Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh

Ngày 29-4, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Thông cáo báo chí số 02/TC-UBND về kết quả Hội nghị giao ban trực tuyến tháng 4-2021 của UBND thành phố Hà Nội diễn ra ngày 28-4, do Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh chủ trì.

Thông cáo nêu rõ, theo công bố của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) ngày 15-4-2021, Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2020 của Hà Nội đạt 66,93 điểm (giảm 1,87 điểm so với năm trước), xếp thứ 9/63 tỉnh, thành phố (không thay đổi xếp hạng so với năm 2018 và 2019). Tuy nhiên, trong đó có 5/10 chỉ số giảm hạng so với năm 2019. Để tiếp tục duy trì chỉ số cải cách hành chính, Chỉ số PCI của Hà Nội nằm trong nhóm có thứ hạng cao so với cả nước, UBND thành phố yêu cầu các sở, ngành, quận, huyện, thị xã tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm.

Trước hết là tiếp tục duy trì và phát huy ở những lĩnh vực có kết quả tốt như: Hỗ trợ doanh nghiệp, đào tạo lao động. Đồng thời, cần triển khai ngay các biện pháp khắc phục tồn tại, hạn chế đối với những lĩnh vực có điểm số và xếp hạng thấp.

UBND thành phố giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với đơn vị tham mưu, UBND thành phố ban hành Chỉ thị chỉ đạo các đơn vị triển khai các biện pháp duy trì và nâng cao Chỉ số PCI, thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh để ứng phó với dịch Covid-19.

Các đơn vị thuộc thành phố cần tiếp tục công khai, minh bạch hóa thông tin, cập nhật và hướng dẫn rõ ràng: Quy hoạch chung xây dựng, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch ngành, các quyết định, chính sách, thủ tục hành chính… cho công dân, doanh nghiệp trên website, trang thông tin điện tử của đơn vị. Tiến tới, doanh nghiệp chỉ phải thực hiện những nội dung mà các đơn vị đã công khai.

UBND thành phố cũng yêu cầu các sở: Kế hoạch và Đầu tư, Quy hoạch - Kiến trúc, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Giao thông - Vận tải, Tài chính, Văn phòng UBND thành phố và các đơn vị liên quan rà soát quy chế phối hợp, quy trình xử lý, giải quyết công việc, chấn chỉnh đến từng chuyên viên nhằm nâng cao chất lượng công tác tham mưu, xử lý hồ sơ công việc.

Các sở, ngành, đơn vị phải quán triệt nguyên tắc: Đối với một hồ sơ xử lý công việc, một vụ việc chỉ cần có ý kiến thỏa thuận, hướng dẫn bằng một văn bản để hạn chế số lần đi lại và thời gian giải quyết các thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp. Trường hợp có yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ, cơ quan tiếp nhận thông báo 1 lần bằng văn bản cho tổ chức, cá nhân về toàn bộ nội dung cần sửa đổi, bổ sung đối với mỗi một bộ hồ sơ. Trong đó, thông báo phải nêu rõ căn cứ, nội dung và thời hạn sửa đổi, bổ sung hồ sơ.

Đồng thời, tiếp tục tổ chức triển khai Nghị quyết của HĐND thành phố về phát triển doanh nghiệp và khuyến khích chuyển đổi hộ kinh doanh thành doanh nghiệp. Hoàn thiện hệ sinh thái khởi nghiệp, thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào tất cả các khâu quản lý và cung cấp dịch vụ công trực tuyến tới công dân, các tổ chức, cá nhân.

Đình Hiệp

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/cai-cach-hanh-chinh/997882/tiep-tuc-day-manh-cai-cach-hanh-chinh-cai-thien-moi-truong-dau-tu-kinh-doanh