Tiếp nối truyền thống phong trào 'Ba đảm đang'

Là nơi khởi nguồn phong trào 'Ba đảm đang', thời gian qua, các phong trào thi đua của phụ nữ Hà Nội với cách làm hiệu quả, rõ mô hình, bám sát nguyện vọng của hội viên, đã thu hút đông đảo các tầng lớp phụ nữ tham gia, đi đầu trong các hoạt động thi đua của Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam.

Lãnh đạo thành phố trao Bằng khen tặng các tập thể và cá nhân điển hình tiên tiến phong trào “Ba đảm đang” phụ nữ Thủ đô thi đua làm theo lời Bác. Ảnh: NGỌC LINH

Lãnh đạo thành phố trao Bằng khen tặng các tập thể và cá nhân điển hình tiên tiến phong trào “Ba đảm đang” phụ nữ Thủ đô thi đua làm theo lời Bác. Ảnh: NGỌC LINH

Là nơi khởi nguồn phong trào “Ba đảm đang”, thời gian qua, các phong trào thi đua của phụ nữ Hà Nội với cách làm hiệu quả, rõ mô hình, bám sát nguyện vọng của hội viên, đã thu hút đông đảo các tầng lớp phụ nữ tham gia, đi đầu trong các hoạt động thi đua của Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam.

Ở vào tuổi 80, bà Nguyễn Thị Tằm, nguyên Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) xã Song Phượng, huyện Đan Phượng (Hà Nội) vẫn còn giữ trọn trong ký ức những kỷ niệm đẹp của một thời tuổi trẻ. 55 năm về trước, khi đang làm trưởng hội phụ nữ xã, bà đã cùng chị em trong ban chấp hành “đi từng ngõ, gõ từng nhà”, vận động chị em tham gia hội. Với tinh thần ba đảm nhiệm “đảm nhiệm sản xuất, đảm nhiệm gia đình, đảm nhiệm phục vụ chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu”, bà cùng các chị em gánh vác thêm phần việc của chồng con, anh em, làm hậu phương vững chắc. Phong trào “ba đảm nhiệm” do phụ nữ Đan Phượng phát động, qua bài viết “Quê hương người gái đảm” đăng trên Báo Nhân Dân đã được người dân cả nước biết đến và trở thành nơi khơi nguồn của phong trào “Ba đảm đang”.

Gìn giữ, kế thừa và phát huy truyền thống “Ba đảm đang”, Hội LHPN thành phố và các cấp hội thường xuyên quan tâm đổi mới nội dung và đa dạng hóa các hình thức thi đua. Trong giai đoạn 2015 - 2020, với phương châm thiết thực, sát với yêu cầu, nhiệm vụ trọng tâm của hội, nhiệm vụ chính trị của thành phố và nguyện vọng của hội viên, phụ nữ; rõ mô hình, rõ cách làm, rõ hiệu quả, các cấp hội đã thực hiện hiệu quả nhiều phong trào thi đua do Trung ương Hội và thành phố phát động. Bên cạnh việc duy trì, nâng cao chất lượng các phong trào, các cuộc vận động đã được triển khai trong nhiều năm qua như: phong trào thi đua “Phụ nữ Thủ đô tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình văn minh hạnh phúc”; phong trào “Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế”, Hội LHPN thành phố đã nghiên cứu phát động các phong trào, các cuộc vận động mới như Cuộc vận động “Phụ nữ Thủ đô ứng xử đẹp” gắn với việc thực hiện hai bộ Quy tắc ứng xử của Thủ đô Hà Nội, phong trào “Chống rác thải nhựa” gắn với phong trào bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; thi đua thực hiện an toàn thực phẩm, sáng tạo khởi nghiệp…

Đáng chú ý, phong trào “Phụ nữ Thủ đô tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình văn minh hạnh phúc” đã thật sự trở thành phong trào thi đua xuyên suốt, thu hút hơn 90% cán bộ hội viên và 80% nữ công nhân, viên chức Thủ đô đăng ký thực hiện, gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, rèn luyện phẩm chất đạo đức. Học tập và làm theo Bác trở thành phong trào thi đua sôi nổi, rộng khắp trong các cấp hội và mỗi cán bộ, hội viên phụ nữ, dần trở thành nền nếp, sự tự giác từ những công việc hằng ngày, tạo sự chuyển biến trong rèn luyện nếp sống, lối sống, nhất là việc thực hành tiết kiệm; sáng tạo trong lao động sản xuất, thay đổi tác phong, phương pháp công tác, phong cách làm việc khoa học, ứng xử văn hóa trong gia đình và cộng đồng. Nhiều mô hình làm theo Bác thiết thực, hiệu quả hướng vào việc chăm lo phụ nữ, trẻ em, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh đã được nhân rộng như: “Nuôi lợn nhựa tiết kiệm”, “Hũ gạo tình thương”, “Tuần lễ vàng tiết kiệm vì phụ nữ và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn”, “Nồi cháo từ thiện”, “Bách hóa yêu thương”, tặng thẻ bảo hiểm y tế, giúp tiết kiệm hơn 145 tỷ đồng.

Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội Lê Kim Anh cho biết: Quy mô và chất lượng phong trào thi đua của các cấp hội phụ nữ ngày càng đổi mới, phát triển mạnh mẽ, toàn diện. Bằng cách làm sáng tạo, hiệu quả, hướng đến những vấn đề thiết yếu trong đời sống, các phong trào nhận được sự đồng tình hưởng ứng của phụ nữ toàn thành phố, đóng góp tích cực vào việc thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội của Thủ đô, góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn, tham gia xây dựng, giữ gìn trật tự văn minh đô thị. Giai đoạn 2015 - 2020, đã có 17.854 hộ nghèo, cận nghèo, hoàn cảnh khó khăn được các cấp hội giúp thoát nghèo, nâng cao mức sống, có 792 phụ nữ được hỗ trợ kinh doanh, khởi nghiệp. Các cấp hội đã xây sửa 679 mái ấm tình thương, nhà tình nghĩa; giúp đỡ gần 700 trẻ em chậm tiến tiến bộ; vận động phụ nữ và gia đình hiến 9.200 m2 đất làm đường, xây dựng nông thôn mới. 884 chi hội phụ nữ thực hiện mô hình “Thay đổi hành vi trong an toàn vệ sinh thực phẩm”; đảm nhận 1.543 đoạn đường xanh, sạch, đẹp, nở hoa; 604 điểm sinh hoạt cộng đồng, nhà văn hóa xanh, sạch, đẹp, thân thiện; 366 điểm chân rác được cải tạo thành vườn hoa phụ nữ tự quản…

Các phong trào thi đua yêu nước, học tập làm theo tấm gương của Bác trong các cấp hội phụ nữ Thủ đô đã kế thừa xứng đáng truyền thống Ba đảm đang, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và đổi mới của Thủ đô và đất nước. Phát huy truyền thống 55 năm phong trào phụ nữ “Ba đảm đang”, thời gian tới, các cấp hội phụ nữ Thủ đô tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, thực hiện hiệu quả các nội dung “Thi đua lao động sản xuất và công tác tốt; Thi đua xây dựng gia đình 5 không - 3 sạch; Thi đua trong thực hiện văn hóa ứng xử”. Đồng thời tìm tòi, nghiên cứu các phong trào, các cuộc vận động, mô hình mới thiết thực, mang sắc thái riêng của phụ nữ Thủ đô, có tính lan tỏa, sát với chức năng của hội và nhiệm vụ chính trị của Thủ đô, phù hợp nguyện vọng, nhu cầu của đông đảo hội viên, chị em phụ nữ.

AN TRÂN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/hanoi/item/44946702-tiep-noi-truyen-thong-phong-trao-%E2%80%9Cba-dam-dang%E2%80%9D.html