'Tiếp tay' cho khoáng tặc vì 'đói' nguyên liệu?

Để khỏa lấp tình trạng 'đói' nguyên liệu đầu vào sản xuất, các đầu nập đã vô tư khai thác khoáng sản chưa được cấp phép để tuồn vào các nhà máy xi măng làm phụ gia.

Tình trạng này đang diễn ra ở các nhà máy xi măng trên địa bàn Nghệ An khiến nguồn tài nguyên thiên nhiên bị đào bới, vận chuyển ồ ạt trong suốt thời gian qua nhưng công tác quản lý, kiểm soát vẫn chưa được siết chặt.

Nhiều phương tiện vận tải chở đất được cho là phụ gia vào Nhà máy xi măng Sông Lam đóng tại xã Bài Sơn, huyện Đô Lương, Nghệ An.

Nhiều phương tiện vận tải chở đất được cho là phụ gia vào Nhà máy xi măng Sông Lam đóng tại xã Bài Sơn, huyện Đô Lương, Nghệ An.

Khai sinh nhà máy nhưng không cấp mỏ nguyên liệu

Trong những năm gần đây, Nghệ An đã thu hút nhiều dự án đầu tư các nhà máy sản xuất xi măng với công suất hàng triệu tấn/năm để cung cấp một nguồn nguyên liệu lớn phục vụ cho ngành xây dựng.

Những nhà máy sản xuất xi măng có thể kể đến như: Nhà máy xi măng Sông Lam hoạt động từ năm 2016 với công suất 4,5 triệu tấn/năm (xã Bài Sơn, huyện Đô Lương); Nhà máy Xi măng Sông Lam 2 (huyện Anh Sơn, công suất 600 nghìn tấn xi măng/năm) thuộc Tập đoàn xi măng The Vissai; Nhà máy xi măng Hoàng Mai với công suất khoảng 2 triệu tấn sản phẩm/năm.

Tiếp đến, giai đoạn 2 của dự án Nhà máy xi măng Sông Lam đã được UBND tỉnh Nghệ An chấp thuận chủ trương đầu tư tại Quyết định số 922/2016 với 2 dây chuyền sản xuất clinker công suất 12.000 tấn/ngày, 2 dây chuyền nghiền xi măng đồng bộ và đóng bao công suất 3,8 triệu tấn xi măng/năm tại Trạm nghiền Nghi Thiết, huyện Nghi Lộc.

Chưa kể, nhà máy xi măng Tân Thắng dự kiến bắt đầu đi vào vận hành thử nghiệm trong quý I/ năm 2020, công suất là gần 2 triệu tấn/năm. Bên cạnh đó, Nghệ An cũng đã thống nhất việc lựa chọn địa điểm xây dựng nhà máy Xi măng Hoàng Mai 2 công suất 3 triệu tấn/năm tại Khu công nghiệp Hoàng Mai 2.

Trong quy hoạch chung cho ngành xi măng, Nghệ An dự kiến sau năm 2020, địa phương sẽ tổng quy mô công suất các nhà máy xi măng đóng tại Nghệ An sẽ lên tới khoảng 13-15 triệu tấn/năm.

Đáng quan tâm là ngoài vùng nguyên liệu chính để cấp phép cùng với dự án xây dựng nhà máy xi măng trên địa bàn, Nghệ An vẫn chưa cấp mỏ nguyên liệu phụ gia như đất sét, đá sét, cát silic (có hàm lượng sắt, mangan)… làm nguyên liệu phụ gia sản xuất xi măng.

Chính vì vậy, câu chuyện Nghệ An khai sinh các dự án xây dựng nhà máy xi măng nói trên nhưng các mỏ nguyên liệu phụ gia không được cấp phép khai thác đang gây ra nhiều hệ lụy về công tác quản lý nguồn tài nguyên thiên nhiên trên địa bàn.

“Tiếp tay” cho khoáng tặc?

Để có nguyên liệu làm phụ gia sản xuất xi măng, các nhà máy đã không biết phải xoay xở thế nào khi nguồn cung hợp pháp khó có thể kiểm soát để nhập vào.

Vậy nên, nhiều đầu nậu đã tranh thủ khai thác đất sét, đá sắt… trái phép xảy ra tràn lan trên địa bàn Nghệ An trong thời gian qua để vận chuyển tập kết vào các nhà máy xi măng.

Nhiều phương tiện, máy móc cơ giới được huy động vào đào bới, khai thác đất trái phép làm “đại náo” cả vùng đồi thuộc Liên Sơn, xã Bài Sơn, huyện Đô Lương vào những ngày cuối tháng 12/2019

Điển hình, những ngày cuối tháng 12/2019, khi tiến hành “mục sở thị”, phóng viên phát hiện tại khu vực đồi đất trồng cây của người dân thuộc xóm Liên Sơn, xã Bài Sơn, huyện Đô Lương có một nhóm người đã ngang nhiên đưa máy múc cùng hàng chục chiếc xe tải vào khai thác đất trái phép rồi nườm nượp chở vào khu tập kết nguyên liệu của Nhà máy xi măng Sông Lam.

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết là nguồn đất sét này đều chứa hàm lượng quặng sắt đủ tiêu chuẩn để làm phụ gia sản xuất xi măng. Tại thời điểm đó, khi liên hệ với cơ quan chức năng và chính quyền địa phương, họ đều không kiểm soát được vụ việc khai thác đất trái phép tại xóm Liên Sơn, xã Bài Sơn nên nhóm người nói trên đã vô tư đưa máy móc, phương tiện vào “đại náo” cả vùng đồi rộng lớn.

Trước đó, vào đầu tháng 7/2019, tại khu vực Rú Đọt, thuộc xóm 3, xã Thành Sơn, huyện Anh Sơn, Phòng Cảnh sát Môi trường thuộc Công an tỉnh Nghệ An cũng đã bắt quả tang 01 vụ việc khai thác đất làm phụ gia xi măng trái phép.

Tình trạng đào bới đất trái phép nham nhở cạnh khu dân cư, chưa được hoàn thổ đã gây nhiều cái “bẫy” nguy hiểm cho người dân tại xóm Gia Đề, xã Nghĩa Dũng, huyện Tân Kỳ cũng đang tồn tại hiện nay khiến dư luận bức xúc.

Đây là những vụ mà phóng viên đã ghi nhận được trên địa bàn những huyện đã có các nhà máy xi măng đang hoạt động. Và, theo tìm hiểu thì những vùng bị khai thác đất trái phép nói trên đều chứa hàm lượng quặng sắt, mangan… đủ tiêu chuẩn làm phụ gia sản xuất xi măng.

Cũng theo tìm hiểu của chúng tôi thì hiện nay, tỉnh Nghệ An đã có quy hoạch một số điểm mỏ phụ gia cho ngành sản xuất xi măng trên địa bàn. Tuy nhiên, việc cấp phép khai thác vẫn chưa thể hoàn thiện theo quy định của pháp luật khiến tình trạng khoáng tặc vẫn còn diễn ra.

Điều này cũng đồng nghĩa với việc, nhiều nhà máy xi măng vẫn đang “đói” phụ gia làm nguyên liệu phục vụ sản xuất khiến tình trạng khai thác tài nguyên thiên nhiên một cách bừa bãi vẫn còn diễn ra.

Và, để chấn chỉnh tình trạng này, trong quá trình thanh kiểm tra, các cơ quan chức năng đã chỉ ra nhiều sai phạm tại các nhà máy xi măng trên địa bàn Nghệ An trong thời gian qua.

Diễn đàn Doanh nghiệp sẽ tiếp tục thông tin.

Ngọc Thái

Nguồn DĐDN: https://enternews.vn/tiep-tay-cho-khoang-tac-vi-doi-nguyen-lieu-168089.html