Tiếp thêm động lực cho hộ nghèo

Thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, năm 2020, Quảng Ninh phấn đấu đưa tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 0,36%. Để đạt mục tiêu này, tỉnh đã và đang thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp hỗ trợ cho người dân đảm bảo nâng cao thu nhập, vươn lên thoát nghèo, từng bước vươn lên làm giàu.

Cán bộ Ngân hàng CSXH huyện Ba Chẽ giải ngân vốn vay cho người dân xã Nam Sơn. Ảnh chụp ngày 17/1/2020.

Cán bộ Ngân hàng CSXH huyện Ba Chẽ giải ngân vốn vay cho người dân xã Nam Sơn. Ảnh chụp ngày 17/1/2020.

Để tạo nguồn lực cho công tác giảm nghèo, thời gian qua, Ngân hàng CSXH tỉnh đã tích cực triển khai nhiều chương trình tín dụng chính sách cho hộ nghèo trong toàn tỉnh nhằm thúc đẩy sản xuất kinh doanh, giải quyết việc làm, cải thiện cuộc sống, như: Cho vay giải quyết việc làm, cho vay hộ cận nghèo, cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn.

Đặc biệt, nhằm tiếp tục hỗ trợ phát triển sản xuất giúp người dân ổn định cuộc sống, không tái nghèo, thoát nghèo bền vững, Ngân hàng CSXH tỉnh đã triển khai hiệu quả chính sách tín dụng ưu đãi đối với hộ mới thoát nghèo. Bời hiện phần lớn các chính sách đang tập trung hỗ trợ cho đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo.

Ngân hàng CSXH tỉnh đã chủ động tham mưu cho UBND tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo các địa phương rà soát ngay hộ mới thoát nghèo, tuyên truyền đến các đối tượng thụ hưởng, giải quyết kịp thời các vướng mắc liên quan. Hằng năm, căn cứ vào kết quả rà soát, Ngân hàng CSXH tỉnh đã chủ động phối hợp với địa phương xây dựng kế hoạch nhu cầu vốn, tập trung nguồn vốn ưu tiên các địa phương có tỷ lệ hộ mới thoát nghèo cao, điều chỉnh linh hoạt nguồn vốn giữa ba chương trình hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo đảm bảo đủ nguồn vốn.

Tính đến hết năm 2019, tổng dư nợ chương trình hộ mới thoát nghèo của Ngân hàng CSXH tỉnh là trên 580 tỷ đồng, chiếm 19,2% tổng dư nợ các chương trình, với 13.052 khách hàng đang còn dư nợ. Dự kiến, đến 31/12/2020, dư nợ chương trình ước đạt 620 tỷ đồng. Đây là chương trình có dư nợ lớn thứ 2 của Ngân hàng CSXH tỉnh.

Nguồn vốn này đã góp phần giúp cho gần 13.000 hộ thoát nghèo tiếp tục phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống.

Vốn vay chương trình tín dụng chính sách cho hộ mới thoát nghèo đã giúp gia đình chị Phạm Thị Tươi, thôn Tân Hải, xã Dương Huy, TP Cẩm Phả, từng bước vươn lên làm giàu. Ảnh chụp ngày 11/3/2020.

Tiếp thêm động lực cho hộ nghèo, thời gian qua, từ tỉnh đến các địa phương đã dành nhiều nguồn lực giúp người dân "an cư, lạc nghiệp", hoàn thành tiêu chí trong chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Một trong những hoạt động thiết thực đã và đang được tích cực triển khai đó là xây nhà đại đoàn kết.

Nhiều ngôi nhà đại đoàn kết được xây dựng bằng kinh phí hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân giúp hộ nghèo ổn định cuộc sống, đồng thời, tiếp thêm niềm tin, sức mạnh và quyết tâm để người nghèo vươn lên, để niềm vui như "ngọn lửa hồng cháy mãi" trong những ngôi nhà ấm áp, thắm đượm tình đoàn kết, nhân ái.

Riêng năm 2019, toàn tỉnh đã có 492 ngôi nhà đại đoàn kết được xây dựng từ nguồn quỹ “Vì người nghèo” với tổng kinh phí 12 tỷ đồng.

Cùng với đó, các tổ chức thành viên, Ủy ban MTTQ các địa phương có nhiều cách làm sáng tạo trong việc vận động thêm nguồn ủng hộ từ các tập thể, cá nhân hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà cho người nghèo.

Các cấp ủy, chính quyền, địa phương và tổ chức chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở bằng nhiều hình thức đa dạng, linh hoạt, sáng tạo đã vận động kinh phí ủng hộ quỹ "Vì người nghèo". Bên cạnh sử dụng vào việc thăm hỏi các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, trao học bổng, xây dựng điểm trường, phần nhiều quỹ đã được dành để hỗ trợ xây dựng, sửa chữa "nhà đại đoàn kết”.

Các đại biểu HĐND tỉnh khóa XIII biểu quyết thông qua Nghị quyết 245/2020/NQ-HĐND tại kỳ họp thứ 16 HĐND tỉnh, ngày 31/3/2020. Ảnh: Thu Chung

Đáng chú ý, mới đây, HĐND tỉnh đã thông qua Nghị quyết số 245/2020/NQ-HĐND ngày 31/3/2020 về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 và đảm bảo an sinh xã hội, ổn định tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.

Trong đó, tỉnh sẽ hỗ trợ 1 triệu đồng/người/tháng, thời gian hỗ trợ tính theo thời gian thực tế mà người lao động bị mất việc nhưng tối đa không quá 3 tháng, kể từ tháng 4/2020 cho người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn bị mất việc làm do ảnh hưởng của dịch. Đồng thời, hỗ trợ 1 triệu đồng/tháng đối với hộ nghèo, cận nghèo và viên chức, người lao động trong các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc tỉnh được giao tự chủ 100% về tài chính nghỉ việc do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Chính sách hỗ trợ này được thảo luận, thông qua, có hiệu lực ngay sau khi được ban hành đã mang lại ý nghĩa rất quan trọng đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, nhất là trong thời điểm toàn tỉnh cùng cả nước đang tập trung bước vào đợt cao điểm phòng, chống dịch Covid-19.

Qua đó, không chỉ ổn định cuộc sống, đảm bảo an sinh xã hội, chăm lo cuộc sống người dân, mà còn tiếp tục củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.

Cao Quỳnh

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/xa-hoi/202004/tiep-them-dong-luc-cho-ho-ngheo-2477935/