Tiếp nối ngọn lửa đam mê truyền thông pháp luật

Chỉ ít ngày trước khi Báo PLVN kỷ niệm 34 năm ngày ra số báo đầu tiên (10/7/1985 – 10/7/2019), có một sự kiện của ngành Tư pháp trùng hợp diễn ra, khiến những người làm báo PLVN vững tin nhìn lại con đường mình đã đi, hồ hởi bước tiếp trên con đường đang tới.

Báo PLVN “chở luật” đến với đồng bào miền Tây Quảng Trị thông qua trao tặng sách, báo trong Chương trình Chung tay xóa nghèo pháp luật

Báo PLVN “chở luật” đến với đồng bào miền Tây Quảng Trị thông qua trao tặng sách, báo trong Chương trình Chung tay xóa nghèo pháp luật

Đó là Hội thảo khoa học cấp quốc gia “Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và những vấn đề pháp lý đặt ra cho việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam” do Bộ Tư pháp tổ chức, chủ trì. Tại diễn đàn bàn cách xây dựng môi trường chính sách, pháp luật phù hợp với thời cuộc mới, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có bài phát biểu.

Nghe chủ đề cuộc hội thảo, tưởng như là liên quan những máy móc công nghệ hay trí thông minh nhân tạo khó hiểu mông lung, nhưng hóa ra Thủ tướng đã đặt mục tiêu rất dung dị, dễ hiểu: “Cần nhận diện chính xác những vấn đề pháp lý phát sinh để kịp thời điều chỉnh các mối quan hệ xã hội thực tế hàng ngày đang diễn biến nhanh chóng, phức tạp, thay đổi không ngừng… Pháp luật phải luôn bắt kịp và đồng điệu với nhịp đập ngày càng nhanh của nền kinh tế, đáp ứng yêu cầu phát triển của người dân, doanh nghiệp”.

Ý kiến gợi mở Thủ tướng đặt ra với ngành Tư pháp, trong đó Báo PLVN là một bộ phận cấu thành, đã “đánh trúng” những trăn trở bấy lâu nay của những người làm báo PLVN, như mang đến một niềm vui, một sự ghi nhận động viên đúng dịp sinh nhật Báo.

Nhìn lại quãng đường đã qua là một thành viên trong ngôi nhà ngành Tư pháp, 34 năm trước, khi đất nước còn khó khăn bủa vây, khi có người dân còn chịu cảnh suốt đời sai tên vì cán bộ hộ tịch viết sai chính tả, PLVN mới chỉ là một tờ tuần báo với tòa soạn nhân sự vỏn vẹn chưa đến 10 người.

Và 34 năm sau, khi đất nước tiến vào cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, khi ngành Tư pháp đã chuẩn hóa trình độ Đại học đến cán bộ cấp xã, khi ngành Tư pháp đã dự liệu đến những vấn đề pháp lý xuyên biên giới, PLVN cũng đã lớn mạnh với đội ngũ nhân sự hơn 200 người, với 10 văn phòng đại diện khắp các vùng miền đất nước, với nhiều ấn phẩm từ báo giấy, báo điện tử, truyền hình, tin tức cập nhật từng phút, từng giờ…

Với sự chuẩn bị và tầm nhìn như vậy, nên trước định hướng mà Thủ tướng đặt ra, với PLVN, niềm vui lớn hơn nỗi e ngại thách thức.

Niềm vui, vì ý kiến gợi mở của Thủ tướng cho thấy người đứng đầu Chính phủ đã bắt đúng nhịp cuộc sống, bắt đúng nhịp dòng chảy báo chí bấy lâu nay. PLVN trong thời cuộc mới đã không chỉ làm tốt những nhiệm vụ truyền thống là chuyển tải đầy đủ chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; hoạt động của Bộ, ngành Tư pháp…

Để có sức sống mới, phù hợp tôn chỉ mục đích tờ báo ngành pháp luật, PLVN với tiêu chí “thượng tôn pháp luật”, là tờ báo luôn dấn thân trong những đề tài chống vi phạm pháp luật; luôn trăn trở, tìm kiếm, phản ánh những vấn đề pháp lý mới phát sinh trong cuộc sống, đặc biệt những vấn đề pháp lý thương mại; là địa chỉ tư vấn giải đáp tin cậy khi bạn đọc gặp các vướng mắc pháp luật; là cầu nối truyền thông giữa các doanh nhân doanh nghiệp với người tiêu dùng, thị trường, cơ quan chức năng…

Niềm vui, vì nhìn lại con đường đã và đang đi, PLVN tự hào nhận thấy đã ít nhiều “bắt kịp và đồng điệu với nhịp đập ngày càng nhanh của nền kinh tế, đáp ứng yêu cầu phát triển của người dân, doanh nghiệp” với nhiều chương trình, hoạt động cụ thể.

Với quan điểm một trong những sức mạnh của báo chí là truyền thông, nhân rộng những điều tốt đẹp thiện lương, PLVN thường xuyên tổ chức những cuộc thi, chương trình vinh danh “Hãng luật và Luật sư tiêu biểu”, “Doanh nghiệp, doanh nhân thượng tôn pháp luật – Phát triển bền vững”… để những tấm gương điển hình có sức lan tỏa tốt đẹp trong xã hội. Luôn nghe theo tiếng gọi đạo lý “bầu ơi thương lấy bí cùng”, “uống nước nhớ nguồn”, PLVN thường xuyên tổ chức các chương trình “Chung tay xóa nghèo pháp luật”, các chương trình từ thiện, các chương trình tri ân… động viên, chia sẻ, giúp đỡ những hộ gia đình có công, những mảnh đời bất hạnh, những đơn vị cá nhân gặp khó khăn ở vùng sâu, vùng xa…

Trên mỗi chặng đường phát triển, những người làm Báo PLVN luôn có “ngọn lửa đam mê truyền thông pháp luật” trong mọi hoạt động nghiệp vụ và hoạt động xã hội

Phía sau sự thành công nào cũng có những khó khăn, nhọc nhằn đã phải quyết tâm vượt qua, có những suy tư phải đổi mới chuyển mình ra sao để bắt nhịp sự vươn mình không ngừng của đất nước.

Từ chỗ chỉ là một tờ tuần báo “Pháp luật thường thức” với vài nhân sự thành lập năm 1985, rồi chính thức thực hiện cơ chế tự chủ từ năm 1989, đến nhật báo với nhiều ấn phẩm báo in, báo điện tử, báo hình… dám cạnh tranh sòng phẳng trong thời đại bùng nổ của mạng xã hội, internet; những thăng trầm gian lao đã trải qua chắc chắn không phải là ít.

“Bí quyết” thành công của PLVN, trước tiên là luôn luôn làm tốt nhiệm vụ truyền thông pháp luật, đúng tôn chỉ mục đích, đúng mục tiêu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Không chỉ là nhiệm vụ, đó là một niềm đam mê. PLVN tự hào vì những sự cố gắng đóng góp không ngừng, những thành công đó đã được Nhà nước, Bộ ngành Tư pháp, bạn đọc ghi nhận.

Năm 2015, phát biểu trong dịp PLVN được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường đã ghi nhận: “30 năm xây dựng và trưởng thành của Báo PLVN là một chặng đường đầy khó khăn, thách thức với việc hiện thực hóa tư tưởng Hồ Chí Minh về việc đưa nền pháp luật, tư pháp đến gần dân hơn; và cũng là một bộ phận không tách rời của quá trình đầy trăn trở để khẳng định và thực hiện đường lối Đổi mới toàn diện đất nước, hình thành và phát triển kinh tế thị trường gắn với xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, bảo vệ quyền con người, quyền công dân”.

Sinh nhật lần thứ 34, nhiều niềm vui, nhưng PLVN cũng ý thức được những thách thức đang và sẽ phải vượt qua. Thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0, báo chí cũng phải thay đổi. Những phẩm chất truyền thống của báo chí vẫn bất biến: Chính xác – nhanh – nhân văn – có ích. Tuy nhiên làm báo thời 4.0, phải rèn luyện sao để những phẩm chất đó phải đẩy lên một tầm cao mới: Chính xác hơn – nhanh hơn – nhân văn hơn – có ích hơn.

Bản lĩnh người làm báo thời 4.0 còn phải là kiến thức rộng hơn, nghiệp vụ giỏi hơn, kỹ năng tốt hơn, nhận diện chính xác vấn đề hơn. Với các tòa soạn nói chung và với PLVN nói riêng, bản lĩnh tờ báo thời 4.0 không chỉ là làm tốt vai trò định hướng dư luận, cung cấp thông tin đúng tôn chỉ mục đích cho bạn đọc, mà còn phải tròn vai làm tốt công tác kinh tế báo chí, hoạt động xã hội - thiện nguyện…

34 tuổi, với đời người, đó là độ tuổi không còn trẻ. Nhưng với tờ báo 34 tuổi trong thời đại 4.0, thời đại công nghệ mới thay đổi cách làm báo truyền thống, thì tờ báo có thể vẫn còn rất trẻ, tràn đầy sức sáng tạo, tràn đầy năng lượng, tràn đầy bản lĩnh.

Trong niềm vui ngày sinh nhật, PLVN cũng luôn tâm niệm những niềm biết ơn, vì để có được niềm tự hào lớn mạnh như ngày hôm nay, có sự chỉ đạo giúp đỡ, quan tâm của các cơ quan Trung ương, của Bộ Tư pháp; sự đóng góp của các thế hệ cán bộ phóng viên qua các thời kỳ; sự động viên góp ý của các báo bạn; sự đồng hành của các doanh nghiệp, doanh nhân; và đặc biệt là sự tin yêu ủng hộ của bạn đọc.

Ts. Đào Văn Hội - Tổng Biên tập Báo Pháp luật Việt Nam

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/trong-nuoc/tiep-noi-ngon-lua-dam-me-truyen-thong-phap-luat-460822.html