Tiếp thêm nghị lực cho những số phận kém may mắn

Nỗ lực tiếp thêm nghị lực sống, mở ra những cơ hội mới cho người khuyết tật vươn lên, chứng minh giá trị bản thân, hòa nhập cộng đồng, Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi (NKT&TMC) tỉnh Quảng Ninh đã và đang tiếp tục có nhiều cách làm cụ thể, thiết thực để đồng hành, hỗ trợ những số phận kém may mắn.

Mở cánh cửa tương lai

Anh Trần Mạnh Hà (NKT TX Đông Triều) nhận đơn hàng photo cho khách.

Anh Trần Mạnh Hà (NKT TX Đông Triều) nhận đơn hàng photo cho khách.

40 tuổi, có trong tay một cửa hiệu chụp ảnh đang trên đà phát triển, gia đình hạnh phúc với vợ trẻ và 2 cô con gái đang độ tuổi tiểu học, cuộc sống của anh Trần Mạnh Hà, người đàn ông ngồi xe lăn, tại phường Đức Chính, TX Đông Triều, đã được coi là ổn định. Nếu chỉ nhìn vào những thứ trước mắt, ít ai biết rằng, anh Hà đã phải có những năm tháng khốn khó, sống không bằng chết.

27 năm trước, sau một cơn bạo bệnh và biến chứng chạy sâu khiến bị liệt hoàn toàn hai chân, chàng trai Trần Mạnh Hà đã rơi xuống hố sâu tuyệt vọng. Trải qua nhiều lần phẫu thuật đau đớn và những ngày dài chán chường, biết mình không thể đi lại được nhưng không thể mãi đầu hàng số phận, anh Hà đã quyết tâm làm lại cuộc đời dẫu muôn vàn khó khăn.

Sau những ngày nén nỗi đau, thậm chí tứa máu để tập ngồi, tập bò, khi đã tự điều khiển được xe lăn, anh quyết tâm xin đi học nghề. Học được nghề may đã khó, xin việc làm may với một người khuyết tật càng khó hơn.

Hạnh phúc của anh Hà gói trọn trong gia đình nhỏ có hai cô con gái xinh xắn, người vợ trẻ luôn thấu hiểu, sẻ chia và một công việc ổn định.

Không thể nuôi bản thân và gia đình bằng nghề may, được sự định hướng của cán bộ Hội Bảo trợ NKT&TMC, một lần nữa anh Hà quyết định không bỏ cuộc mà tự mình vẽ lại cuộc đời. Xin đi học nghề công nghệ thông tin, chỉnh sửa ảnh, anh tự biết, với trình độ mới học hết lớp 7 của mình không hề dễ dàng. Vậy nên, học ngày chưa đủ, đêm đến, khi những cơn đau dày vò lên đôi chân, không thể ngủ được, người đàn ông ấy lại tự ngồi vào máy tính mày mò, thực hành lại những gì được học bằng nghị lực gấp hai, gấp ba người thường. Dần dần, nỗ lực cũng được đền đáp. Khi đã thạo nghề, anh quyết tâm thuê một căn nhà nhỏ, vừa là nơi ở của hai vợ chồng và hai con nhỏ, vừa là cửa hiệu chụp ảnh, photo copy.

Qua giai đoạn vất vả, anh Hà lại quyết tâm làm để mở rộng cửa hàng, đầu tư máy móc, công nghệ và quan trọng nữa là phấn đấu có được ngôi nhà riêng của chính mình. “Đã có lúc tôi muốn tìm đến cái chết cho đỡ những cơn đau đớn, cho bố mẹ bớt gánh nặng, thế nhưng ông trời vẫn cho mình được sống. Cuộc sống này do mình giành lấy, mình không buông xuôi số phận thì ông trời cũng sẽ không phụ lòng mình. Bởi thế, tôi luôn cố gắng mỗi ngày. Dù chưa phải là nhiều nhưng những gì có được hôm nay, tôi thực sự trân trọng sự định hướng của Hội Bảo trợ NKT&TMC cũng như người thân, bạn bè dành cho mình để luôn cố gắng hơn” - anh Trần Mạnh Hà chia sẻ.

Hình ảnh thường thấy của anh Trần Mạnh Hà, làm việc trên chiếc xe lăn quen thuộc.

Nói về những người khuyết tật không chịu đầu hàng số phận, ông Lãnh Thế Vinh, Chủ tịch Hội Bảo trợ NKT&TMC tỉnh, cho biết: “Người bình thường làm đã khó, đối với những người khuyết tật, cơ thể còn nhiều khiếm khuyết mà vươn lên làm nhiều hơn cả người bình thường, đó quả là những điều phi thường. Vì vậy, chúng tôi luôn cố gắng để hỗ trợ cho người khuyết tật có cơ hội vươn lên, tiếp cận việc làm, khẳng định bản thân”.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh có hơn 21.000 người khuyết tật, chiếm khoảng 3% dân số toàn tỉnh, nằm rải rác tại tất cả các địa phương trong tỉnh. Tuy nhiên, đến hết năm 2019, số người khuyết tật có việc làm ổn định chỉ khoảng 1.000 người, không có việc làm là 16.406 người, chiếm 85,07%. Thấy được nhu cầu việc làm của nhiều người khuyết tật, để giúp họ thay đổi cuộc đời, vươn lên hòa nhập với cộng đồng, Hội Bảo trợ NKT&TMC các cấp trên địa bàn tỉnh đã tập trung tạo cơ hội nghề nghiệp cho người khuyết tật, trong đó đặc biệt quan tâm tới những người trẻ.

Em Phạm Thị Hoài Thương, TP Hạ Long, bị bệnh xương thủy tinh bẩm sinh, được đỡ đầu 4 năm học đại học

“Những người khuyết tật trẻ còn cả tương lai ở phía trước nên cơ hội việc làm sẽ giúp họ có thu nhập, vươn lên trong cuộc sống sau này, bớt tự ti và mặc cảm. Xác định được điều đó, thời gian qua và hiện nay, chúng tôi vẫn đang kêu gọi và chắp nối các doanh nghiệp, nhà bảo trợ; đồng thời phối hợp với các địa phương để hỗ trợ, định hướng nghề nghiệp, nhất là kêu gọi các đơn vị đỡ đầu hỗ trợ học phí, địa chỉ thực tập và sau đó tạo cơ hội nghề nghiệp, nhận các em sinh viên, học sinh là NKT&TMC vào làm việc sau khi các em ra trường” - Chủ tịch Hội Bảo trợ NKT&TMC tỉnh cho biết thêm.

Đồng hành tư vấn, hỗ trợ tiếp cận thông tin

Không chỉ tặng quà, chắp nối đỡ đầu, Hội cũng tập trung hỗ trợ NKT&TMC tiếp cận xã hội, tiếp cận thông tin và tư vấn hỗ trợ pháp luật cho họ.

Hỗ trợ nhà tình thương cho hộ gia đình chị Hoàng Thị Quyên (người khuyết tật nghèo) tại TX Quảng Yên.

Trên thực tế, người khuyết tật thường lúng túng trong việc nắm bắt thông tin, các cơ hội việc làm hoặc chính sách pháp luật, bởi tâm lý ngần ngại, thiếu tìm hiểu các cơ chế chính sách liên quan. Do đó, thời gian qua, Hội đã hình thành các nhóm, câu lạc bộ khuyết tật, các tổ chức thành viên của Hội Bảo trợ NKT&TMC để người khuyết tật cùng hỗ trợ lẫn nhau, đồng thời có các ban tư vấn để trợ giúp pháp lý, giúp người khuyết tật tiếp cận thông tin đa dạng, nhất là các thông tin chính sách liên quan tới bản thân.

"Hướng hỗ trợ không mới, nhưng chúng tôi xác định phải có cách làm mới, xuất phát từ tâm huyết của chính những người tham gia hỗ trợ, đặc biệt là cán bộ lao động xã hội cấp xã, phường, những người liên quan trực tiếp đến việc giải quyết các chính sách đối với các đối tượng yếu thế”, ông Lãnh Thế Vinh khẳng định.

Ông Lãnh Thế Vinh, Chủ tịch Hội Bảo trợ NKT&TMC tỉnh thăm hỏi, động viên 3 cháu nhỏ vừa cùng lúc chịu nỗi đau mất mẹ và bà ngoại.

Câu chuyện của ba cháu nhỏ mồ côi khi bị kẻ thủ ác sát hại cả mẹ và bà ngoại vào tháng 3 vừa qua, còn cha bỏ đi tại phường Yên Thọ, TX Đông Triều, thời gian qua đã làm không ít người thương cảm. Trước đó, năm 2017, gia đình ba cháu chuyển từ Mạo Khê về Yên Thọ, ở trong căn nhà chật chội, dột nát, không đảm bảo an toàn. Không những thế, trong ba anh em, cháu Lương Đức Tuân còn bị khuyết tật về phát triển trí tuệ. Tuy nhiên, trong danh sách hỗ trợ xây nhà ở cho hộ nghèo, cận nghèo, khuyết tật của phường Yên Thọ lúc đó lại không có gia đình cháu. Nắm được hoàn cảnh khó khăn ấy, Hội Bảo trợ NKT&TMC đã cùng vào cuộc với cán bộ phường Yên Thọ để tư vấn, giải quyết các thủ tục giúp đỡ gia đình.

Chị Nguyễn Thị Thủy, công chức văn hóa xã hội phường Yên Thọ, người trực tiếp tham gia tư vấn pháp luật cùng với cán bộ của Hội Bảo trợ NKT&TMC cho gia đình cháu Tuân, chia sẻ: Chúng tôi đặt mục tiêu phải sớm hoàn thành việc quản lý và xây dựng chương trình hỗ trợ các trường hợp yếu thế trên địa bàn, nhất là trường hợp khó khăn, NKT&TMC như cháu Tuân, vì nếu mình càng chậm thì họ càng vất vả. Với sự phối hợp của địa phương và Hội Bảo trợ NKT&TMC tỉnh trong kêu gọi doanh nghiệp và giải quyết thủ tục, đến năm 2020, gia đình cháu đã được xây nhà mới. Hiện nay, sau khi sự việc đau buồn xảy ra với mẹ và bà cháu, chúng tôi cũng đang cố gắng để cùng với Hội Bảo trợ NKT&TMC kêu gọi các doanh nghiệp, các mạnh thường quân ủng hộ kinh phí hỗ trợ các cháu; đồng thời tham gia tư vấn về việc quản lý kinh phí nuôi các cháu cho họ hàng, làm sao để các cháu bớt khó khăn”.

Ngôi nhà mới được bàn giao cho gia đình cháu Lương Đức Tuân cuối năm 2020.

Năm 2020, Hội đã tư vấn, trợ giúp trên 10 người khuyết tật toàn tỉnh nắm bắt các cơ hội được hỗ trợ về cơ chế, tiếp cận các chính sách liên quan. Để người khuyết tật tiếp tục tiếp cận thông tin, đảm bảo quyền và lợi ích của chính mình, Hội sẽ tiếp tục hỗ trợ những trang thiết bị thiết yếu bổ trợ cho những người yếu thế, theo cách chọn lọc phù hợp. Minh chứng là trong đợt này, Hội Bảo trợ NKT&TMC sẽ trao 100 radio có thẻ nhớ cho Hội Người mù huyện Đầm Hà, tổng trị giá 25 triệu đồng, giúp họ tiếp cận thông tin một cách chủ động.

Trong thời gian tới, Hội cũng sẽ thành lập thêm các CLB, các nhóm người khuyết tật, tăng cường trách nhiệm, tâm huyết của các Ban tư vấn để trợ giúp, tháo gỡ khó khăn một cách kịp thời, đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của NKT&TMC.

Hội cũng đã đề xuất và nhận được văn bản đồng ý về mặt chủ trương của tỉnh về việc xây dựng phần mềm theo dõi sự trợ giúp đối với NKT&TMC. Khi phần mềm được xây dựng, có sự kết nối cơ sở dữ liệu của tỉnh với quốc gia, đây sẽ là dữ liệu quan trọng để làm cơ sở tuyên truyền, vận động xã hội, các nhà hảo tâm hỗ trợ; đồng thời giám sát chặt chẽ, không bỏ sót các trường hợp kém may mắn, giúp họ thực sự có cơ hội vươn lên, hòa nhập với cộng đồng, khẳng định bản thân.

Khánh Đan

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/xa-hoi/202104/tiep-them-nghi-luc-cho-nhung-so-phan-kem-may-man-2529033/