Tiếp tục đẩy mạnh xử lý nợ xấu

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa có Văn bản số 1968/NHNN-TTGSNH yêu cầu các tổ chức tín dụng (TCTD) tiếp tục đẩy mạnh xử lý nợ xấu năm 2019. Theo đó, các TCTD nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của NHNN về kiểm soát tăng trưởng và nâng cao chất lượng tín dụng, đẩy mạnh công tác xử lý nợ xấu, phân loại nợ, trích lập dự phòng rủi ro khi bán nợ cho Công ty Quản lý tài sản (VAMC). Cùng với đó, thực hiện dự thu lãi phù hợp với thực trạng các khoản nợ bảo đảm tuân thủ đúng quy định của pháp luật để phản ánh đúng kết quả hoạt động kinh doanh. Thường xuyên rà soát tình hình thực tế của các khoản nợ đang dự thu lãi, nhất là các khoản lãi có dự thu lớn để kịp thời thoái lãi thu đối với các trường hợp khó có khả năng thu hồi.PV

Giảm tổn thất điện năng lưới truyền tải điện phía nam

Công ty Truyền tải điện 4 (PTC 4) vừa cho biết, năm 2018, công ty đã hoàn thành tốt công tác giảm tổn thất điện năng và sản lượng truyền tải tăng 9,55% so cùng kỳ 2017, đạt 100,48% kế hoạch; tỷ lệ tổn thất lưới 220 kV là 0,87%, thấp hơn 0,02% so cùng kỳ năm 2017, thấp hơn 0,03% so kế hoạch; tỷ lệ tổn thất lưới 500kV là 0,49%, thấp hơn 0,06% so cùng kỳ năm 2017, thấp hơn 0,03% so kế hoạch; lưới chung tỷ lệ tổn thất 1,12%, thấp hơn 0,04% so cùng kỳ năm 2017, thấp hơn 0,02% so kế hoạch. Hiện nay, PTC 4 quản lý vận hành lưới điện truyền tải từ cấp 220kV đến 500kV trên phạm vi 19 tỉnh, thành phố phía nam từ Đồng Nai, Bình Phước, Bà Rịa - Vũng Tàu đến Cà Mau. Năm 2019, PTC 4 được giao nhiệm vụ giảm tổn thất điện năng như sau: chỉ tiêu tỷ lệ tổn thất lưới 220 kV là 0,86%; chỉ tiêu tỷ lệ tổn thất lưới 500 kV là 0,46%; chỉ tiêu tỷ lệ tổn thất lưới chung là 1,09%.

PV

Hội nghị - Hội thảo

Sáng 25-3, tại Hà Nội, Trường đại học Kinh tế quốc dân tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia và công bố ấn phẩm Đánh giá kinh tế Việt Nam thường niên 2018 của nhà trường với chủ đề: Hướng tới chính sách tài khóa bền vững và hỗ trợ tăng trưởng.

Nhiều ý kiến phát biểu tại hội thảo đã nhấn mạnh yêu cầu trong năm 2019 và thời gian tới, Việt Nam cần ưu tiên bảo đảm cân đối ngân sách thông qua tạo nguồn thu ngân sách ổn định và cân bằng, cải thiện phân cấp ngân sách và nâng cao hiệu quả đầu tư công, siết chặt quản lý nợ công; tạo quyền chủ động hơn cho địa phương trong phân bổ và quyết định ngân sách, đồng thời tăng cường tính kỷ luật, minh bạch và trách nhiệm giải trình, củng cố nền tài chính quốc gia lành mạnh, bền vững hơn; tăng cường quản lý nợ công theo nguyên tắc công khai minh bạch, giám sát chặt chẽ, sử dụng hiệu quả và đánh giá theo kết quả đầu ra, phù hợp với thông lệ và chuẩn mực quốc tế; đặc biệt, cần tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh và hỗ trợ mạnh mẽ khu vực kinh tế tư nhân trở thành trụ cột quan trọng trong phát triển đất nước.

PV

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/39626802-tiep-tuc-day-manh-xu-ly-no-xau.html