Tiếp sức cho học sinh vùng cao

Dù cuộc sống đã nhiều đổi thay, song tình trạng thiếu nước sinh hoạt, thiếu điện phục vụ học tập vẫn xảy ra ở nhiều ngôi trường vùng cao của tỉnh Lào Cai, khiến cho hành trình đi tìm con chữ của các em học sinh nơi đây càng thêm gian nan, trắc trở.

Đau đáu với tình cảnh đó, nhóm thiện nguyện do báo Kinh tế & Đô thị phối hợp với Công ty Share Tech, Not Just Bamboo đã lên đường, chung tay góp sức đưa điện, nước về với những ngôi trường vùng cao.

Muôn cái khó bó cái khôn

Từ khi tuyến cao tốc Nội Bài – Lào Cai đi vào sử dụng, thời gian di chuyển từ Thủ đô Hà Nội lên Lào Cai đã giảm đáng kể. Dù việc đi lại đã thuận lợi hơn, nhưng ở mảnh đất vốn nổi tiếng với sự khắc nghiệt của thời tiết, cuộc sống của người dân vẫn gặp rất nhiều khó khăn.

Các thành viên chụp ảnh lưu niệm với thầy trò trường THPT số 2 Sapa. Ảnh: Vân Nhi

Các thành viên chụp ảnh lưu niệm với thầy trò trường THPT số 2 Sapa. Ảnh: Vân Nhi

Sau khoảng 4 giờ di chuyển trên cao tốc Nội Bài – Lào Cai và gần 1 giờ di chuyển trên đường núi, nhóm thiện nguyện do báo Kinh tế & Đô thị phối hợp với Công ty Share Tech, Not Just Bamboo… đã có mặt tại trường THPT số 2 Sa Pa (thôn Hoàng Liên, xã Bản Hồ, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai).

So với những điểm trường khác, hệ thống cơ sở vật chất của trường THPT số 2 Sa Pa khá hiện đại, khang trang. Tuy nhiên, đằng sau những hình ảnh bề ngoài đó là hàng loạt khó khăn ảnh hưởng đến công tác giảng dạy, bám trường, bám lớp, giữ học sinh của các thầy cô nơi đây.

Trao đổi với chúng tôi, thầy Nguyễn Văn Hiển – Phó Hiệu trưởng trường THPT số 2 Sa Pa chia sẻ, trường có 250 học sinh, chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông, Dao. Trong đó có khoảng 200 em học sinh ở bán trú, cuối tuần về nhà, đầu tuần lại cắp sách đến trường. Cũng theo thầy Hiển, cứ đến thứ Hai hàng tuần mà vẫn chưa thấy học sinh đến lớp, các thầy cô giáo lại lo lắng không yên, rồi tất tả tìm đến nhà thăm hỏi, động viên các em quay lại trường.

Theo lý giải của thầy Hiển, bên cạnh tình trạng tảo hôn, việc thiếu nước sinh hoạt tại trường là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng học sinh bỏ lớp, bỏ trường. “Ở đây chưa có nước sạch, hàng tháng nhà trường phải bỏ ra 2 triệu đồng để mua nước phục vụ sinh hoạt cho học sinh. Tuy nhiên, lượng nước mua được vẫn rất hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt hàng ngày của học sinh và thầy cô” – thầy Hiển chia sẻ.

Rời trường THPT số 2 Sa Pa, chúng tôi tiếp tục di chuyển khoảng 40km đến với trường Tiểu học số 5 Gia Phú (xã Gia Phú, huyện Bảo Thắng) – nơi cách tuyến đường chính của xã Gia Phú hơn 5km. So với trường THPT số 2 Sa Pa, nguồn nước tại điểm trường này thuận tiện hơn rất nhiều, nhưng thay vào đó, trường lại thiếu thốn về điện.

Thầy Đồng Văn Thuận – Hiệu trưởng nhà trường, người đã gắn bó với mái trường này hơn chục năm chia sẻ, trường được xây dựng bằng vốn tài trợ của Đại sứ quán Nhật Bản và vốn đối ứng của tỉnh Lào Cai. Dù được đưa vào sử dụng từ cuối tháng 4/2012, song đến thời điểm này, hệ thống chiếu sáng, quạt trần… họa hoằn lắm mới được phát huy tác dụng nhờ hệ thống máy phát điện, còn lại hầu như bỏ không. Cũng theo thầy Thuận, để đảm bảo việc sinh hoạt, học tập của học sinh bán trú, tối đến, nhà trường phải dùng đèn tích điện lấy ánh sáng cho các em học bài…

Các thành viên trong đoàn thiện nguyện lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời cho trường Tiểu học số 5 Gia Phú.

Cần lắm những tấm lòng

Nhằm chia sẻ những khó khăn, thiếu thốn của các thầy cô và học sinh vùng cao, cuối tuần qua, đoàn thiện nguyện do báo Kinh tế & Đô thị phối hợp với các Công ty Share Tech, Not Just Bamboo… đã hỗ trợ lắp đặt những công trình lọc nước, cấp điện tại các điểm trường.

Cụ thể, với sự đồng hành của các DN, báo Kinh tế & Đô thị đã tổ chức lắp đặt hệ thống lọc nước tại trường THPT số 2 Sa Pa, lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời và hệ thống lọc nước cho trường Tiểu học số 5 Gia Phú. Em Tẩn Ồng Lố, học sinh lớp 5, trường Tiểu học số 5 Gia Phú vui mừng chia sẻ: "Trường có điện, không phải thắp đèn dầu… nên em muốn ở lại trường nhiều hơn nữa".

Ông Trịnh Minh Tuynh Tú – Chủ tịch Công ty TNHH Share Tech cho biết, trong những năm qua, ngoài việc kinh doanh, đơn vị luôn đặc biệt quan tâm đến công tác từ thiện, hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số, khu vực còn gặp nhiều khó khăn. Theo ông Tú, trong quá trình kinh doanh, mỗi sản phẩm được bán ra, công ty đều trích lại 1 USD để làm từ thiện.

Rời Lào Cai, chia tay các thầy cô giáo và các em học sinh vùng cao với những nụ cười thân thiện, những ánh mắt bịn rịn chứa chan hạnh phúc, chúng tôi trở về Hà Nội trong một niềm vui khó diễn tả thành lời. Đó là từ nay trở đi, các em học sinh trường THPT số 2 Sa Pa sẽ có nước sạch để sinh hoạt, thậm chí uống nước ngay tại vòi.

Hay ngoài việc được sử dụng nước sạch, đảm bảo vệ sinh, các em học sinh trường Tiểu hoc số 5 Gia Phú là những người đầu tiên trong khu vực được sử dụng điện mà không phải chịu đựng tiếng ầm ầm của máy phát, thoát khỏi cảnh ngồi học dưới ánh sáng lờ mờ của chiếc đèn tích điện cầm tay…

Tuy nhiên, bên cạnh những niềm vui, tự hào, những thành viên trong đoàn chúng tôi vẫn mang nặng tâm tư trước những khó khăn vẫn đang hiện hữu, bao phủ cuộc sống, sinh hoạt của các thầy cô, học sinh nơi vùng cao. Trong đó phải kể đến tuyến đường dẫn từ trường THPT số 2 Sa Pa xuống khu bán trú đang có hiện tượng sạt lở vách núi, gây mất an toàn cho học sinh. Hay việc trường THCS Gia Phú dù đã khang trang nhưng hệ thống bếp ăn vẫn lụp xụp, trực sập bất cứ lúc nào… Cần lắm những tấm lòng hảo tâm, sẻ chia khó khăn, thiếu thốn, tiếp sức cho các em học sinh vùng cao trên hành trình đi tìm con chữ, trang bị kiến thức để xây dựng quê hương.

Trước đó, tháng 7/2018, báo Kinh tế & Đô thị cũng đã phối hợp với Công ty Share Tech tổ chức lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời tại huyện đảo Cồn Cỏ, tỉnh Quảng Trị trị giá khoảng 300 triệu đồng.

Vân Nhi

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/tiep-suc-cho-hoc-sinh-vung-cao-339480.html