Tiếp nối vai trò Chủ tịch ASEAN từ Việt Nam: Cơ hội và thách thức với Brunei

Chuyển giao chiếc ghế Chủ tịch ASEAN cho Brunei vào tháng 11/2020, Việt Nam đồng thời bàn giao chương trình nghị sự liên quan.

Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN không chính thức, ngày 2/3. (Ảnh: Tuấn Anh)

Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN không chính thức, ngày 2/3. (Ảnh: Tuấn Anh)

Tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN không chính thức diễn ra vào ngày 2/3 vừa qua theo hình thức trực tuyến, các vị bộ trưởng đã thảo luận về tiến trình thực hiện Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN năm 2025 cũng như đưa ra các cam kết ứng phó và phục hồi sau Covid-19.

An ninh khu vực và Covid-19 đan xen

Chương trình nghị sự đa dạng của Brunei liên quan đến việc cải thiện quan hệ đối ngoại của ASEAN cũng như giải quyết các vấn đề an ninh khu vực vốn đầy thách thức và phức tạp. Tình hình ở Myanmar là một vấn đề nhận được sự quan tâm từ các nước thành viên ASEAN. Tuyên bố của nước Chủ tịch tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN không chính thức nhấn mạnh rằng sự ổn định chính trị ở các quốc gia Đông Nam Á là rất quan trọng.

Trong tuyên bố, Ngoại trưởng Brunei Darussalam Dato Erywan Pehin Yusof, đại diện cho nước Chủ tịch ASEAN, đã đề cập vấn đề thống nhất, tập trung và duy trì ứng xử tập thể để giải quyết các thách thức an ninh chung. Ông Dato Erywan Pehin Yusof cũng nhắc lại các nguyên tắc đã được nhắc đến trong Hiến chương ASEAN.

Hậu Covid-19, người dân ASEAN đang mong đợi các chính phủ giải quyết thách thức thông qua ứng xử tập thể, đồng thời hiện thực hóa tất cả các sáng kiến đã được nêu trong Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 dưới sự chủ trì của Việt Nam. Rõ ràng, Kế hoạch phục hồi toàn diện ASEAN cần được đánh giá và phải được đưa vào triển khai một cách dài hơi.

Mặt khác, tại khu vực Đông Nam Á, việc kích hoạt các hành lang du lịch và tích hợp các nhóm ứng phó với các trường hợp khẩn cấp y tế trong khu vực rất quan trọng. Vấn đề dự trữ vật tư y tế trong ASEAN phục vụ cho các trường hợp khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng và tạo mối liên hệ giữa các chuyên gia y tế của các nước sẽ giúp giải quyết Covid-19 cũng như các đại dịch trong tương lai một cách tốt hơn.

Trong bối cảnh ASEAN đang đứng trước nhiều thách thức, tân Chủ tịch Brunei sẽ phải củng cố các cơ chế hiện có để thúc đẩy lòng tin và sự tự tin giữa các thành viên.

Bên cạnh đó, nhiều đối tác đối thoại cũng nêu bật vấn đề tự do hàng hải ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. ASEAN đã vạch ra tầm nhìn về khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và hợp lý hóa các kỳ vọng với các đối tác đối thoại.

Ngoài ra, diễn biến ở bán đảo Triều Tiên cũng là mối quan tâm của các nước ASEAN vì nhiều nước có liên kết thương mại chặt chẽ với Hàn Quốc.

Biến ý tưởng thành hành động

Trong năm 2020, dưới sự chủ trì của Việt Nam, ASEAN đã phần nào giải quyết những hậu quả do đại dịch Covid-19 gây ra, đồng thời kêu gọi Mỹ cung cấp viện trợ tài chính và vật chất cho các nước ASEAN.

Theo đó, Mỹ đã cam kết chi hơn 87 triệu USD hỗ trợ y tế và nhân đạo khẩn cấp cho các quốc gia thành viên ASEAN để chống lại đại dịch. Bên cạnh đó, Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) đã đưa ra các chương trình mới giúp ASEAN hiện đại hóa các viện công nghệ và kỹ thuật cũng như thúc đẩy khu vực trở thành một trung tâm công nghệ.

Trên thực tế, trong các cuộc họp ASEAN được tổ chức năm ngoái dưới sự chủ trì của Việt Nam, các quốc gia đều nhấn mạnh rằng, điều quan trọng là phải xây dựng sự đồng thuận về các văn kiện chung liên quan đến các trường hợp khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng, bao gồm cả các quyết định liên quan đến việc phát triển các cơ chế phối hợp về nghiên cứu y tế, cung cấp vaccine và thực hiện các biện pháp ứng phó Covid-19.

Một khía cạnh quan trọng sẽ đòi hỏi sức mạnh tập thể, đó là sự hỗ trợ thể chế giữa các quốc gia thành viên ASEAN liên quan đến các trường hợp khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng. (Nguồn: Jakartaglobe)

Bên cạnh đó, có ý kiến cho rằng cần có các cuộc thảo luận và đàm phán để tiến trình thực hiện Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN năm 2025 có thể được hoàn thành kịp thời. Một số vấn đề khác đã được nhấn mạnh và thảo luận trong các cuộc họp năm ngoái như kết nối kỹ thuật số, an ninh lương thực, năng lượng tái tạo, cải thiện sự ổn định tài chính và tiếp cận thị trường trong ASEAN sẽ được thảo luận lại trong các cuộc họp vào tháng 3 và tháng 4 tại Brunei.

Việc quân sự hóa ngày càng gia tăng ở Biển Đông trong bối cảnh cạnh tranh Mỹ-Trung đã buộc nhiều quốc gia có tranh chấp kêu gọi sự ủng hộ từ cộng đồng quốc tế. Trong năm 2020, Việt Nam đã thành công trong việc thu hút sự quan tâm của quốc tế đối với việc duy trì hòa bình và an ninh ở Biển Đông.

Kỳ vọng vào vai trò Chủ tịch hiện tại của Brunei sẽ rất cao với mục tiêu đang đặt ra trước mắt là hoàn thành Bộ quy tắc ứng xử (COC) ở Biển Đông trong một khung thời gian thỏa thuận.

Một khía cạnh quan trọng sẽ đòi hỏi sức mạnh tập thể, đó là sự hỗ trợ thể chế giữa các quốc gia thành viên ASEAN liên quan đến các trường hợp khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng. Lựa chọn loại vaccine ngừa Covid-19 hiệu quả nhất trong số nhiều loại vaccine sẽ là một nhiệm vụ gian nan khác.

Những chương trình nghị sự đã được lên kế hoạch từ năm ngoái cần được tiếp tục triển khai và xử lý cẩn thận để đạt được các mục tiêu xây dựng cộng đồng ASEAN, giải quyết các thách thức an ninh mà vẫn khéo léo trong quan hệ với các cường quốc. Tiếp nối những ý tưởng và đề xuất mới của Việt Nam, Brunei cần phải tiếp tục triển khai và hiện thực hóa những ý tưởng thành hành động trong năm nay.

(theo Modern Diplomacy)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/tiep-noi-vai-tro-chu-tich-asean-tu-viet-nam-co-hoi-va-thach-thuc-voi-brunei-138687.html