Tiếp nối ngọn lửa Thanh xuân từ các thế hệ đi trước

Kỷ niệm 88 năm ngày thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh (26-3-1931 – 26-3-2019), 55 năm phong trào 'Ba sẵn sàng', Ban quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò đã giới thiệu trưng bày 'Lửa Thanh xuân', như một sự kết nối những cống hiến, hy sinh của các thế hệ đoàn viên thanh niên trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng, phát triển đất nước. Trưng bày khai mạc ngày 15-3 tại Khu di tích Nhà tù Hỏa Lò.

Nhiều thế hệ đoàn viên, thanh niên, nhân chứng lịch sử đến tham quan trưng bày tại lễ khai mạc.

Nhiều thế hệ đoàn viên, thanh niên, nhân chứng lịch sử đến tham quan trưng bày tại lễ khai mạc.

Trưng bày được chia làm ba phần: “Khúc ca tuổi trẻ”, “Ánh sao nơi tù ngục”, và “Niềm tin và khát vọng”, với màu sắc chủ đạo là màu xanh thanh niên. Các tư liệu, hình ảnh được trưng bày tiếp nối, tượng trưng cho sự kế thừa ngọn lửa thanh xuân từ các thế hệ cha anh cho thanh niên ngày nay.

NSƯT Hoàng Quân Tạo (bên trái), nguyên Giám đốc Nhà hát kịch Hà Nội, cựu Thanh niên xung phong, nguyên Bí thư Chi đoàn, Trưởng đoàn kịch Hà Nội, cựu tù chính trị Nhà tù Hỏa Lò giới thiệu giấy khen Ban Chấp hành Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam Thành phố Hà Nội tặng ông vào năm 1956.

Trưng bày giới thiệu một số hiện vật đặc biệt gắn liền với ký ức thanh xuân, quá trình hoạt động Đoàn của các nhân chứng lịch sử như Huy hiệu “Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam của ông Dương Tự Minh, cán bộ Thành đoàn Hà Nội đeo khi tham dự Đại hội đại biểu Toàn quốc của Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam tại Hà Nọi từ ngày 25-10 đếm 4-11-1956, giấy khen của BCH Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam TP Hà Nội tặng đồng chí Hoàng Quân Tạo, đại biểu thanh niên khu 2, quận III, năm 1956, thư của bà Nguyễn Thị Hoan (mẹ nuôi của đồng chí Nguyễn Hoàng Tôn) gửi đồng chí Nguyễn Trung Mai, Giám đốc Sở Công nghiệpm Trưởng Ban vận động HTX tiểu thủ công để tìm hiểu thêm về cuộc đời hoạt động của đồng chí Nguyễn Hoàng Tôn năm 1961, khăn mùi xoa của đồng chí Phạm Hướng gửi lại gia đình trước khi chuyển từ Nhà tù Hỏa Lò ra Nhà tù Côn Đỏa năm 1950, thư của đồng chí Đặng Thái Lập (Đặng Hồng Sơn) gửi gia đình từ chiến trường miền nam năm 1965, bằng khen của BCH Đoàn Thanh niên Lao động Hồ Chí Minh tặng đồng chí Nguyễn Tài Triệu, Bí thư Chi đoàn Nhà lao Phú Quốc năm 1977, thư của ông Thomas Eugene Wilber (con trai đại tá hải quân Walter Eugene Wilber bị giam tại Trại giam Hỏa Lò năm 1968-1973 gửi đồng chí Tống Trần Hội, cựu tù binh Trại giam Phú Quốc năm 2018.

Nhiều tư liệu, hiện vật gắn với những người lính, những anh hùng trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ tại triển lãm.

Điểm đặc biệt nhất là những câu chuyện cảm động cùng ảnh tư liệu về các đoàn viên thanh niên đã đốt lên ngọn lửa tinh thần rực sáng trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc tại phần trưng bày “Ánh sao nơi tù ngục”. Người xem có thể tìm thấy những câu chuyện về sự hy sinh vĩ đại của những người trẻ năm xưa, những anh hùng đem lại độc lập tự do cho đất nước, như Anh hùng Liệt sĩ Võ Thị Sáu, Lý Tự Trọng, Trần Thị Lý, Đặng Hồng Sơn, Phạm Hướng, Anh hùng Lực lượng vũ trang Châu Văn Mẫn…

Câu chuyện của nữ anh hùng Võ Thị Sáu: “Ba ngày bị tra tấn ở bót Đất Đỏ, không moi được lời khai nào của Sáu, chúng giải chị về khám Bà Rịa tiếp tục khai thác. Quần áo Sáu rách bươm, mình đầy thương tích. Tháng 4-1950, chúng chuyển Sáu về khám Chí Hòa (Sài Gòn), giam ở khám 8 cùng các chị Năm Cầm, chị Hồng, chị Trầm… Các chị rất thương, chia sẻ cho Sáu tấm áo manh quần, chia cho từng chút đồ ăn được tiếp tế…”

Chị Trần Thị Lý, người cán bộ đoàn của huyện Điện Bàn (Quảng Nam), ba lần bị địch bắt, tra tấn dã man tại nhiều nhà lao. Chị được giải cứu và đưa vào bệnh viện Việt Xô năm 1958. Hồ sơ bệnh án của chị ghi: “Trần Thị Lý, 25 tuổi, quê miền nam. Tình trạng bệnh: Suy kiệt, luôn lên cơn co giật, có 42 vết thương trên người liên tục rỉ máu… Trước đó, chị từng bị xuyên móc sắt vào bàn chân và treo ngược trên xà nhà, bị dùng dao cắt từng miếng thịt trên đùi, cánh tay và ngực.

Câu chuyện của người cựu tù trại giam Hố Nai (Biên Hòa) Tống Trần Hội: “Năm 1968, tôi bị địch bắt. Không khai thác được thông tin, chúng cắt hết gân cơ từ đầu gối xuống mắt cá chân, để lại vết thương trên cơ thể sâu hoắm. Không dừng lại ở đó, chúng còn tháo xương mác ở hai chân… Hơn nửa thế kỷ qua, tôi chỉ đi bằng xương chày, kéo lết trên đường…”

Trung tướng, Anh hùng lực lượng vũ trang Châu Văn Mẫn kể lại: “Hưởng ứng phong trào làm báo, phòng 9, trại 6B ra tạp chí đầu tiên mang tên “Xây dựng”. Tôi được các đồng chí trưng dụng viết bài. Đó là tạp chí thấm đẫm máu, mồ hôi, nước mắt, được anh em đón nhận nhiệt tình. Giấy viết được làm từ hộp các tông của bệnh xá ngâm nước lạnh, rã ra thành nhiều tờ, mực được làm từ glycerin nấu với than pin giã nhuyễn …”

Ngọn lửa thanh xuân ấy được tiếp nối bằng những câu chuyện của các nữ anh hùng liệt sĩ Ngã ba Đồng Lộc, của nữ pháo thủ Phạm Thị Viễn sau khi chôn cất cha bị bom B52 sát hại đã tiếp tục ra trận địa pháo trực chiến, của phong trào học sinh sinh viên đấu tranh ở Sài Gòn, của sinh viên Nguyễn Thái Bình tố cáo tội ác chiến tranh Việt Nam ở Viện Đại học Washington năm 1972… Đó là bài ca vệ quốc của các thế hệ thanh niên Việt Nam qua các cuộc kháng chiến, những học sinh, sinh viên “xếp bút nghiên lên đường chiến đấu”, hậu phương sát cánh bên tiền tuyến... trong trưng bày “Khúc ca tuổi trẻ”.

Và ngày nay, ngọn lửa thanh xuân vẫn được các thế hệ tiếp nối gìn giữ, thắp sáng bằng các phong trào Thanh niên tình nguyện, Thanh niên lập nghiệp, Tuổi trẻ giữ nước… với màu áo xanh tuổi trẻ ở khắp mọi miền đất nước, qua các hình ảnh và thông tin trong phần trưng bày “Niềm tin và khát vọng”.

TUYẾT LOAN. Ảnh: THỦY NGUYÊN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/vanhoa/dong-chay/item/39515702-tiep-noi-ngon-lua-thanh-xuan-tu-cac-the-he-di-truoc.html