Tiếp tục gia tăng con số thương vong do lũ lụt tại miền Trung

Thiên tai xảy ra ở khu vực miền Trung, Tây Nguyên đã khiến 133 người chết và mất tích. Trong đó, thiệt hại nặng nề nhất là tỉnh Quảng Trị với 49 người chết và 8 người mất tích.

Thông tin mới nhất từ Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai cho biết: Lũ lớn đã xuất hiện trên toàn 16 tuyến sông chính tại khu vực Trung Bộ. Trong đó có 5 tuyến sông lũ đã vượt mức lịch sử: Sông Kiến Giang tại Quảng Bình; sông Hiếu, sông Thạch Hãn, sông Ô Lâu tại Quảng Trị; sông Bồ tại Thừa Thiên - Huế.

Trong khi đó, bão số 8 đang hướng vào miền Trung và được dự báo sẽ liên tục tăng cấp trong những ngày tới. Đến 7h ngày 24/10, vị trí tâm bão ở khoảng 17,6 độ Vĩ Bắc; 112,5 độ Kinh Đông, ngay trên vùng biển phía Bắc quần đảo Hoàng Sa. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11-12 (100-135 km/h), giật cấp 14. Trong 72 đến 96h tiếp theo, bão tiếp tục di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 20 km.

Huyện Lệ Thủy trở thành "rốn ngập" của Quảng Bình khi ngày 19/10, lũ trên sông Kiến Giang tại đây lên cao hơn 1 mét so với mức lũ lịch sử năm 1979. Ảnh: Hoàng Giám

Huyện Lệ Thủy trở thành "rốn ngập" của Quảng Bình khi ngày 19/10, lũ trên sông Kiến Giang tại đây lên cao hơn 1 mét so với mức lũ lịch sử năm 1979. Ảnh: Hoàng Giám

Ứng phó với bão số 8, tính đến 6h ngày 21/10, các địa phương trong vùng ảnh hưởng đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 52.598 phương tiện với 263.044 lao động biết để di chuyển, thoát khỏi vùng nguy hiểm.

Hiện đang có 10.547 tàu với 76.449 lao động vẫn đang hoạt động trên biển ở khu vực Hoàng Sa của Bình Định, còn lại hoạt động vùng biển khác và ven bờ.

Từ ngày 6 đến 20/10, thiên tai xảy ra ở khu vực miền Trung, Tây Nguyên đã khiến 133 người chết, mất tích. Trong đó, có 111 người chết, nặng nề nhất là Quảng Trị với 49 người chết. 22 người mất tích, trong đó Thừa Thiên Huế nhiều nhất với 15 người tại khu vực Rào Trăng 3.

Thiên tai cũng làm 16 tuyến quốc lộ, 163.150m đường quốc lộ, 161.880m đường giao thông địa phương bị ngập, sạt lở, hư hỏng.

Người dân đang chịu ảnh hưởng lớn từ mưa lũ. Ảnh Minh Thùy

Hiện đường Hồ Chí Minh nhánh Tây, tỉnh Quảng Bình còn 7 vị trí ngập, sạt lở và nhiều tuyến đường nội tỉnh đang ngập lụt, chia cắt; Quốc lộ 1A đoạn qua thị trấn Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh còn ngập. Thiên tai cũng làm 371ha lúa, 6.989ha hoa màu bị ngập, hư hại; 5.876 con gia súc, 685.225 con gia cầm bị chết, cuốn trôi.

Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ chiều 19/10, sau khi nghe báo cáo tình hình và hỗ trợ khắc phục hậu quả mưa lũ miền Trung, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu tiếp tục chỉ đạo khắc phục với các phương án sẵn sàng hơn nữa để cứu dân với tinh thần "không được để dân đói, không được để dân rét, màn trời chiếu đất".

Trong công tác chỉ đạo, cần tập trung bảo đảm an toàn hồ đập, không để xảy ra vỡ hồ chứa, ảnh hưởng đến tính mạng, tài sản của nhân dân vùng hạ du.

Lũ lụt, sạt lở đất tại miền Trung đã gây nhiều thiệt hại về người và tài sản. Ảnh: Lâm Hưng Thơ

Thủ tướng đồng ý trước mắt, xuất cấp cho mỗi tỉnh 1.000 tấn gạo, "yêu cầu Bộ Tài chính xuất cấp ngay, kịp thời và phân phối trực tiếp đến người dân đúng đối tượng", không để chậm trễ. Về hỗ trợ kinh phí sửa chữa nhà ở, khắc phục cơ sở hạ tầng, Thủ tướng chấp nhận đề nghị trước mắt hỗ trợ mỗi tỉnh 100 tỷ đồng (gồm Quảng Nam, Thừa Thiên - Huế, Quảng Bình, Quảng Trị, Hà Tĩnh).

Báo Gia đình và Xã hội kêu gọi ủng hộ đồng bào bị bão lũ miền Trung

Mưa lũ dồn dập suốt hai tuần qua đã làm nhiều địa phương ở miền Trung, đặc biệt là các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế… chìm trong biển nước. Nhiều công trình cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi bị sạt lở, vùi lấp. Hàng nghìn gia đình lâm vào cảnh "màn trời chiếu đất" vì nhà bị đổ sập, tốc mái, hàng nghìn hecta hoa màu, cây ăn quả, nuôi trồng thủy sản... bị thiệt hại.

Ở nhiều nơi, người dân từng ngày trôi qua vẫn dầm mình trong nước ngập, lương thực là mì tôm sống, mong chờ nước rút trong vô vọng. Hình ảnh người dân ở trên nóc nhà, bên dưới là mênh mông biển nước hay cảnh người chồng van lạy, quỳ rụp xuống dưới dòng nước chứng kiến người vợ đang mang thai bị nước lũ cuốn trôi… đã khiến bao trái tim thắt lại.

Trước thực tế đau thương này, phát huy truyền thống "tương thân, tương ái", "lá lành đùm lá rách" của dân tộc, Báo Gia đình và Xã hội với tình cảm và trách nhiệm của mình kêu gọi các tổ chức, doanh nghiệp, đơn vị cùng cá nhân dành sự quan tâm tới đồng bào vùng bị bão lũ để kịp thời trợ giúp cho bà con miền Trung vượt qua cơn hoạt nạn, sớm trở lại cuộc sống bình thường.

Các thông tin và kết quả cứu trợ sẽ được liên tục được cập nhập trên Báo điện tử giadinh.net.vn.

Nhật Tân

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/tiep-tuc-gia-tang-con-so-thuong-vong-do-lu-lut-tai-mien-trung-20201021114603438.htm