Tiếp sức nông dân xứ Lạng sản xuất theo chuỗi giá trị

Theo ông Hoàng Văn Ngôn, Hội Nông dân tỉnh Lạng Sơn đặc biệt chú trọng đến công tác nâng cao trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ các cấp cơ sở Hội. Từ đó, hỗ trợ nông dân đẩy mạnh phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, nâng cao thu nhập cho bà con.

Phát triển các mô hình HTX

Trao đổi với phóng viên, ông Phạm Huy Hưng – phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Nông dân, nông thôn - Trung ương Hội NDVN cho biết, với mục đích trang bị kiến thức về chuỗi giá trị nông sản cho đội ngũ cán bộ, chủ các hợp tác xã (HTX) thực hiện tốt nhiệm vụ đồng hành cùng nông dân sản xuất, kinh doanh, năm 2018, trung tâm đã và sẽ tổ chức 6 lớp tập huấn cho khoảng 300 học viên là các tác nhân tham gia chuỗi.

Theo ông Hưng, sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị là hướng đi bền vững giúp nâng cao hiệu quả sản xuất và thu nhập cho nông dân. Hình thức này đảm bảo cho các tác nhân tham gia trong chuỗi giá trị chia sẻ quyền lợi, trách nhiệm với nhau, điều tiết cung cầu thị trường và truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Chính vì vậy, cán bộ Hội cần nhận thức đầy đủ để hướng dẫn, khuyến cáo nông dân đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị.

Lớp tập huấn về chuỗi giá trị diễn ra từ ngày 30-31.7 với sự tham gia giảng dạy của các chuyên gia tư vấn Nông nghiệp và hơn 50 thành viên là các chủ HTX, cán bộ Hội.

Dự kiến, năm 2018, Trung tâm Hỗ trợ Nông dân, nông thôn sẽ tổ chức 6 lớp tập huấn cho khoảng 300 học viên là các tác nhân tham gia chuỗi giá trị.

Ông Hưng cho biết thêm, Trung tâm Hỗ trợ Nông dân, nông thôn chú trọng vào việc xây dựng các tổ, nhóm liên kết sản xuất – tiêu thụ khép kín, tạo ra sản phẩm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường và đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.

Để thực hiện hiệu quả phong trào sản xuất theo chuỗi giá trị ông Hoàng Văn Ngôn, chủ tịch Hội Nông dân Lạng Sơn cho hay: Thời gian tới, tỉnh Hội cũng sẽ tổ chức nhiều buổi tập huấn liên quan đến sản xuất theo chuỗi giá trị để giúp cán bộ cấp cơ sở cũng như người dân có kiến thức đi vào thực hiện có hiệu quả. Đồng thời cần tập trung vào việc xây dựng và phát triển các mô hình HTX theo quy mô lớn, gắn sản xuất với bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm, đáp ứng thị trường trong nước và xuất khẩu.

Do đó, Hội đặc biệt chú trọng công tác nâng cao trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ các cấp nhằm hỗ trợ nông dân đẩy mạnh phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, đáp ứng yêu cầu tái cơ cấu ngành và xây dựng nông thôn mới.

Sản xuất những thứ thị trường cần

Khi tham gia lớp tập huấn xây dựng chuỗi giá trị nông sản, nhiều cán bộ, lãnh đạo các HTX, các chủ trang trại... tại các địa phương tỏ ra rất hứng thú với chương trình do Trung tâm Hỗ trợ Nông dân, nông thôn - Trung ương Hội NDVN tổ chức.

Theo ông Giang Văn Lùng- Giám đốc HTX Nông nghiệp Hợp Thịnh (huyện Cao Lộc), việc tham gia lớp tập huấn xây dựng chuỗi giá trị nông sản sẽ giúp cho các lãnh đạo HTX hiểu rõ hơn về mô hình này. Từ đó sẽ có kiến thức để hướng dẫn và dạy lại cho các thành viên trong đơn vị của mình thực hiện.

Ông Giang Văn Lùng, Giám đốc HTX Hợp Thịnh giới thiệu sản phẩm cây cà gai leo do chính HTX trồng, thu hoạch, sơ chế và đóng gói.

"Trước đây khi thực hiện công việc sản xuất chúng tôi thường làm theo kiểu tự phát, sản xuất những gì mình có nhưng giờ HTX của tôi đã thay đổi tư duy và sản xuất sản phẩm theo tín hiệu và yêu cầu của thị trường “Bán những thứ thị trường cần chứ không bán thứ mình có”, nhằm đảm bảo ổn định và bền vững cho đầu ra của sản phẩm. Hiện nay các sản phẩm của HTX Hợp Thịnh đều có đầu ra ổn định- ông Lùng chia sẻ.

Cũng theo ông Lùng, từ khi tham gia sản xuất theo chuỗi, các xã viên đã thấy được lợi ích mà mình được hưởng tăng lên đáng kể. Sản lượng cây dược liệu là các loại cây là gai leo, cây hoàng ngọc, nghệ, ba kích… liên tục tăng nhưng vẫn được tiêu thụ hết với giá bán cao và ổn định.

Nhờ mạnh dạn áp dụng phương pháp nuôi bò an toàn sinh học theo chuỗi, anh Linh Văn Thắm - Giám đốc HTX Xuân Mai, xã Xuân Mai, huyện Văn Quan luôn "đứng vững" trước các đợt dịch bệnh, duy trì nghề chăn nuôi giống bò Laisin và bước đầu có nguồn thu nhập.

Các thành viên và Giảng viên của lớp tập huấn thăm quan, học tập mô hình nuôi bò Laisin của anh Linh Văn Thắm ở Xuân Mai, huyện Văn Quan.

“Mô hình nuôi bò Laisin của tôi và các hộ tham gia mặc dù mới thành lập nhưng đã bước đầu thấy hiệu quả. Thời gian tới, HTX chúng tôi sẽ tiếp tục mở rộng xây dựng thêm hệ thống chuồng trại để tăng đàn. Nếu đầu ra luôn được đảm bảo và ổn định thì nông dân chúng tôi sẽ yên tâm lao động sản xuất”, ông Thắm chia sẻ.

Mộc Trà

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/tin-nong-nghiep/tiep-suc-nong-dan-xu-lang-san-xuat-theo-chuoi-gia-tri-900007.html