Tiếp sức cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ

Những năm qua, dù đã đạt được một số bước tiến cả về chất và lượng, nhưng sự phát triển của ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT) nước ta vẫn còn hạn chế… Để ngành CNHT đủ sức tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, cần tập trung triển khai nhiều giải pháp theo hướng sát thực tế hơn.

Phóng viên Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với ông Đỗ Nam Bình - Quyền Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển công nghiệp (IDC) - Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương xung quanh vấn đề này.

Thưa ông, Trung tâm IDC đã và đang từng bước triển khai các chương trình phát triển CNHT theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ một cách bài bản, hướng tới các doanh nghiệp CNHT như thế nào?

IDC được thành lập ngày 6/6/2018 theo Quyết định số 1970/QĐ-BCT của Bộ trưởng Bộ Công Thương, nhiệm vụ chính là cung cấp các dịch vụ công để phát triển công nghiệp bao gồm hỗ trợ kỹ thuật, dịch vụ nhằm nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp công nghiệp, xúc tiến chuyển giao công nghệ, B2B (Business to Business), xúc tiến hợp tác quốc tế trong lĩnh vực công nghiệp.

Đáng chú ý, IDC còn có mục tiêu phát triển các chương trình CNHT trong nước, giúp doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Trên cơ sở đó, cải thiện môi trường sản xuất, hỗ trợ doanh nghiệp có môi trường lưu thông hàng hóa, sản phẩm thông suốt, tiêu thụ sản phẩm ngành CNHT sản xuất ra thật sự ổn định, liên tục.

Ông Đỗ Nam Bình- quyền giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển công nghiệp (IDC)

Ông Đỗ Nam Bình- quyền giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển công nghiệp (IDC)

Ngoài ra, IDC còn triển khai các dịch vụ tư vấn, hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp công nghiệp về kỹ thuật, nhân lực, quản trị kinh doanh, làm chủ và đổi mới máy móc, kỹ thuật, công nghệ phục vụ sản xuất công nghiệp.

Song song với công tác quản lý nhà nước về công nghiệp, IDC được kỳ vọng sẽ giúp doanh nghiệp xuyên suốt toàn quy trình hoạt động, từ khi khởi nghiệp kinh doanh tới khi đi vào thực tiễn sản xuất, qua đó mở rộng cơ hội tiếp cận và khai thác thị trường, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc mà doanh nghiệp gặp phải. Gần đây nhất, chúng tôi đã tổ chức chương trình “Kết nối doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ năm 2019”. Mục đích của chương trình này là nhằm giúp doanh nghiệp tiếp cận các doanh nghiệp đa quốc gia (MNE), doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) lắp ráp sản phẩm hoàn chỉnh với số lượng lớn để có cơ hội giao thương, tham gia vào chuỗi cung ứng của họ.

Chúng tôi kỳ vọng vì chương trình sẽ là cầu nối hiệu quả cho doanh nghiệp sản xuất CNHT có sản phẩm cung ứng phù hợp, được gặp gỡ, tiếp xúc và kết nối với các doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp sản xuất công nghiệp đầu cuối nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp CNHT liên kết để thực hiện các hợp đồng gia công, tăng khả năng tiếp cận với các đối tác. Các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp trong và ngoài nước, các nhà đầu tư mở rộng thị trường, từng bước tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, nhất là trong bối cảnh chuyển biến của kinh tế thế giới với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Kết quả chương trình có đem lại hiệu quả như kỳ vọng? Ông có đánh giá và nhận xét gì để doanh nghiệp có thể tận dụng tối đa cơ hội?

Theo tôi, có 3 kết quả mong muốn đạt được sau khi triển khai chương trình kết nối các doanh nghiệp CNHT.

Thứ nhất, giúp doanh nghiệp kết nối các MNE, FDI để tham gia chuỗi cung ứng nhằm gia tăng tiêu thụ sản phẩm, tăng sức cạnh tranh trên thị trường thông qua việc tham gia vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp đa quốc gia như Samsung, Toyota. Năm nay, với sự hỗ trợ của Chính phủ, chúng tôi mong muốn doanh nghiệp CNHT nước nhà tham gia sâu vào chuỗi cung ứng của các MNE, FDI.

Thứ hai, chương trình tạo môi trường giao thương, trao đổi, học hỏi cho các doanh nghiệp CNHT trong nước.

Thứ ba, tạo cơ hội để các MNE, FDI tìm kiếm các nhà cung ứng (vender) tiềm năng, thông qua đó các MNE, FDI sẽ tiếp cận và trợ giúp các doanh nghiệp CNHT thông qua các chương trình hỗ trợ nhà cung ứng để doanh nghiệp CNHT từng bước phát triển lâu dài và bền vững.

Bên cạnh đó, thông qua chương trình kết nối, doanh nghiệp CNHT tự nhận thấy mình đang yếu, thiếu ở điểm nào để tự cải tiến, đổi mới bản thân nhằm mục đích đảm bảo các yêu cầu của các đầu chuỗi, nơi có nền quản trị sản xuất chuyên nghiệp theo chuẩn quốc tế.

Kết nối doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ năm 2019 đem lại hiệu quả thiết thực cho doanh nghiệp.

Việc xây dựng và tổ chức mạng lưới Trung tâm hỗ trợ phát triển công nghiệp mà IDC đã đề ra có ý nghĩa như thế nào đối với các doanh nghiệp CNHT, ông có thể phân tích cụ thể?

Phát triển CNHT đã được Thủ tướng Chính phủ thông qua và ban hành tại Quyết định 68/QĐ-TTg ngày 18/1/2017 phê duyệt Chương trình phát triển CNHT từ năm 2016 đến năm 2025 đã cho thấy quyết tâm của Chính phủ trong việc phát triển CNHT. Để triển khai quyết định này, một loạt các Thông tư được ban hành nhằm hiện thực hóa các nội dung của Quyết định. Tuy nhiên, để chính sách hỗ trợ của Chính phủ đến được với doanh nghiệp cần có một tổ chức triển khai và IDC được thành lập. Hiện nay, IDC đã và đang phát huy hiệu quả, mang đến lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp.

Phát huy những mặt tích cực của IDC, hiện nay Bộ Công Thương đang triển khai thành lập Trung tâm phía Nam, dự kiến tại TP. Hồ Chí Minh.

Bên cạnh đó trong tương lai chúng tôi hy vọng một số địa phương cũng sẽ thành lập các trung tâm hỗ trợ phát triển công nghiệp trực thuộc Sở Công Thương các tỉnh, thành phố, trước mắt là các địa phương có nền công nghiệp phát triển như: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Bắc Ninh, Hải Phòng, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa Vũng Tàu, Quảng Ngãi... Điều này rất quan trọng vì sẽ tạo nên mạng lưới Trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp từ Trung ương đến địa phương nhằm triển khai hỗ trợ doanh nghiệp trong việc cải tiến tăng năng lực sản xuất, kỹ thuật chuyên sau cho doanh nghiệp... một cách đồng bộ và hiệu quả nhất.

Hy vọng rằng một mạng lưới Trung tâm hỗ trợ phát triển công nghiệp sẽ hình thành trong tương lai và từng bước giúp các doanh nghiệp CNHT nói riêng và ngành CNHT nói chung phát triển nhanh và bền vững.

Thời gian tới, IDC có kế hoạch gì trong việc tăng cường, mở rộng các chương trình hỗ trợ nhằm nâng “chất” cho các doanh nghiệp CNHT, thưa ông?

Hiện tại, IDC đang tập trung hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực có trình độ cao, đặc biệt đối với mảng CNHT. Trên cơ sở đó, IDC cũng triển khai các chương trình tư vấn cải tiến sản xuất, tăng năng suất lao động và hỗ trợ kết nối nhằm giúp doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, tăng năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.

Các doanh nghiệp lắp ráp hoàn chỉnh có mặt trong chương trình kết nối.

Bên cạnh các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp đang triển khai như tư vấn cải tiến sản xuất, hỗ trợ kết nối để doanh nghiệp có điều kiện tham gia vào chuổi cung ứng toàn cầu, IDC luôn xác định nhân lực có trình độ cao là nguồn lực then chốt phát triển doanh nghiệp. Vì vậy, những năm tiếp theo IDC tiếp tục triển khai các chương trình hỗ trợ đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực quan trọng của từng ngành công nghiệp như chuyên gia tư vấn cải tiến sản xuất, chuyên gia sản xuất khuôn mẫu... thông qua hợp tác, hỗ trợ từ các tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài như Samsung, WorldBank, LinkSME... Cụ thể, IDC đang triển khai các chương trình hỗ trợ chuyển giao công nghệ theo mô hình 3 bên Chính phủ - nhà cung cấp công nghệ - doanh nghiệp để giúp một số doanh nghiệp phát triển vượt bậc, hình thành nên các đầu chuỗi sản xuất, dẫn dắt và trợ giúp các doanh nghiệp CNHT nước nhà khác cùng phát triển.

Xin trân trọng cám ơn ông!

Lan Anh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/tiep-suc-cho-doanh-nghiep-cong-nghiep-ho-tro-129409.html