Tiếp thu ý kiến trong thực hiện Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công đoàn

Tiếp tục Phiên họp toàn thể lần thứ 18, sáng 29-9, tại Hà Nội, Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội đã thảo luận, xin ý kiến các đại biểu Quốc hội về Dự án Luật sửa, đổi bổ sung một số điều của Luật Công đoàn.

Trình bày Tờ trình Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công đoàn, Phó chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cho biết, Luật Công đoàn số 12/2012,QH13 được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 20-6-2012 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2013. Sau hơn 7 năm triển khai thực hiện, đã xuất hiện các yêu cầu đòi hỏi Luật Công đoàn cần phải được tiếp tục hoàn thiện, khắc phục. Trong đó, mục đích của việc sửa đổi Luật lần này nhằm giải quyết các vướng mắc, bất cập từ thực tiễn 7 năm thi hành Luật; tiếp cận và xử lý kịp thời các vấn đề mới phát sinh mà Luật chưa điều chỉnh. Thể chế hóa Hiến pháp năm 2013 và các chủ trương, nghị quyết của Đảng về tổ chức công đoàn, tạo cơ sở cho sự đổi mới và nâng cao vị thế, hiệu quả hoạt động của tổ chức công đoàn trong bối cảnh có nhiều tổ chức đại diện cho người lao động tại cơ sở. Mục đích của Dự án luật cũng nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý chung về tổ chức và hoạt động cho tổ chức công đoàn trước đòi hỏi của hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam trong tình hình mới; bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật Việt Nam.

 Quang cảnh buổi làm việc.

Quang cảnh buổi làm việc.

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công đoàn gồm 3 điều: Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công đoàn; bổ sung, thay thế một số từ, cụm từ tại một số điều, khoản của Luật Công đoàn; hiệu lực thi hành. Ngoài ra, phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của Luật cũng đang được sửa đổi. Trong đó, đối với Luật hiện hành quy định, chỉ những người lao động là người Việt Nam “làm việc trong cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp” mới có quyền thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn (Khoản 1, Điều 5, Luật Công đoàn 2012). Đối với Dự thảo Luật sửa đổi: “Người lao động là người Việt Nam có quyền thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn” (Khoản 3, Điều 1, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung). Như vậy, dự thảo đã mở rộng phạm vi điều chỉnh đối với cả người làm việc không có quan hệ lao động như đề xuất của Chính phủ và Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, phù hợp với Điều 1, Điều 2, Bộ luật Lao động năm 2019. Về nội dung cơ bản, dự thảo đã sửa đổi, bổ sung nội dung tại 15 điều; sửa kỹ thuật tại 5 điều trong tổng số 33 điều của Luật Công đoàn.

Tại buổi làm việc, các đại biểu đều cơ bản đồng ý với dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công đoàn của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Các đại biểu cũng đưa ra ý kiến, góc nhìn, góp ý cho dự thảo để Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ghi nhận và xem xét ở một số vấn đề như: Hoàn thiện cơ chế tài chính công đoàn trong bối cảnh mới; Quyền gia nhập công đoàn của người lao động nước ngoài (có nhiều ý kiến đề nghị cân nhắc, thận trọng trong vấn đề mới này để bảo đảm phù hợp với đặc thù công đoàn là tổ chức chính trị-xã hội); quyền và trách nhiệm của công đoàn cấp trên đối với người lao động ở cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp chưa có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở,…

Kết luận buổi làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết các thành viên Ủy ban đều cơ bản nhất trí và đồng tình với dự thảo văn bản. Chủ nhiệm Nguyễn Thúy Anh đề nghị các đại biểu Quốc hội tiếp tục cho ý kiến góp ý đối với dự thảo. Trong các vấn đề được các đại biểu nêu, một số vấn đề đã được Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang giải trình đầy đủ. Tuy nhiên, trong thời gian tới, Ban soạn thảo dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công đoàn cần cung cấp thêm thông tin, tài liệu để giải thích, làm rõ các vấn đề còn vướng mắc. Đồng thời, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cần phải tiếp thu các ý kiến, thận trọng, có cơ chế kiểm tra giám sát, bảo đảm sự công khai minh bạch, trong quá trình thực hiện.

Tin, ảnh: LÊ HIẾU

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/tin-tuc/tiep-thu-y-kien-trong-thuc-hien-du-an-luat-sua-doi-bo-sung-mot-so-dieu-cua-luat-cong-doan-636403