Tiếp tục chính sách miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp, cải thiện kinh tế nông thôn

Việc tiếp tục đẩy mạnh chính sách miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp được kỳ vọng sẽ hỗ trợ người nông dân giảm bớt khó khăn trong cuộc sống và cải thiện kinh tế nông thôn, nhất là giai đoạn phục hồi sau dịch bệnh toàn cầu gây ra.

Tiếp tục Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, Các đại biểu quốc hội vừa tiến hành thảo luận về chính sách miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp thời hạn 5 năm (từ 1/1/2021 đến hết 31/12/2025).

Nếu như Nghị quyết này được thông qua, dự kiến số thuế sử dụng đất nông nghiệp được miễn khoảng 7.500 tỷ đồng/năm sẽ tiếp tục là hình thức hỗ trợ trực tiếp tới người nông dân, là nguồn đầu tư tài chính quan trọng trực tiếp cho khu vực nông nghiệp, nông thôn để đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.

Nhiều cử tri cho biết chính sách này có ý nghĩa vô cùng quan trọng, tác động lớn tới việc hỗ trợ các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp gắn bó và phát triển ngành nông nghiệp. Không những giúp người nông dân xóa đói, giảm nghèo, chính sách này còn có tác dụng ở quy mô lớn hơn là khuyến khích các tổ chức đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn và thúc đẩy quá trình chuyển dịch, tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đồng thời mang lại diện mạo mới cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Chính sách miễn thuế sử dụng đất giúp người nông dân xóa đói giảm nghèo, đồng thời thúc đẩy sự phát triển của cả ngành nông nghiệp.

Chính sách miễn thuế sử dụng đất giúp người nông dân xóa đói giảm nghèo, đồng thời thúc đẩy sự phát triển của cả ngành nông nghiệp.

Hơn nữa, việc tiếp tục miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp thêm 5 năm sẽ không làm giảm thu ngân sách nhà nước do đây là chính sách đang được thực hiện trên thực tế. Với số thuế sử dụng đất nông nghiệp được miễn khoảng 7.500 tỷ đồng/năm sẽ tiếp tục là hình thức hỗ trợ trực tiếp cho tổ chức, cá nhân sản xuất nông nghiệp, là nguồn tài chính quan trọng đầu tư trực tiếp cho khu vực nông nghiệp, nông thôn. Đồng thời, việc đề xuất tiếp tục miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đến hết 2025 là thực hiện chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, quy hoạch tổng thể phát triển sản xuất ngành nông nghiệp, chu kỳ sản xuất nông nghiệp, đảm bảo tính khả thi của chính sách.

Ở nhiều địa phương, chính quyền đã và đang thực hiện hiệu quả chính sách này nhằm cụ thể hóa chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; giúp người nông dân gắn bó hơn với đồng ruộng, yên tâm đầu tư sản xuất nông nghiệp; chia sẻ khó khăn với nông dân, thúc đẩy kinh tế nông nghiệp phát triển.

Với gần 70% dân số sống ở nông thôn với nghề nghiệp chính là nông nghiệp thì ngoài chính sách miễn thuế sử dụng đất, cần có thêm các giải pháp đồng bộ khác như:Tiếp tục đổi mới, phát triển các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp, trọng tâm là khuyến khích phát triển các doanh nghiệp nông nghiệp và các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị, kết nối sản xuất với tiêu thụ; hỗ trợ, tạo điều kiện để doanh nghiệp liên kết với hợp tác xã và hộ sản xuất cá thể hình thành các chuỗi khép kín từ sản xuất tới chế biến, tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp gắn với truy xuất nguồn gốc nông sản.

Bên cạnh đó, Nhà nước cũng cần từng bước thực hiện việc chuyển dịch một bộ phận lao động nông nghiệp sang các lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ và ngành nghề nông thôn; đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ, phát triển công nghiệp chế biến gắn với xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, thương hiệu sản phẩm kết hợp với phát triển thị trường tiêu thụ các nông sản. Đặc biệt, khuyến khích các doanh nghiệp tham gia nghiên cứu và chuyển giao khoa học công nghệ, ứng dụng công nghệ cao nhằm tạo đột phá về năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi, nâng cao khả năng cạnh tranh, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Các địa phương triển khai mạnh mẽ chương trình mỗi xã một sản phẩm gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới để khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế các sản phẩm đặc trưng của vùng, miền; huy động mọi nguồn lực đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, tăng cường năng lực phòng chống, giảm nhẹ thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Ngoài chính sách khuyến khích mạnh mẽ doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, tham gia xây dựng vùng nguyên liệu tập trung gắn với chế biến, nhiều địa phương cũng đẩy mạnh phát triển hạ tầng đồng ruộng, xây dựng các trạm bơm để có thể chủ động nguồn nước tưới tiêu, cùng với đó là cho chuyển đổi các vùng trồng lúa kém hiệu quả sang các loại cây trồng khác có giá trị kinh tế cao...

Ông Trần Minh Tiến, Phó Chủ tịch UBND huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình cho rằng, hiện nay giá sản phẩm nông sản đầu ra thấp, đầu vào lại cao nên hiệu quả sản xuất nông nghiệp không cao dẫn đến ngày công của người lao động thấp. Hơn nữa, dịch tả lợn châu Phi năm 2019 và đại dịch COVID-19 năm 2020 đã ảnh hưởng rất lớn đến đời sống vật chất và tinh thần của người dân. Bên cạnh đó, trong quá trình thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, người dân đã rất tích cực tham gia, đóng góp công sức, tiền của để cùng địa phương hoàn thành mục tiêu này.

Cùng quan điểm với ông Trần Minh Tiến, ông Phạm Văn Kiều, cán bộ địa chính xã Minh Khai, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình đề nghị Quốc hội, Chính phủ sớm có chính sách miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp cho những năm tiếp theo. Theo ông Phạm Văn Kiều, những năm qua sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn do thiên tai, dịch bệnh khiến nguồn thu nhập của người nông dân đã thấp lại thấp hơn.

Tại một số nơi người dân đã bỏ đồng ruộng để đi tìm những công việc khác có mức thu nhập ổn định hơn. Vì vậy, các cơ quan Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ, khuyến khích người dân trong sản xuất nông nghiệp như việc miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp để nông dân vượt qua khó khăn, yên tâm sản xuất.

Trung Linh

Nguồn Thời Đại: https://thoidai.com.vn/tiep-tuc-chinh-sach-mien-thue-su-dung-dat-nong-nghiep-cai-thien-kinh-te-nong-thon-109308.html