'Tiếp sức' thanh tra nhân dân

Hoạt động thanh tra nhân dân và giám sát đầu tư của cộng đồng trên địa bàn Thủ đô thời gian qua đã góp phần phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong việc tham gia quản lý nhà nước, quản lý xã hội. Tuy nhiên, để hoạt động này đạt hiệu quả cao hơn, rất cần sự 'tiếp sức' của các cơ quan chức năng và người dân.

Ban Công tác mặt trận tổ dân phố số 5 phường Yết Kiêu (quận Hà Đông) giám sát công tác vệ sinh môi trường. Ảnh: Thái HIền

Còn nhiều khó khăn

TP Hà Nội hiện có 5.265 ban thanh tra nhân dân với hơn 6.000 thành viên, trong đó có 53 ban thanh tra nhân dân kiêm ban giám sát đầu tư của cộng đồng. Tám tháng năm 2018, các ban thanh tra nhân dân đã tổ chức hơn 4.000 cuộc giám sát, phát hiện và kiến nghị với chính quyền các cấp, cơ quan có thẩm quyền 973 vụ việc, trong đó có 908 vụ việc được xem xét, giải quyết, thu hồi 80.571m2 đất và 210 triệu đồng. Các ban giám sát đầu tư của cộng đồng giám sát 2.418 công trình, dự án và đã phát hiện 182 công trình, dự án có dấu hiệu vi phạm, trong đó có 167 công trình, dự án được khắc phục, xử lý.

Tuy nhiên, hoạt động của các ban thanh tra nhân dân, giám sát đầu tư của cộng đồng đã bộc lộ nhiều hạn chế. Trưởng ban Thanh tra nhân dân xã Chuyên Mỹ (huyện Phú Xuyên) Trần Hữu Thắng thẳng thắn nêu: Hầu hết thành viên ban thanh tra nhân dân không có kiến thức chuyên môn về lĩnh vực giám sát, khi thực hiện nhiệm vụ chủ yếu dựa vào kinh nghiệm và nhận thức chủ quan nên còn lúng túng, hiệu quả thấp. Trưởng ban Giám sát đầu tư của cộng đồng phường Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy) Nguyễn Văn Thắng chia sẻ: Những kiến nghị của ban giám sát đầu tư của cộng đồng không mang tính pháp lý, do đó chậm được giải quyết. Cá biệt, có những kiến nghị không được giải quyết, gây bức xúc trong nhân dân và làm các thành viên nản lòng.

Chưa kể, hoạt động của ban thanh tra nhân dân, ban giám sát đầu tư của cộng đồng liên quan đến các lĩnh vực: Đầu tư xây dựng, quản lý kinh tế, tài chính, đất đai; việc thực hiện chế độ chính sách, thực hiện dân chủ ở cơ sở..., song sự phối hợp của các cơ quan chức năng và các bên liên quan có lúc không chặt chẽ. Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Đặng Xá (huyện Gia Lâm) Nguyễn Văn Thuận cho biết thêm: Việc cung cấp thông tin phục vụ giám sát có thời điểm chưa kịp thời; việc xây dựng kế hoạch thanh tra, giám sát hằng năm chưa sát với tình hình thực tế địa phương; chế độ thông tin, báo cáo chưa tốt… Những hạn chế này khiến hoạt động của các ban thanh tra nhân dân, ban giám sát đầu tư của cộng đồng chưa như mong muốn.

Nhiều kiến nghị, đề xuất

Xã Xuân Canh (huyện Đông Anh) là địa phương có nhiều dự án được triển khai hiệu quả nhờ sự đóng góp tích cực của ban thanh tra nhân dân, ban giám sát đầu tư của cộng đồng. Tuy nhiên, để hoạt động thanh tra, giám sát của MTTQ Việt Nam đáp ứng được yêu cầu và niềm tin của nhân dân, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Xuân Canh Nguyễn Thị Lịch kiến nghị: “MTTQ các cấp cần tổ chức nhiều hơn các lớp tập huấn nghiệp vụ cho lực lượng làm công tác thanh tra, giám sát đầu tư của cộng đồng. Cấp ủy tăng cường công tác lãnh đạo; chính quyền phối hợp chặt chẽ và tạo điều kiện để ban thanh tra nhân dân hoạt động hiệu quả”.

Từ thực tiễn ở địa phương, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Đặng Xá (huyện Gia Lâm) Nguyễn Văn Thuận dẫn chứng: Xã có nhiều công trình, trong đó có những công trình kéo dài 6 đến 7 tháng, thành viên ban giám sát đầu tư của cộng đồng phải thay nhau giám sát ngày, đêm, trong khi kinh phí hoạt động được cấp mỗi năm là 5 triệu đồng, chưa tương xứng với công sức các thành viên bỏ ra. Ông Trần Thanh Bình, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam phường Tứ Liên (quận Tây Hồ) đề xuất: Nên hợp nhất ban thanh tra nhân dân và ban giám sát đầu tư của cộng đồng bởi tìm được thành viên tham gia hoạt động này ở địa phương rất khó khăn.

Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội Bùi Anh Tuấn cho rằng, những khó khăn, bất cập mà những người làm công tác mặt trận ở cơ sở nêu trên là rất xác đáng. Để hoạt động này được thực hiện đúng phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, MTTQ Việt Nam các cấp sẽ kiến nghị với các cơ quan chức năng sửa đổi một số nội dung cho phù hợp. Trước mắt, để nâng cao hiệu quả hoạt động thanh tra nhân dân, chính quyền các cấp cần quan tâm thực hiện đúng các quy định về vai trò, chức năng của các ban và hỗ trợ kinh phí hoạt động. MTTQ tiếp tục hướng dẫn cơ sở lựa chọn những người tiêu biểu, xứng đáng, có uy tín, trình độ, hiểu biết về các lĩnh vực, có bản lĩnh, không ngại va chạm tham gia công tác này. Cùng với đó, các địa phương cần tiếp tục tuyên truyền nhằm phát huy vai trò của nhân dân tham gia quản lý xã hội, phòng, chống tham nhũng, lãng phí.

Hiền Phương

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Xa-hoi/913307/tiep-suc-thanh-tra-nhan-dan