'Tiếp sức' cho nghệ thuật bài chòi lan tỏa

Là loại hình nghệ thuật diễn xướng mang tính sáng tạo, ngẫu hứng và đầy trí tuệ của nhân dân vùng Trung Bộ, bài chòi được vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại năm 2017.

Đối với TP Đà Nẵng, từ lâu bài chòi đã trở thành “món ăn tinh thần” hấp dẫn trong đời sống văn hóa của các tầng lớp nhân dân. Trước nguy cơ nghệ thuật bài chòi bị mai một, chính quyền TP Đà Nẵng và các thế hệ nghệ nhân, nghệ sĩ, nhà nghiên cứu đã cùng nhau nỗ lực khắc phục khó khăn, mang lại sức sống, sức lan tỏa mới cho bài chòi.

Hiện nay, bài chòi ở TP Đà Nẵng tồn tại chủ yếu dưới hình thức hô/hát bài chòi dân gian ở các quận, huyện, nhất là dịp tết cổ truyền, lễ hội, trong các sinh hoạt văn hóa, văn nghệ của cộng đồng địa phương. Trên địa bàn thành phố hiện có 5 nghệ sĩ ưu tú, 10 nhóm/đội, câu lạc bộ (CLB) bài chòi với hơn 200 người tham gia; trong đó có 36 nghệ nhân làm anh Hiệu, 5 nghệ nhân độc diễn bài chòi dân gian, 13 nghệ nhân chơi nhạc cụ, 6 người biết đàn bài chòi, 49 người có khả năng truyền dạy.

 Các nghệ nhân trình diễn nghệ thuật Bài Chòi.

Các nghệ nhân trình diễn nghệ thuật Bài Chòi.

Bà Nguyễn Thị Hội An, Phó giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao TP Đà Nẵng, cho biết: “Những năm gần đây, Đà Nẵng đã tổ chức nhiều lớp tập huấn, truyền dạy kỹ năng hô hát bài chòi; lồng ghép hội chơi bài chòi vào những sự kiện văn hóa, du lịch lớn của thành phố, như: Lễ hội Quán Thế Âm, Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng, chương trình “Điểm hẹn mùa hè”, lễ hội đình làng, lễ cầu ngư… Nhiều trường tiểu học và THCS trên địa bàn thành phố đang triển khai hoạt động giới thiệu, hướng dẫn và truyền đạt nghệ thuật bài chòi cho giáo viên và học sinh”. Tham gia lớp học, học viên được tiếp xúc, cảm thụ những nét độc đáo, hấp dẫn riêng có của bài chòi một cách gần gũi, sinh động; từ cách dựng chòi, tên các con bài, trang phục của anh, chị Hiệu đến cách hô hát, điệu bộ, diễn xướng, ứng diễn tài năng; sự hài hước, dí dỏm đầy tính nghệ thuật của các làn điệu bài chòi hòa với đàn nhị, sáo, trống, nhịp phách… từ đó khơi dậy niềm yêu thích, say mê học và hát bài chòi.

Là một trong 3 CLB được thành lập, hoạt động và nhận sự hỗ trợ của chính quyền, CLB Bài chòi Sông Yên (huyện Hòa Vang) cứ 3 tháng một lần phối hợp với đội thông tin lưu động của huyện tổ chức biểu diễn dân ca, hô bài chòi trên khắp 11 xã để phục vụ nhân dân. Qua những làn điệu, câu ca, các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước được lồng ghép phổ biến, dễ đi vào đời sống người dân. CLB hiện đang đảm nhiệm biên soạn tài liệu và giảng dạy kỹ năng hô hát các làn điệu dân ca Khu 5, bài chòi cho giáo viên và học sinh tại 42 trường mầm non, tiểu học và THCS trên địa bàn. Chị Nguyễn Thị Lệ, Chủ nhiệm CLB, khẳng định: “Với sự tham gia của các nghệ nhân trưởng thành từ phong trào văn nghệ quần chúng, am hiểu và có năng khiếu về bài chòi, các CLB, đội/nhóm là sân chơi lành mạnh, bổ ích để phát huy niềm đam mê nghệ thuật bài chòi”.

Với mong muốn đưa bài chòi xuống phố, Trung tâm Văn hóa-Điện ảnh TP Đà Nẵng đã tổ chức biểu diễn bài chòi tại khu công viên bờ đông cầu Rồng (quận Sơn Trà) vào các tối thứ bảy, chủ nhật hằng tuần. Ông Cao Tấn Ngọc, Phó giám đốc trung tâm, chia sẻ: “Được tổ chức từ năm 2016, chương trình này tạo ra không gian diễn xướng mới lạ, lôi cuốn công chúng và du khách tham gia. Trung tâm sẽ tiếp tục đầu tư dụng cụ, phục trang, nâng cao kỹ năng biểu diễn để mang đến những màn trình diễn hấp dẫn, tạo điểm nhấn trong chuỗi các hoạt động lễ hội hai bờ sông Hàn”.

Là người viết hàng trăm kịch bản dân ca, đến nay đã ở tuổi gần 70, trong ký ức của ông Nguyễn Hữu Mai (CLB dân ca xã Hòa Liên) vẫn nguyên vẹn hình ảnh về sức lan tỏa của bài chòi: “Khi còn là tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng, đi đâu cũng nghe đàn hát dân ca bài chòi vì tất cả các xã, hợp tác xã đều có đội thông tin lưu động và đài phát thanh-truyền hình của tỉnh. Lúc bấy giờ, chương trình sân khấu truyền thanh vào tối thứ bảy cũng phát bài chòi”. Theo ông, một trong những giải pháp để giữ gìn và phát huy giá trị di sản bài chòi là tổ chức các cuộc thi sáng tác lời mới và kịch bản bài chòi gắn với nhịp sống, hơi thở đương đại, góp phần làm phong phú thêm di sản này, vừa giúp thành phố tuyên truyền các chủ trương chung.

Cùng với việc tạo cơ chế, chính sách hỗ trợ, duy trì và phát triển các CLB, đội/nhóm, có chế độ đãi ngộ, quan tâm đúng mức đến nghệ nhân, nghệ sĩ bài chòi, tổ chức các hội thi, liên hoan nghệ thuật, TP Đà Nẵng đang hướng tới việc đưa bài chòi trở thành một “đặc sản” du lịch văn hóa độc đáo. Để làm được điều này, một trong những khâu quan trọng là lồng ghép nội dung nghệ thuật bài chòi vào trong nghiên cứu khoa học hoặc môn học có liên quan đến văn hóa, sản phẩm du lịch để giảng dạy cho sinh viên; tổ chức các cuộc nói chuyện, lớp học bài chòi miễn phí để sinh viên tiếp cận và hiểu về bài chòi. Từ đó, thành phố không chỉ có đội ngũ làm du lịch am hiểu về nghệ thuật bài chòi mà còn có thể tìm ra những hạt nhân, các “anh Hiệu”, “chị Hiệu” từ trên ghế giảng đường.

Với nhiều giải pháp được đưa ra, cùng sự đồng thuận, nỗ lực của chính quyền, các nhà nghiên cứu, các nghệ nhân, nghệ sĩ, TP Đà Nẵng đang từng bước bảo vệ di sản bài chòi trước nguy cơ mai một, đưa phong trào hát bài chòi phát triển rộng khắp, lan tỏa tình yêu dành cho di sản đặc biệt này.

Bài và ảnh: THANH THÚY

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/doi-song-van-hoa/tiep-suc-cho-nghe-thuat-bai-choi-lan-toa-572398