Tiếp thị đặc sản miền Bắc tại thị trường phía Nam

Các doanh nghiệp, hợp tác xã khu vực phía Bắc mang nhiều sản phẩm đặc sản như gạo tám Điện Biên, gạo nếp tú lệ, thịt trâu gác bếp, táo mèo, lê rừng (mắc cọp)… vào TPHCM tiếp thị với mong muốn tìm đầu ra cho những sản phẩm này tại thị trường phía Nam.

Các đại biểu nếm thử các loại đặc sản của Sơn La được giới thiệu tại sự kiện. Ảnh: N.H

Các đại biểu nếm thử các loại đặc sản của Sơn La được giới thiệu tại sự kiện. Ảnh: N.H

Ngày 19/7, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức diễn đàn “Kết nối tiêu thụ các sản phẩm nông sản hợp tác xã phía Bắc và tỉnh Đồng Tháp tại TPHCM” với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã các tỉnh Sơn La, Hòa Bình, Hà Nội, Đồng Tháp…

Phát biểu tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam cho hay, thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao giá trị gia tăng, những năm qua, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cùng các bộ ngành đã tham mưu cho Chính phủ nhiều cơ chế chính sách để đẩy mạnh nâng cao năng lực sản xuất và tiêu thụ nông sản của Việt Nam. Nhờ đó tiêu thụ các mặt hàng nông sản đã có nhiều khởi sắc, nhiều loại nông sản đã được xuất khẩu đi các thị trường khó tính. Tuy nhiên, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn vẫn muốn đẩy mạnh thị trường trong nước. Qua đó nhằm tạo cơ chế lưu thông hàng hóa nông sản giữa hai miền.

Theo ông Nam, hiện năng lực sản xuất của ngành nông sản đã tăng lên nhưng yêu cầu của thị trường cũng không ngừng tăng cao. Điều này đặt ra vấn đề về chất lượng sản phẩm, vấn đề tổ chức lại sản xuất trong nông nghiệp, xây dựng vùng nguyên liệu để đảm bảo cung cấp thường xuyên. Thông qua sự kiện lần này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mong muốn tạo động lực cho các hợp tác xã tái cơ cấu sản phẩm của mình để đảm bảo chất lượng và sản lượng thường xuyên.

“Các hợp tác xã phải xây dựng kế hoạch sản xuất, tránh việc khi thị trường có nhu cầu lớn thì lại thiếu hàng. Đồng thời, các hợp tác xã cũng phải nhận thức về việc muốn vào siêu thị thì hàng hóa phải đạt chất lượng và duy trì nguồn cung ổn định, có bao bì, mẫu mã đẹp mắt và được truy xuất nguồn gốc” – ông Nam nhấn mạnh.

Tỉnh Hòa Bình giới thiệu nhiều sản phẩm đặc trưng như măng, hạt sacha inchi, các sản phẩm từ cà gai leo... Ảnh: N.H

Tại sự kiện, các hợp tác xã của Sơn La đã giới thiệu nhiều sản phẩm đặc sản địa phương như táo mèo sấy khô, mận sấy dẻo, nhãn, thịt trâu gác bếp, thịt lợn gác bếp… Theo đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sơn La, hiện tỉnh Sơn La có 18 sản phẩm nông sản, thực phẩm có thương hiệu. Trong đó có 3 sản phẩm được bảo hộ dưới hình thức chỉ dẫn địa lý là chè Shan tuyết Mộc Châu, quả xoài tròn Yên Châu, cà phê Sơn La; 13 sản phẩm được bảo hộ dưới hình thức nhãn hiệu chứng nhận là chè Olong Mộc Châu, Cam Phù Yên, na Mai Sơn, chè Phổng Lái, nếp Mường và Sốp Cộp; 2 sản phẩm được bảo hộ dưới hình thức nhãn hiệu tập thể là chè Tà Xùa Bắc Yên và mật ong Sơn La.

Ngoài ra, tỉnh Sơn La cũng đang xây dựng 10 thương hiệu cho các sản phẩm mận, chanh leo, rau an toàn, nhãn, gạo, rượu…

Hiện Sơn La có gần 63.000 ha trồng cây ăn trái với sản lượng trên 400 ngàn tấn. Trong đó có trên 3.500 ha đã được cấp mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu, phấn đấu đến năm 2020 đạt 100.000 ha với sản lượng 1,1 triệu tấn. Trái cây tươi của Sơn La hiện đã được xuất khẩu đi nhiều thị trường như Trung Quốc, Úc, Mỹ, Anh, Nhật Bản, Hàn Quốc…

Tỉnh Hòa Bình hiện cũng đang có trên 9.800 ha cây ăn quả có múi, trong đó có trên 630 ha được chứng nhận VietGAP, chứng nhận an toàn thực phẩm. Trong đó, sản phẩm cam Cao Phong đã được cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý, cam Lạc Thủy và bưởi đỏ Tân Lạc được cấp nhãn hiệu tập thể.

Nhiều loại gạo đặc sản được Công ty Bảo Minh giới thiệu tại sự kiện. Ảnh: N.H

Công ty chế biến nông sản Bảo Minh cũng giới thiệu nhiều loại gạo đặc sản phía Bắc như nếp tú lệ, gạo tám Điện Biên và nhiều loại hạt như mắc ca, óc chó, hạnh nhân… Bà Bùi Thị Hạnh Hiếu, Chủ tịch HĐQT Công ty Bảo Minh cho hay, ngoài việc tiêu thụ rất tốt ở thị trường trong nước, công ty đã xuất khẩu thành công sản phẩm gạo hữu cơ sang châu Âu.

Cũng tham gia tiếp thị sản phẩm tại diễn đàn, các hợp tác xã đến từ Đồng Tháp giới thiệu nhiều mặt hàng đặc sản địa phương như trái cây tươi (xoài, thanh long, cam…), các sản phẩm nông sản chế biến như mãng cầu xiêm sấy, tinh dầu…

Tham dự diễn đàn, nhiều doanh nghiệp, nhà phân phối cũng rất quan tâm tới những mặt hàng được các hợp tác xã giới thiệu. Tuy nhiên, các doanh nghiệp lo ngại về khả năng duy trì sản lượng dài hạn và kiểm soát chất lượng sản phẩm, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật của các hợp tác xã. Đại diện hệ thống Saigon Coop cũng khuyến cáo các hợp tác xã cần tăng cường công nghệ bảo quản sau thu hoạch. Cụ thể, bao bì đẹp mắt sẽ giúp thu hút người mua nhiều hơn. Ngoài ra, với các sản phẩm tươi, vòng đời rất ngắn và thời gian tiêu thụ không dài. Nhưng khi đã được chế biến, sản phẩm có thể bán được trong thời gian lâu hơn và tiếp cận được nhiều khách hàng hơn.

Nguyễn Hiền

Nguồn Hải Quan: https://baohaiquan.vn/tiep-thi-dac-san-mien-bac-tai-thi-truong-phia-nam-108392.html