Tiếp thuốc ở điểm 'nóng' HIV ở Điện Biên

Tại Điện Biên vẫn còn nhiều khu vực có tỷ lệ người dân nhiễm HIV cao, chủ yếu tập trung ở nhóm nghiện hút, chích. Với địa bàn vùng sâu, vùng xa, trình độ nhận thức của người dân còn thấp, việc vận động người bệnh tham gia điều trị thường xuyên bằng thuốc kháng vi rút ARV, cai nghiện bằng Methadone vẫn còn nhiều thách thức.

HIV bủa vây

Mới hơn 6 giờ sáng, phòng cấp thuốc Methadone và khu vực cấp thuốc ARV tại trạm y tế xã Mùn Chung (huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên) đã có người xếp hàng đến uống thuốc.

Bệnh nhân đến uống thuốc Methadone tại trạm y tế xã Mùn Chung. Ảnh: Tạ Nguyên

Nhìn một người đàn ông tầm ngoài 50 tuổi, gầy guộc, dáng đi không vững, lững thững từ trong bản gần đó đi ra phòng cấp thuốc Methadone, vừa đi vừa lẩm bẩm chuyện trò với những người gần đó, mới thấy ma túy và HIV đã tàn phá cuộc sống của người dân ở đây như thế nào.

Uống tại chỗ liều thuốc Methadone xong, bệnh nhân lại lững thững đi về. Bệnh nhân này cho biết, việc ra trạm nhận thuốc Methadone đã trở thành một phần công việc trong ngày. “Tôi chưa cai nghiện thành công nhưng đã giảm hẳn số lần hút từ khi được điều trị bằng Methadone”, ông nói.

“Được cán bộ y tế vận động đến trạm y tế uống thuốc Methadone miễn phí thì đến nhưng không phải lúc nào tôi cũng đến đều được, khi nào bận hoặc đi làm ăn xa thì lại phải dừng”, bệnh nhân cho biết.

Tại phòng khám nhỏ cấp thuốc ARV, khoảng hơn chục bệnh nhân nhiễm HIV ngồi chờ nhận thuốc. Trong số đó, phụ nữ khá đông, họ hầu hết đều còn khỏe, những gương mặt khắc khổ, vêu vao ngóng vào bàn phát thuốc, chỉ muốn uống nhanh để ra về. Trong số các bệnh nhân nhiễm HIV ở đây, một phần là do vô tình bị lây nhiễm nhưng đa số là do nghiện hút, chích mà bị lây bệnh.

Chỉ khoảng hơn một tiếng sau, người bệnh về hết, trạm lại vắng, lúc này mới đến giờ hoạt động khám, chữa bệnh thông thường. Bao lâu nay nhân viên y tế của trạm y tế xã Mùn Chung đã quá quen với cảnh những người bệnh nhiễm HIV và những người nghiện sinh sống trên địa bàn xã vẫn xếp hàng đến uống thuốc từ sớm tinh mơ để kịp về đi làm. Tuy nhiên số đang điều trị này mới chỉ là một phần, vẫn còn nhiều bệnh nhân, nhiều người nghiện chưa tham gia hoặc bỏ điều trị là điều đáng lo ngại.

Cán bộ phụ trách trạm y tế xã Mùn Chung (huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên) Sùng A Ly cho biết: “Xã Mùn Chung có khoảng 81 bệnh nhân nhiễm HIV, trong đó đã có 38 người tử vong, còn lại trạm y tế xã đang quản lý khoảng 44 trường hợp còn sống. Các ca bệnh chủ yếu tập trung ở bản Chiềng Ban và bản Huổi Loóng, nhất là bản Huổi Loóng tỷ lệ nhiễm HIV khá cao khoảng hơn 10 người trong số hơn hơn 150 hộ. Hầu hết các bản có số mắc cao đều là các điểm “nóng” về nghiện hút, chích ma túy. Hiện tại trạm cũng đang quản lý khoảng 67 người nghiện. Với những trường hợp đã phát hiện bệnh đều được tư vấn và điều trị thuốc luôn. Việc cấp phát thuốc miễn phí được thực hiện tại trạm, người dân chỉ hàng ngày đến để lấy thuốc”.

Cũng theo phụ trách trạm Sùng A Ly, tuy số người nhiễm HIV tại khu vực này khá cao nhưng việc điều trị không thực hiện được hết, hiện có 3 trường hợp đã bỏ điều trị. Còn trong số 67 người nghiện mới chỉ có 22 người đến trạm uống Methadone thường xuyên, vì phần lớn đi làm ăn ở nơi khác nên rất khó quản lý. Quan trọng hơn cả là nhiều người không biết mình mắc bệnh, sự hiểu biết của người dân còn hạn chế nên nguy cơ lây truyền bệnh rất cao.

Với đặc điểm là xã vùng sâu, vùng xa, không chỉ Mùn Chung mà nhiều xã điểm “nóng” HIV của tỉnh Điện Biên, nhận thức của người dân chưa cao, việc quản lý ca bệnh, điều trị bằng ARV và cai nghiện bằng Methadone vẫn còn những thách thức, cản trở.

Theo số liệu của Sở Y tế Điện Biên tính đến tháng 9/2018, toàn tỉnh có hơn 7.320 người nhiễm HIV, trong đó số mắc mới được phát hiện 160 ca. Trong số đó vẫn còn gần 30% số người nhiễm HIV chưa được điều trị ARV liên tục. Việc điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone cũng mới đạt hơn 75%, chủ yếu tại các huyện cao điểm như: Điện Biên, Tuần Giáo, Mường Ảng, Phường Noong Bua - Thành phố Điện Biên Phủ, Mường Chà...

Tích cực vận động điều trị

Theo đánh giá của Cục Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), hiện nay dịch HIV/AIDS đang gia tăng tại các huyện miền núi, vùng cao, vùng xa; đặc biệt nơi nào có đông đồng bào dân tộc thiểu số nghiện ma túy thì nơi đó số người nhiễm HIV càng nhiều. Trong đó Điện Biên là một trong những tỉnh có số người nhiễm HIV cao nhất cả nước; dịch HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp trong cộng đồng.

Ông Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) cho biết: Kho khăn chung tại các khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa là địa bàn rộng, phân bố dân cư rải rác cũng làm hạn chế việc tiếp cận các dịch vụ chăm sóc, dự phòng và điều trị HIV/AIDS của người bệnh. Đặc biệt là do nhận thức của người dân về phòng chống HIV/AIDS còn thấp đã dẫn đến tỉ lệ nhiễm HIV còn cao. Bên cạnh đó, sự thiếu hụt về nhân lực, kinh phí, bất đồng ngôn ngữ, văn hóa... cũng cản trở việc mở rộng các chương trình can thiệp giảm tác hại, chăm sóc, hỗ trợ điều trị người nhiễm HIV. Do vậy việc phối hợp các biện pháp tại địa phương để vận động người dân tham gia điều trị thuốc ARV và cai nghiện bằng Methadone là vô cùng quan trọng.

“Để vận động người nhiễm HIV và người nghiện đến điều trị, uống thuốc tại trạm chúng tôi phải tích cực áp dụng rất nhiều biện pháp để thuyết phục họ. Chủ yếu phải đến từng nhà vận động người dân, khi họ nhất trí thì đăng ký cho họ uống thuốc ARV, Methadone tại trạm. Việc vận động cũng phải phối hợp chính quyền của bản, nhân viên y tế thôn bản mới có hiệu quả. Với những người đi làm ăn xa, chúng tôi cũng phải tư vấn cho họ khi đến nơi khác thì tham gia uống thuốc điều trị ở các điểm gần nhất, không nên bỏ điều trị, tư vấn để họ biết cách tiếp cận với thuốc” ông Sùng A Ly cho biết.

Theo các chuyên gia để người nghiện, người nhiễm HIV tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa nâng cao nhận thức để tham gia điều trị cần tăng cường các buổi tuyên truyền, phổ biến kiến thức phòng, chống HIV/AIDS; có thể nâng cao kiến thức của người dân về HIV/AIDS và giảm kỳ thị, phân biệt đối xử qua các cuộc biểu diễn văn nghệ, chiếu phim cộng đồng… đặc biệt cần có những mô hình hoạt động tại các xã, bản để tuyên truyền, vận động thường xuyên những người nhiễm HIV, người nghiện tham gia điều trị ARV, Methadone hiệu quả.

Dự kiến trong năm 2019, Điện Biên là một trong 3 tỉnh thí điểm triển khai điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Buprenorphine. Đây là chất đồng vận bán phần với các chất dạng thuốc phiện, có tác dụng và hiệu quả điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện tương tự như Methadone nhưng an toàn hơn. Theo đó, phương pháp này có hiệu quả đáng ghi nhận trong việc giảm lây nhiễm HIV trong nhóm nghiện chích ma túy, giảm nguy cơ quá liều do sử dụng ma túy trong nhóm bệnh nhân tham gia điều trị.

Bài và ảnh: Tạ Nguyên/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/xa-hoi/tiep-thuoc-o-diem-nong-hiv-o-dien-bien-20181208100648828.htm