Tiếp tục đổi mới, sáng tạo nhằm nâng cao giá trị 'thương hiệu' Tạp chí Dân chủ và Pháp luật

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh đánh giá cao giá trị 'thương hiệu' mà Tạp chí Dân chủ và Pháp luật gây dựng được từ khi thành lập cho đến nay.

Sáng nay (13/5), tại trụ sở của Tạp chí Dân chủ và Pháp luật, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh đã có buổi làm việc với tập thể lãnh đạo và cán bộ, viên chức của Tạp chí.

Tham gia cuộc họp có đại diện lãnh đạo một số đơn vị như: Vụ Tổ chức cán bộ, Cục Kế hoạch - Tài chính, Văn phòng Bộ, Học viện Tư pháp, Viện Khoa học pháp lý, Nhà xuất bản Tư pháp…

Tại buổi làm việc, thay mặt Tạp chí Dân chủ và Pháp luật, đồng chí Đặng Vũ Huân, Tổng Biên tập Tạp chí đã giới thiệu sơ bộ về quá trình hình thành và phát triển của Tạp chí; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức, hoạt động của Tạp chí trong thời gian qua, những thành tựu đạt được, những vấn đề còn tồn tại, vướng mắc, cũng như mục tiêu, phương hướng phát triển của Tạp chí trong những năm tới.

Ông Đặng Vũ Huân, Tổng Biên tập Tạp chí báo cáo với Thứ trưởng những mặt công tác chính của Tạp chí

Ông Đặng Vũ Huân, Tổng Biên tập Tạp chí báo cáo với Thứ trưởng những mặt công tác chính của Tạp chí

Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng đánh giá cao sự tiếp nối những giá trị “thương hiệu” mà Tạp chí Dân chủ và Pháp luật đã gây dựng được từ khi thành lập (năm 1977) cho đến nay.

Qua bao thế hệ, Tạp chí vẫn phát huy được vai trò là cơ quan ngôn luận của Bộ Tư pháp, là diễn đàn nghiên cứu, trao đổi về khoa học pháp lý, thông tin lý luận, nghiệp vụ và thực tiễn trong xây dựng, thực hiện pháp luật và hoạt động tư pháp, góp phần tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, phục vụ yêu cầu quản lý nhà nước, đáp ứng nhu cầu của nhân dân về nghiên cứu, tìm hiểu pháp luật nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước bằng pháp luật, tăng cường pháp chế, phát huy dân chủ, thực hiện công bằng xã hội, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp đều đánh giá Tạp chí Dân chủ và Pháp luật là Tạp chí Ngành uy tín

Cũng tại buổi làm việc, đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp đã khẳng định sự phối hợp chặt chẽ của Tạp chí với các đơn vị liên quan thuộc Bộ trong những năm qua nhằm tạo ra những ấn phẩm có hàm lượng khoa học cao đến với cán bộ trong và ngoài Ngành Tư pháp, cũng như bạn đọc cả nước.

Đại diện các đơn vị thuộc Bộ cũng tư vấn nhiều giải pháp phát triển Tạp chí

Đại diện các đơn vị cũng chia sẻ với những khó khăn của Tạp chí, đồng thời tư vấn nhiều giải pháp, định hướng cùng tháo gỡ khó khăn nhằm nâng cao hơn nữa vị thế của Tạp chí để khẳng định được “thương hiệu” của mình và tiếp tục là một trong những Tạp chí Ngành uy tín được giới nghiên cứu luật học đánh giá cao.

Các ý kiến đều mong muốn Tạp chí tiếp tục khẳng định được “thương hiệu” của mình và là một trong những Tạp chí Ngành uy tín được giới nghiên cứu luật học đánh giá cao.

Sau khi nghe các ý kiến phát biểu của tập thể lãnh đạo, cán bộ, viên chức Tạp chí, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh yêu cầu Tạp chí trong thời gian tới tiếp tục thực hiện tốt các nhiệm vụ sau:

Một là, đối với các ấn phẩm Tạp chí định kỳ (64 trang) và chuyên đề (32 trang), Tạp chí cần duy trì và nâng cao hơn nữa chất lượng bài viết. Tổ chức nội dung ấn phẩm cần bám sát các hoạt động của Bộ, Ngành Tư pháp, đồng thời các bài viết cần có tính “thời sự” và “dự báo”.

Hai là, xây dựng Tạp chí điện tử (nâng cấp từ Trang Thông tin điện tử hiện hành) là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Tạp chí trong thời gian tới. Để xây dựng được Tạp chí điện tử liên quan đến nhiều yếu tố như: Kinh phí, con người, cơ sở vật chất… Vì vậy, đòi hỏi Tạp chí cần phải xây dựng kế hoạch và đề ra bước đi cụ thể.

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh yêu cầu Tạp chí Dân chủ và Pháp luật cần tổ chức các diễn đàn đối thoại, phản biện trong công tác xây dựng pháp luật, thi hành pháp luật.

Ba là, đối với số chuyên đề 200 trang, đề nghị Tạp chí nghiên cứu bổ sung thêm các số chuyên đề này trong điều kiện tự mình chủ động tìm đến các đối tác “tiềm năng” như: Pháp chế các Bộ, Ngành. Bám sát vào chương trình xây dựng pháp luật hàng năm để xây dựng kế hoạch liên kết xuất bản các ấn phẩm 200 trang. Từ đó, nâng cao hơn vai trò, vị thế của Tạp chí ngay tại các cơ quan pháp chế của Bộ, Ngành, địa phương trong cả nước.

Bốn là, Tạp chí cần tổ chức các diễn đàn đối thoại, phản biện trong công tác xây dựng pháp luật, thi hành pháp luật. Làm tốt công tác này sẽ củng cố thêm thương hiệu của Tạp chí; đồng thời nghiên cứu từng bước xuất bản ấn phẩm bằng tiếng Anh, Tạp chí điện tử bằng tiếng Anh.

Năm là, Tạp chí tiếp tục phối hợp với Nhà xuất bản Tư pháp và các đơn vị có liên quan xây dựng bản thảo, biên tập, xuất bản ấn phẩm nhân kỷ niệm 75 năm Ngành Tư pháp Việt Nam; tham gia tích cực hơn nữa vào Kế hoạch công tác truyền thông về hoạt động của Bộ, Ngành Tư pháp năm 2020; triển khai ký kết các bản phối hợp trong công tác truyền thông với các đơn vị thuộc Bộ...

Cuối cùng, Thứ trưởng chúc mừng những thành tích mà Tạp chí Dân chủ và Pháp luật đã đạt được trong những năm qua và cũng hy vọng rằng, với truyền thống hơn 43 năm xây dựng và phát triển, các thế hệ cán bộ, viên chức, biên tập viên của Tạp chí sẽ tiếp tục phát huy những thế mạnh của mình, không ngừng đổi mới, sáng tạo, chủ động nhằm tạo ra những ấn phẩm phản ánh “hơi thở” của Bộ, Ngành - xứng đáng với thương hiệu “Tạp chí Dân chủ và Pháp luật”.

Quỳnh Vũ - Hải Việt

Nguồn Pháp Luật Plus: https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/tiep-tuc-doi-moi-sang-tao-nham-nang-cao-gia-tri-thuong-hieu-tap-chi-dan-chu-va-phap-luat-d124315.html