.940 doanh nghiệp. Tuy nhiên, đến hết 4 tháng đầu năm mới đạt được 700 đơn vị thành lập mới, đạt 17,8% kế hoạch.

Quảng Ninh đang có nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động tại các KCN, CCN trên địa bàn. (Trong ảnh: CCN Cẩm Thịnh, TP Cẩm Phả chính thức đi vào hoạt động từ ngày 25/4/2019). Ảnh: Minh Đức

Đáng chú ý, toàn tỉnh đang có tới 98% là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đa số đối tượng doanh nghiệp này đang thiếu kinh nghiệm và khả năng cạnh tranh. Trong quản lý vẫn tư duy, quản lý theo phương pháp kinh nghiệm; nhiều doanh nghiệp chưa thực sự nghiên cứu sâu về cơ chế chính sách, quá trình áp dụng triển khai mất nhiều thời gian; chưa có nhiều doanh nghiệp sẵn sàng sử dụng các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp...

Ghi nhận tại các buổi làm việc giữa tỉnh, các sở, ngành, địa phương với cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh từ đầu năm tới nay cho thấy, doanh nghiệp vẫn đang gặp khó trong: Tiếp cận tín dụng cho sản xuất kinh doanh, nhất là khối doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, hợp tác xã vẫn còn gặp khó khăn, mất thời gian và thiếu phương pháp thông tin thiết thực, kịp thời cho doanh nghiệp. Thủ tục giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch để doanh nghiệp nhỏ và vừa có được mặt bằng sản xuất kinh doanh vẫn còn phức tạp, ảnh hưởng đến tiến độ.

Cùng với đó là một số chính sách liên quan đến chuyên ngành như đất đai, xuất nhập khẩu... còn phụ thuộc nhiều yếu tố, liên quan đến nhiều cơ quan, ban ngành, dẫn đến thời gian giải quyết cho doanh nghiệp kéo dài. Hay như nguồn nhân lực, đặc biệt là lao động có kỹ năng, chất lượng cao chưa đáp ứng được yêu cầu cả về số lượng và chất lượng để phục vụ phát triển sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp...

Đây là những rào cản lớn đối với doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, đòi hỏi tỉnh tiếp tục nghiên cứu, xây dựng và triển khai những giải pháp cụ thể, hiệu quả thời gian tới.

Được biết, ngày 4/5, Quảng Ninh sẽ tổ chức hội nghị gặp gỡ, tiếp xúc doanh nghiệp quý II/2019. Tại hội nghị này, tỉnh sẽ thông tin tới cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân về chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội năm 2019; báo cáo những kết quả giải quyết tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp 2018 và quý I/2019. Đồng thời, đối thoại, giải quyết, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn của các doanh nghiệp; trao đổi, chia sẻ, tiếp thu những đề xuất, sáng kiến của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân.

Qua đó để triển khai những giải pháp mới, cụ thể, thiết thực và phù hợp với tình hình của 2019, nhằm góp phần thúc đẩy cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và hỗ trợ phát triển doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, nhất là các doanh nghiệp khởi nghiệp; vận động hộ kinh doanh chuyển sang mô hình doanh nghiệp theo chủ trương của Chính phủ...

Hồng Nhung

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/kinh-te/201905/tiep-tuc-go-kho-cho-doanh-nghiep-2439287/