Tiếp sức ngư dân bám biển

Thiên tai, dịch bệnh, nhất là đại dịch Covid-19 khiến sức tiêu thụ các mặt hàng thủy sản giảm, kéo theo thu nhập của ngư dân giảm sút. Vì vậy, việc UBND tỉnh phê duyệt kinh phí thực hiện chính sách hỗ trợ theo Quyết định 48 đã tiếp thêm động lực, để ngư dân vươn khơi bám biển.

Vì một số nguyên nhân khách quan, năm 2020, việc hỗ trợ ngư dân theo Quyết định 48 bị chậm, nên đến đầu tháng 7.2020, kinh phí hỗ trợ đợt 1.2020 (trên 59 tỷ đồng) mới được phân bổ. Đến cuối năm 2020, hỗ trợ đợt 2, 3, 4, với tổng kinh phí trên 243,6 tỷ đồng vẫn chưa được phê duyệt. “Khai thác hải sản ngày càng khó, mà chi phí nhiên liệu và lao động cứ tăng, nên gia đình rất chật vật. Nhờ khoản tiền hỗ trợ theo Quyết định 48 đã giúp chúng tôi bớt khó khăn, có điều kiện trang trải phí tổn trước mỗi chuyến biển”, ngư dân Phạm Tấn Vân, ở xã Tịnh Kỳ (TP.Quảng Ngãi) cho biết.

Hỗ trợ theo Quyết định 48 giúp nhiều ngư dân “vượt khó”, tiếp tục vươn khơi khai thác hải sản.

Những ngày đầu năm mới 2021, khi hay tin UBND tỉnh đã phê duyệt kinh phí hỗ trợ các đợt 2, 3, 4, ngư dân có tàu khai thác hải sản ở vùng khơi rất phấn khởi. Ngư dân Đặng Tằm, ở xã Bình Châu (Bình Sơn) bộc bạch: Năm 2020, năm vô cùng khó khăn với ngư dân, dịch Covid-19 khiến sản phẩm ứ đọng, giá bán bấp bênh, thu nhập giảm sút, nên ai cũng trông vào tiền hỗ trợ của nhà nước. Số tiền không nhiều, nhưng là nguồn động viên với ngư dân, để mọi người tiếp tục vươn khơi bám biển.

Theo Chi cục Thủy sản, những năm trước, kinh phí hỗ trợ ngư dân theo Quyết định 48 được thực hiện theo từng quý, chậm nhất là hai quý. Tuy nhiên, năm 2020 việc hỗ trợ chậm, cộng với thiên tai dịch bệnh, nên một số ngư dân gặp khó khăn, nhiều người phải cho tàu nằm bờ, vì không có tiền để tạm ứng cho bạn tàu và trang trải phí tổn. Vì vậy, ngay khi được UBND tỉnh phê duyệt kinh phí hỗ trợ, Chi cục Thủy sản đã phối hợp các cơ quan, đơn vị liên quan tập trung thực hiện các thủ tục, trình tự theo quy định, để sớm cấp kinh phí cho ngư dân trước tết Nguyên đán Tân Sửu 2021.

Sau ngày 31.12.2020, một số chính sách theo Nghị định 67, Nghị định 17 như: Hỗ trợ duy tu, sửa chữa tàu vỏ thép; hỗ trợ 100% kinh phí đào tạo cấp chứng chỉ thuyền trưởng, máy trưởng, thuyền viên vận hành tàu vỏ thép, tàu vật liệu mới; chính sách hỗ trợ mua bảo hiểm tàu cá, thuyền viên cho tàu cá công suất máy từ 90 CV trở lên; chính sách tín dụng đóng mới, nâng cấp tàu... đã hết hiệu lực thi hành. Trong khi đó, dù ngân sách hạn chế, nhưng tỉnh vẫn quan tâm duy trì thực hiện các chính sách hỗ trợ mua bảo hiểm tàu cá, thuyền viên... nên ngư dân rất phấn khởi, yên tâm bám biển sản xuất.

Tuy các ngành chức năng của tỉnh đã nỗ lực, nhưng hiện vẫn còn một số vướng mắc chưa được tháo gỡ. Đó là, việc chuyển đổi chủ tàu đóng mới theo Nghị định 67 làm ăn kém hiệu quả, chính sách bảo hiểm tàu cá, xử lý nợ xấu vốn vay đóng tàu, việc đào tạo các chức danh tàu cá... Để khắc phục, Sở NN&PTNT đã tham mưu UBND tỉnh kiến nghị Bộ NN&PTNT dự thảo nghị định bổ sung, sửa đổi Nghị định 67, Nghị định 17 về một số chính sách phát triển thủy sản, để trình Chính phủ xem xét thông qua trong năm 2021.

Ngư dân kỳ vọng những chính sách mới sẽ phù hợp hơn, hiệu quả hơn, giúp họ nâng cao năng lực khai thác hải sản, tăng hiệu quả kinh tế, góp phần phát triển nghề cá bền vững, tiến đến chuyển từ nghề cá nhân dân sang hiện đại.

Bài, ảnh: THANH PHONG

Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/channel/2025/202102/tiep-suc-ngu-dan-bam-bien-3043475/