Tiếp tục đổi mới cách đánh giá công chức, viên chức

Trong thực tế hiện nay, việc đánh giá công chức, viên chức không chỉ được thực hiện dịp tổng kết, bình xét cuối năm mà còn được triển khai vào những dịp khác nhau trong quá trình công tác. Như vậy, có thể có người trong năm sẽ được đánh giá, nhận xét tới hai lần, thậm chí ba lần.

Trong thực tế hiện nay, việc đánh giá công chức, viên chức không chỉ được thực hiện dịp tổng kết, bình xét cuối năm mà còn được triển khai vào những dịp khác nhau trong quá trình công tác. Như vậy, có thể có người trong năm sẽ được đánh giá, nhận xét tới hai lần, thậm chí ba lần.

Tuy nhiên, công tác đánh giá cho thấy còn một số hạn chế, bất cập không nhỏ, như: việc đánh giá còn cảm tính, hình thức, xuê xoa, chiếu lệ; chưa lấy hiệu quả công việc làm thước đo chủ yếu trong đánh giá; thiếu tính chiến đấu, thiếu tinh thần xây dựng trong đánh giá; kết quả đánh giá nhiều nơi chưa phản ánh đúng thực tế chất lượng cán bộ. Còn tình trạng phần lớn công chức, viên chức trong các cơ quan, đơn vị được đánh giá xếp loại đạt mức hoàn thành tốt và xuất sắc nhiệm vụ; tỷ lệ công chức, viên chức xếp loại yếu kém, không hoàn thành nhiệm vụ, hoàn thành nhiệm vụ còn rất thấp trong khi thực tế không phản ánh như vậy.

Kết quả đánh giá công chức, viên chức phụ thuộc nhiều vào ý thức trách nhiệm của các cá nhân tham gia đánh giá. Tuy nhiên, có nơi, có lúc do các tiêu chí và cách thức đánh giá còn chung chung, nặng tính chủ quan, cảm tính cho nên nhiều người chưa thật sự đề cao trách nhiệm trong đánh giá, kể cả tự đánh giá cũng như trong đánh giá người khác. Nhiều nơi, nhiều người còn tâm lý nể nang, dĩ hòa vi quý, ngại nói thẳng nói thật, hoặc vì lợi riêng dẫn đến việc đánh giá trở nên hình thức, mờ nhạt, làm cho xong. Thậm chí, nhiều người đứng đầu cơ quan, đơn vị không thẳng thắn đánh giá công chức, viên chức dưới quyền yếu kém, vì sợ bị mất lòng. Có nơi còn coi đánh giá xếp loại công chức, viên chức như việc “đến hẹn lại làm”, như một thủ tục để hoàn thành nhiệm vụ tổng kết công tác cuối năm, chứ không phải cơ hội để thẳng thắn nhìn nhận lại quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao của từng người. Có những cá nhân đã lợi dụng việc đánh giá để hạ thấp uy tín người khác, gây căng thẳng, mất đoàn kết trong nội bộ, ảnh hưởng xấu đến không khí làm việc, công tác. Nhiều ý kiến cho rằng, công tác đánh giá cán bộ hiện nay chưa thực chất, bởi không loại được người yếu kém ra khỏi bộ máy, chưa thật sự thúc đẩy tinh thần làm việc.

Ðể khắc phục thực trạng nêu trên, Quốc hội đã dành nhiều thời gian nghiên cứu Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức và đã thông qua tại Kỳ họp thứ tám, khóa XIV, có hiệu lực từ 1-7 năm nay. Luật quy định đối với công chức, bên cạnh những quy định đánh giá như hiện nay, công chức còn được đánh giá dựa trên các nội dung: chấp hành quy định của cơ quan, tổ chức, đơn vị; tiến độ và chất lượng thực hiện nhiệm vụ. Việc đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phải gắn với vị trí việc làm, thể hiện thông qua công việc, sản phẩm cụ thể. Ðồng thời, luật này cũng quy định nội dung đánh giá về thái độ phục vụ nhân dân, doanh nghiệp của công chức, chỉ áp dụng đối với những vị trí tiếp xúc trực tiếp với người dân và doanh nghiệp. Ðối với viên chức, luật quy định được đánh giá theo kết quả thực hiện công việc hoặc nhiệm vụ theo kế hoạch đề ra hoặc theo công việc cụ thể được giao; tiến độ, chất lượng thực hiện nhiệm vụ. Việc đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phải gắn với vị trí việc làm, thể hiện thông qua công việc, sản phẩm cụ thể.

Để những nội dung mới của luật đi vào cuộc sống và giải quyết hiệu quả những hạn chế đang đặt ra trong thực tế công tác đánh giá, các cơ quan, bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục chủ động, quyết liệt đổi mới phương thức đánh giá. Trong đó, cùng với những tiêu chí đã được luật pháp quy định, cần tập trung nâng cao ý thức trách nhiệm của các chủ thể tham gia đánh giá để bảo đảm tính trung thực, khách quan, công tâm. Trước hết, cần nâng cao tinh thần trách nhiệm, ý thức tự giác, chủ động của từng người khi tham gia đánh giá, tự đánh giá. Ðây là công việc có ý nghĩa cụ thể, thiết thực đối với cơ quan, đơn vị và đối với từng cá nhân. Mỗi nơi, mỗi người cần đề cao tinh thần khách quan trong đánh giá cán bộ, từng bước thay đổi cách thức làm việc từ chủ yếu dựa trên quan hệ tình cảm sang lối làm việc công tâm, khách quan, vì việc chứ không vì người. Chất lượng công việc của đơn vị, cơ quan và của bản thân có tốt hơn không, hiệu quả hơn không chính là nhờ một phần không nhỏ của việc đánh giá đúng con người trong công việc, cuộc sống.

Làm tốt công tác đánh giá là cơ sở quan trọng, chính xác để động viên, khuyến khích, khen thưởng những người làm việc hiệu quả cao. Những người làm chưa tốt có cơ sở để nhìn nhận lại quá trình, tiếp thu góp ý, phê bình để làm việc tốt hơn. Ðồng thời có thể sàng lọc, loại bỏ những cán bộ, công chức, viên chức không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ ra khỏi các cơ quan nhà nước. Ðây là công việc quan trọng nhưng chưa được thực hiện hiệu quả thời gian qua. Ðánh giá công tâm, khách quan, chính xác còn góp phần giúp mỗi cơ quan, đơn vị có điều kiện tuyển chọn, bổ sung nguồn cán bộ, công chức thật sự có tài, có tâm phụng sự đất nước, phục vụ nhân dân.

SONG LINH

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/cung-suy-ngam/item/44361902-tiep-tuc-doi-moi-cach-danh-gia-cong-chuc-vien-chuc.html