Tiếp sức cho Đoàn

Tháng 6-2014, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Kết luận 55 về Đề án công tác lãnh đạo và quản lý thanh niên trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2014-2020 (gọi tắt là Đề án 8 nhóm thanh niên).

Đoàn viên thanh niên tham gia một sự kiện do Huyện đoàn Cẩm Mỹ tổ chứ. Ảnh: N.Sơn

Đoàn viên thanh niên tham gia một sự kiện do Huyện đoàn Cẩm Mỹ tổ chứ. Ảnh: N.Sơn

Theo chị Nguyễn Thanh Hiền, Phó bí thư thường trực Tỉnh đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp thanh niên (LHTN) Việt Nam tỉnh, từ khi có Đề án 8 nhóm thanh niên, công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi trên toàn tỉnh được tiếp sức, tạo chuyển biến mạnh mẽ cả về chất và lượng.

* Được quan tâm đúng mức

Chị Trần Thị Thìn, Bí thư Huyện đoàn Trảng Bom cho hay, sau khi có Đề án 8 nhóm thanh niên, Huyện ủy đã chỉ đạo Ban Dân vận Huyện ủy xây dựng kế hoạch; đưa các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đối với mỗi nhóm thanh niên vào nghị quyết hằng năm để lãnh đạo, chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể liên quan tập trung thực hiện. Trong các cuộc họp giao ban hằng quý, hằng tháng, Huyện đoàn báo cáo tiến độ thực hiện Đề án 8 nhóm thanh niên để Huyện ủy kịp thời định hướng tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc. Nhờ đó, các chỉ tiêu đề án của huyện Trảng Bom dự kiến sẽ đạt và vượt vào năm 2020.

Chị Nguyễn Thanh Hiền, Phó bí thư thường trực Tỉnh đoàn, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam tỉnh cho rằng, các cấp bộ Đoàn phải nhận thức rõ hơn về giá trị mà đề án đem lại để chủ động hơn trong công tác tham mưu với cấp ủy cũng như phối hợp với các ngành, đồng thời lựa chọn cho cơ sở Đoàn của mình đội ngũ cán bộ Đoàn tâm huyết và có năng lực thực tiễn. Phát huy tính chủ động, sáng tạo trong tổ chức các hoạt động nhằm thu hút đông đảo đoàn viên thanh niên tham gia.

Cũng từ sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng mà các chính sách hỗ trợ thanh niên được triển khai thực hiện và đạt kết quả tích cực. Phó bí thư Huyện đoàn Xuân Lộc Hà Văn Niệm chia sẻ, nếu như trước đây khi chưa có Đề án 8 nhóm thanh niên, số lượng đoàn viên thanh niên được đào tạo nghề, giới thiệu việc làm còn hạn chế thì kể từ khi có đề án, số lượng đoàn viên thanh niên được đào tạo nghề, giới thiệu việc làm tăng hơn nhiều so với trước. Hiện tại, bình quân mỗi năm toàn huyện có khoảng 7 ngàn người được đào tạo nghề, trong đó 5 ngàn người được đào tạo nghề là đoàn viên, thanh niên.

Bên cạnh sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, Đề án 8 nhóm thanh niên còn tiếp sức cho hoạt động Đoàn về nhân sự, kinh phí. Chị Nguyễn Thị Ngọc, Bí thư Đoàn xã Phước Thiền (huyện Nhơn Trạch) bộc bạch, xã Phước Thiền hiện đang quản lý 18 chi đoàn, lại là địa bàn tập trung đông công nhân lao động nhập cư. Việc đẩy mạnh công tác đoàn kết, tập hợp thanh niên và nhất là bám sát địa bàn để nắm bắt diễn biến tư tưởng của thanh niên công nhân là hết sức khó khăn. Nhờ có thêm 2 nhân sự và nguồn kinh phí hỗ trợ hoạt động cho các chi đoàn, chi hội thanh niên nhà trọ, công tác Đoàn, Hội và phong trào thanh thiếu nhi của xã từng bước đi vào nề nếp.

* “Cú hích” cho hoạt động Đoàn

Một trong những nhiệm vụ được các cấp bộ Đoàn, Hội tập trung thực hiện thời gian qua là công tác đoàn kết, tập hợp thanh niên công nhân. Nếu như thời điểm xây dựng Đề án 8 nhóm thanh niên, toàn tỉnh mới chỉ thành lập được 129 chi đoàn khu vực nhà trọ và doanh nghiệp; 76 tổ chức Hội khu vực nhà trọ và trong doanh nghiệp thì đến nay đã có 223 tổ chức Đoàn thanh niên nhà trọ và doanh nghiệp; 196 tổ chức Hội khu vực nhà trọ và trong doanh nghiệp.

Đề án quản lý 8 nhóm thanh niên bao gồm: thanh niên công nhân, thanh niên nông thôn, thanh niên đô thị, thanh niên trí thức, thanh niên học sinh - sinh viên, thanh niên dân tộc thiểu số, thanh niên có đạo và thanh niên trong lực lượng vũ trang.

Bí thư Đoàn xã Phước Thiền Nguyễn Thị Ngọc chia sẻ, trước đây Đoàn xã mỗi năm chỉ phát triển bình quân 1 tổ chức Đoàn, Hội khu vực nhà trọ thì nay mỗi năm Đoàn xã đã phát triển ít nhất từ 2 tổ chức Đoàn, Hội trong doanh nghiệp hoặc khu vực nhà trọ trở lên. Hơn thế, từ khi có cộng tác viên Đề án 8 nhóm thanh niên, công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi trên địa bàn xã chuyển biến tích cực. Ở 4 ấp tập trung đông công nhân, Đoàn xã giao cho cộng tác viên đề án đeo bám; các ấp còn lại ít thanh niên công nhân hơn sẽ do các ủy viên Ban Chấp hành đảm nhận. Công việc được san sẻ nên cán bộ Đoàn và cộng tác viên có thời gian đeo bám cơ sở, nhiều vấn đề liên quan đến tình hình tư tưởng trong thanh niên công nhân được phát hiện, thông báo với các ngành chức năng xử lý kịp thời.

Công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi không chỉ chuyển biến ở cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã mà còn chuyển biến đến tận chi đoàn, chi hội nhà trọ. Chị Nguyễn Thị Ngọc cho biết: “Nhiều năm gắn bó với công tác Đoàn, Hội, tôi nhận thấy thanh niên công nhân tự nguyện tham gia sinh hoạt, đóng góp đoàn phí, hội phí; tham gia các hoạt động Đoàn tại địa phương là dấu hiệu đáng mừng, là kết quả mà Đề án 8 nhóm thanh niên mang lại. Vì vậy, tôi nghĩ đề án này cần tiếp tục duy trì để tổ chức Đoàn có thêm sức mạnh để tiếp tục hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của mình”.

Nga Sơn

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/chinhtri/201912/de-an-cong-tac-lanh-dao-va-quan-ly-thanh-nien-tiep-suc-cho-doan-2977175/