Tiếp tục cải tiến nội dung và hình thức các xuất bản phẩm

Để công tác xuất bản 6 tháng cuối năm 2019 tiếp tục đạt được những kết quả như mong đợi, toàn ngành xuất bản cần phải tập trung rà soát kế hoạch đề tài, xuất bản; làm tốt công tác khai thác bản thảo, cải tiến nội dung và hình thức của các xuất bản phẩm...

Ngày 15/8/2019 tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Xuất bản Việt Nam tổ chức Hội nghị Giao ban công tác xuất bản 6 tháng đầu năm 2019.

Theo Báo cáo của Cục xuất bản in và phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông), 6 tháng đầu năm, các nhà xuất bản đăng ký xuất bản 39.426 tên xuất bản phẩm với 1.110.312.959 bản. Cục Xuất bản in và phát hành xác nhận đăng ký xuất bản 39.190 tên xuất bản phẩm với 1.106.839.109 bản.

Đồng chí Lê Mạnh Hùng - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương

phát biểu kết luận Hội nghị (Ảnh:K.T)

Trong 6 tháng đầu năm 2019, các nhà xuất bản cũng đã nộp lưu chiểu 17.111 xuất bản phẩm với 250.894.836 bản (tăng 6,9% về xuất bản phẩm, tăng 43,6% về bản so với cùng kỳ năm 2018). Trong đó, sách giấy của các nhà xuất bản là 16.476 cuốn với 239.250.180 bản; sách điện tử 92 xuất bản phẩm với 1.250.000 lượt phát hành. Xuất bản phẩm khác (tranh ảnh, bản đồ, đĩa, tờ rời, tờ gấp, các loại lịch) 506 loại với 10.129.836 bản. Tài liệu không kinh doanh 37 tài liệu với 264.820 bản.

Các xuất bản phẩm bên cạnh việc phục vụ nhu cầu đọc của xã hội với nhiều đối tượng khác nhau, các nhà xuất bản đã xuất bản được nhiều xuất bản phẩm phục vụ nhiệm vụ tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và nhiệm vụ chính trị của các ngành, địa phương, như: Xuất bản phẩm phục vụ tuyên truyền học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; hoạt động giới thiệu, quảng bá văn hóa - văn nghệ các dân tộc Việt Nam; phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”; phổ biến chính sách, pháp luật và kiến thức phổ thông về văn hóa, xã hội, khoa học kỹ thuật phục vụ người dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Xuất bản phẩm tuyên truyền bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội; phục vụ công tác thông tin đối ngoại. Các xuất bản phẩm hướng dẫn điều tra, tổng điều tra hằng năm; các xuất bản phẩm phân tích chuyên sâu theo chuyên đề như: Tài liệu điều tra doanh nghiệp 2019; tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019; khảo sát mức sống dân cư năm 2019. Xuất bản phẩm phục vụ các ngày lễ kỷ niệm lớn như: Kỷ niệm 40 năm chiến thắng chiến tranh biên giới Tây Nam; 40 năm cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc; 60 năm ngày mở đường Hồ Chí Minh; v.v…

Đặc biệt, các xuất bản phẩm (bao gồm sách, tài liệu, bản đồ) có nội dung bảo vệ chủ quyền quốc gia tiếp tục được các nhà xuất bản chú trọng xuất bản. Cùng với đó, đề tài về lịch sử dân tộc được khai thác với nhiều thể loại khác nhau như: Sách nghiên cứu chuyên sâu, sách phổ biến kiến thức, tiểu thuyết, truyện tranh dành cho thiếu nhi,… đáp ứng được nhu cầu của nhiều lứa tuổi bạn đọc, góp phần khẳng định chủ quyền quốc gia, phát huy truyền thống yêu nước và các giá trị văn hóa lịch sử dân tộc.

Để có được những kết quả như trên, ngoài việc đầu tư về mặt nội dung xuất bản phẩm, một số nhà xuất bản đã mở rộng hoạt động liên kết xuất bản và giao dịch mua bản quyền, thu được hiệu quả cao như: Nhà xuất bản Tư pháp, Nhà xuất bản Văn hóa - Văn nghệ TP. HCM, Nhà xuất bản Tổng hợp TP. HCM, Nhà xuất bản Kim Đồng, Nhà xuất bản Trẻ, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, Nhà xuất bản Phụ nữ,… Bên cạnh đó, công tác truyền thông cũng được các nhà xuất bản và các công ty sách chú trọng thực hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng, qua việc tổ chức, tham gia các sự kiện: Hội thảo, tọa đàm, họp báo, hội chợ sách, nhằm đưa sách đến với nhiều bạn đọc trong và ngoài nước.

Ngoài các hoạt động xuất bản, 6 tháng đầu năm, các nhà xuất bản trong cả nước còn tham gia các hoạt động đối ngoại như: Tham dự Hội chợ sách quốc tế Cuba 2019, trưng bày và giới thiệu trên 400 đầu sách bằng tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Việt tại Hội chợ; làm việc với Viện sách Cuba rà soát các hoạt động thỏa thuận hợp tác đã ký kết và trao bản quyền 21 đầu sách của Việt Nam cho phía Cuba.

Tổ chức 2 lớp đào tạo nghiệp vụ về xuất bản và in cho cán bộ nhà xuất bản, cơ sở in của Lào. Triển khai dịch và xuất bản 02 cuốn sách: “Quá trình khai phá, xác lập, thực thi và bảo vệ chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa” tập II (từ tiếng Việt sang tiếng Anh) và “Một ngày là mười năm” (từ tiếng Việt sang tiếng Lào).

Hội nghị Giao ban công tác xuất bản 6 tháng đầu năm 2019 (Ảnh: K.T)

Hội nghị Giao ban công tác xuất bản 6 tháng đầu năm 2019 (Ảnh: K.T)

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác xuất bản trong 6 tháng đầu năm vẫn còn những hạn chế cần lưu ý: Đăng ký đề tài không phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của nhà xuất bản; đăng ký xuất bản ấn phẩm thuộc loại hình báo chí, không phải xuất bản phẩm; tên đề tài không phù hợp với tóm tắt nội dung; tóm tắt nội dung không rõ ràng hoặc trích nguyên tên sách vào phần tóm tắt nội dung; viết tắt hoặc thiếu thông tin hoặc thông tin không chính xác về tác giả, dịch giả, số lượng in, đối tác liên kết, v.v… gây khó khăn, lãng phí cho cơ quan quản lý nhà nước và nhà xuất bản. Trong 6 tháng đầu năm, có 44 xuất bản phẩm vi phạm bị xử lý (giảm 8,4% so với cùng kỳ năm 2018).

Để thực hiện thắng lợi kế hoạch năm 2019, phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Lê Mạnh Hùng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đề nghị các nhà xuất bản trong cả nước cần tập trung triển khai thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm: Toàn Ngành tập trung rà soát kế hoạch đề tài, xuất bản các ấn phẩm phục vụ nhiệm vụ chính trị của đất nước, bộ, ngành, địa phương, tuyên truyền các sự kiện chính trị, lịch sử và những ngày lễ lớn của đất nước....; chủ động xây dựng cơ cấu đề tài hợp lý, làm tốt công tác khai thác bản thảo có giá trị, chất lượng, cải tiến nội dung và hình thức. Trong đó tập trung vào một số nội dung: đề tài bảo vệ chế độ, bảo vệ quan điểm của Đảng, phản bác các luận điệu, quan điểm sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ Đảng, tạo sự thống nhất trong Đảng, trong nhân dân; đề tài tuyên truyền, phát hiện, biểu dương các nhân tố mới, điển hình tiên tiến, tuyên truyền gương người tốt, việc tốt, khắc phục tình trạng vi phạm về định hướng chính trị tư tưởng; khai thác những đề tài có giá trị giáo dục truyền thống, giáo dục đạo đức, bảo tồn văn hóa dân tộc, thông tin đối ngoại, an ninh quốc gia, bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền biên giới đất liền và biển, đảo một cách thuyết phục, có lập luận vững chắc.

Mỗi nhà xuất bản phải căn cứ chức năng, nhiệm vụ của mình chủ động xây dựng chiến lược xuất bản dòng sách của riêng mình theo hướng chuyên nghiệp, tránh tình trạng ”hỗn độn” các loại sách như hiện nay trên thị trường. Ngoài ra, các Nhà xuất bản cần tiếp tục đẩy mạnh kiện toàn và nâng cao chất lượng đội ngũ lãnh đạo và biên tập viên nhà xuất bản. Bên cạnh đó, các nhà xuất bản cũng cần phải tăng cường quản lý hoạt động liên kết, hoạt động của văn phòng đại diện; coi trọng công tác quảng bá, truyền thông sách; phát triển xuất bản điện tử, đồng thời chủ động phối hợp với các cơ quan quản lý, cơ quan chủ quản tìm giải pháp, chuyển đổi mô hình hoạt động theo loại hình tổ chức phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, hoàn thành việc chuyển đổi các nhà xuất bản địa phương và các nhà xuất bản phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin đối ngoại sang loại hình đơn vị sự nghiệp theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa XII và Nghị quyết 08/2018/NQ-CP của Chính phủ./.

K.T

Nguồn Đảng Cộng Sản VN: http://cpv.org.vn/tu-tuong-van-hoa/tiep-tuc-cai-tien-noi-dung-va-hinh-thuc-cac-xuat-ban-pham-531888.html