Tiếp sức để nông dân vượt khó, nâng cao đời sống

Quá trình triển khai, đưa nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp đi vào cuộc sống, cấp ủy đảng, chính quyền các cấp ở khu vực nông thôn tập trung cho nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống của người dân.

Quá trình triển khai, đưa nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp đi vào cuộc sống, cấp ủy đảng, chính quyền các cấp ở khu vực nông thôn tập trung cho nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống của người dân.

Đây cũng là mục tiêu, nguyện vọng của từng hộ gia đình hiện nay. Trên thực tế, trong nhiều thập kỷ, cùng với chính sách lớn của Đảng, Nhà nước, các đoàn thể chính trị, xã hội đã dồn sức tham gia vào mục tiêu này. Ví như việc thành lập, tổ chức các loại quỹ hỗ trợ của MTTQ Việt Nam, hội phụ nữ, hội nông dân, đoàn thanh niên, cựu chiến binh…

Tại tỉnh Phú Thọ, những năm qua, Quỹ hỗ trợ nông dân đã trở thành kênh tín dụng quan trọng, trợ giúp cho hàng nghìn hộ nông dân phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, từng bước nâng cao thu nhập, góp phần giảm nghèo bền vững. Tại huyện Thanh Sơn, Quỹ hỗ trợ nông dân là một trong những chương trình cho vay có tính thiết thực, đạt hiệu quả, trực tiếp giúp nông dân có điều kiện xây dựng mô hình kinh tế để giảm nghèo. Tính hết năm 2020, trên địa bàn huyện đã có gần 80 hộ hưởng lợi từ nguồn vốn vay Quỹ hỗ trợ nông dân với tổng số vốn hơn 4,2 tỷ đồng, góp phần tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho hội viên và gia đình. Trong năm 2020, các cấp hội nông dân trong tỉnh đã cho vay các nguồn vốn được 124 dự án với 647 hộ vay, số vốn giải ngân gần 20 tỷ đồng. Từ nguồn vốn này, các hội viên nông dân sử dụng để phát triển các mô hình chăn nuôi, trồng trọt, sản xuất, kinh doanh có hiệu quả.

Thực tế cho thấy, cùng với sự chủ động của từng hộ gia đình khu vực nông thôn để tạo việc làm, vượt khó làm giàu, đang rất cần sự định hướng của cấp ủy, chính quyền sở tại; sự tiếp sức kịp thời của các đoàn thể, cộng đồng dân cư, nhất là trong tình hình thiên tai dịch bệnh; đại dịch Covid-19 hiện nay.

Từ đó, đòi hỏi cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các địa phương cùng việc triển khai, sử dụng hiệu quả chính sách, nguồn vốn của Trung ương, cần là “nhạc trưởng”, phối hợp để có nhiều hình thức hỗ trợ người dân, hội viên vượt khó, nâng cao đời sống. Từ việc đổi mới, nâng cao hiệu quả các loại quỹ đã có, cần mở rộng việc thu hút, huy động sức mạnh từ cộng đồng tiếp sức kịp thời cho nông dân xóa nghèo và phát triển sản xuất. Trước mắt là các hình thức cứu trợ, “giải cứu” sản phẩm nông nghiệp, ngành nghề... Về cơ bản, lâu dài là huy động nguồn vốn, hỗ trợ kỹ năng, kinh nghiệm để nông dân đầu tư sản xuất, phát triển, đa dạng hóa ngành nghề, thu nhập. Quỹ hội tăng, nguồn vay tăng, sử dụng hiệu quả sẽ tập hợp, thu hút, phát triển hội viên vào các tổ chức hội, đoàn thể.

Vấn đề cơ bản khác là các địa phương, cộng đồng dân cư cần tập trung xây dựng mô hình điểm sử dụng hiệu quả nguồn vốn quỹ hỗ trợ gắn liền phát triển các dự án. Tạo cơ hội để các hộ gia đình học tập, truyền đạt các kinh nghiệm trong sản xuất và đời sống, tìm đầu ra cho sản phẩm…

Quá trình nêu trên bảo đảm phát huy tốt phương châm “dân biết, dân bàn, dân kiểm tra, dân hưởng lợi” mang lại hiệu quả và niềm tin của người dân trong quá trình vượt khó làm giàu.

ĐẶNG LÊ NAM HẢI

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/dang-va-cuoc-song/tiep-suc-de-nong-dan-vuot-kho-nang-cao-doi-song--640737/