Tiếp sức cho công nghiệp hỗ trợ

Cách đây khoảng hơn 10 năm, một trong những chủ đề chính thường xuyên được bàn thảo trong các buổi tiếp xúc, gặp gỡ của chính quyền các địa phương với các doanh nghiệp, tập đoàn lớn khi họ có ý định rót vốn đầu tư; hoặc trên các diễn đàn kinh tế; trên các phương tiện truyền thông... là làm thế nào để công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam phát triển, đáp ứng được yêu cầu cơ bản của các tập đoàn khi họ xây dựng nhà máy tại Việt Nam?

Ở thời điểm đó trở về trước, mặc dù Chính phủ đã có nhiều chính sách khuyến khích phát triển ngành Công nghiệp hỗ trợ trên quy mô cả nước, ưu đãi về lãi suất, thủ tục... cho các doanh nghiệp trong ngành, song hàng chục năm trôi qua, câu chuyện “Việt Nam làm không nổi con ốc vít” vẫn trở thành một câu chuyện mở đầu, một “lời nguyền” khó chịu khi bàn đến ngành Công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam.

Tuy nhiên, những năm gần đây, có vẻ như “lời nguyền ốc vít” không còn là nỗi “ám ảnh” thể hiện trình độ phát triển kém của doanh nghiệp ngành Công nghiệp hỗ trợ, cũng không còn là nỗi lo lắng của các doanh nghiệp, tập đoàn lớn khi đến Việt Nam đầu tư. Nhìn lại các báo cáo thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước của Việt Nam nói chung và nhiều địa phương khác (trong đó có Đồng Nai) nói riêng, dễ dàng thấy mấy năm nay, dòng vốn đầu tư “chảy” vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ ngày càng nhiều.

Ví dụ tại Đồng Nai, danh mục các doanh nghiệp và sản phẩm của ngành Công nghiệp hỗ trợ đã và đang dài thêm, với công nghệ cao cấp hơn và danh sách khách hàng “nổi tiếng” hơn. Tại các khu công nghiệp lớn của TP.Biên Hòa, H.Long Thành, H.Nhơn Trạch… đã có các nhà đầu tư trong và ngoài nước xây dựng nhà máy sản xuất linh kiện máy bay, linh kiện máy tính bảng, chỉ sợi công nghệ cao… cung ứng cho những tập đoàn lớn trên thế giới. Và điều vui mừng là danh sách doanh nghiệp tham gia sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao đã xuất hiện nhiều cái tên “thuần Việt”.

Mặc dù phía doanh nghiệp đã rất nỗ lực nắm bắt cơ hội, song rõ ràng, để ngành Công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam đuổi kịp nhiều quốc gia khác trong khu vực, chẳng hạn Thái Lan, Indonesia và Trung Quốc, cũng cần đến nhiều chính sách đóng vai trò “bệ đỡ” cho doanh nghiệp.

Thực tế, dù khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào ngành này, song nhiều năm qua, số lượng doanh nghiệp trong ngành tiếp cận được với sự hỗ trợ thiết thực còn khá khiêm tốn. Nguyên nhân là do nhiều chính sách chưa “chạm” được đến nhu cầu thực sự của doanh nghiệp, hoặc thủ tục còn rườm rà, khó khăn. Do đó, ngoài việc khuyến khích về tinh thần, có lẽ thời gian tới, những chính sách hỗ trợ phát triển cho ngành Công nghiệp hỗ trợ cần “sát sườn” hơn, thủ tục linh hoạt và minh bạch hơn. Cũng như mọi doanh nghiêp khác, doanh nghiệp đầu tư ngành Công nghiệp hỗ trợ cũng cần những chính sách trợ lực cụ thể về thủ tục, lãi suất, nguồn vốn, thuế, đất đai…

Ngoài ra, còn cần đến chính sách kết nối trong tiêu thụ sản phẩm. Trong đó, cần hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển, mở rộng thị trường trong và ngoài nước thuộc các ngành Công nghiệp hỗ trợ bằng cách tạo kênh kết nối trực tiếp cung - cầu sản phẩm giữa các doanh nghiệp, giới thiệu đơn vị sản xuất công nghiệp hỗ trợ tham gia chuỗi cung ứng của doanh nghiệp sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh trong nước và doanh nghiệp FDI.

Vi Lâm

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/tieu-diem/202103/tiep-suc-cho-cong-nghiep-ho-tro-3048557/