Tiếp nối, làm mới đề tài chiến tranh cách mạng và lực lượng vũ trang

Khi thế hệ nhà văn thời kháng chiến chống Pháp dần 'khuất bóng' trên văn đàn, thế hệ nhà văn thời kháng chiến chống Mỹ giờ vui thú 'điền viên' tuổi già sau những năm tháng cống hiến, thế hệ nhà văn thời chiến tranh biên giới phía Bắc và Tây Nam cũng đang dần dần lui về phía sau cánh gà của nền văn học nước nhà, đã có những ý kiến lo lắng về sự 'đứt gãy' của đề tài chiến tranh cách mạng và lực lượng vũ trang (CTCM&LLVT).

Liệu những cây bút sinh ra trong thời bình có còn quan tâm, chú trọng đến đề tài CTCM&LLVT vốn vừa khó viết, vừa khó đem lại cho tác giả sự nổi tiếng và thu nhập khá, điều mà các dòng văn học thị trường thời thượng đang làm rất tốt ở thời điểm này?

Những lo lắng, quan ngại là có cơ sở. Tuy nhiên nhìn vào thực tế sáng tác hiện nay, chúng ta thấy an tâm, tin tưởng và có thể tự tin khẳng định rằng CTCM&LLVT vẫn là một đề tài có sức hấp dẫn lớn, thu hút sự quan tâm của nhiều cây bút sinh ra trong thời bình. Nhiều cây bút thế hệ 7X-9X như: Nguyễn Đình Tú, Đỗ Bích Thúy, Đỗ Tiến Thụy, Nguyễn Thế Hùng, Nguyễn Mạnh Hùng, Phùng Văn Khai, Phùng Kim Trọng, Thôn Trung Phương, Đoàn Văn Mật, Lý Hữu Lương, Uông Triều, Phạm Vân Anh, Phạm Văn Đảng, Trần Đức Tĩnh, Nguyễn Minh Cường, Huỳnh Trọng Khang, Minh Moon… đã có những sáng tác về đề tài này.

 Tạp chí Văn nghệ Quân đội trao giải cuộc thi truyện ngắn "Lửa mới" (2018-2019), trong đó có nhiều tác giả trẻ đoạt giải.Ảnh: THÀNH DUY.

Tạp chí Văn nghệ Quân đội trao giải cuộc thi truyện ngắn "Lửa mới" (2018-2019), trong đó có nhiều tác giả trẻ đoạt giải.Ảnh: THÀNH DUY.

Về văn xuôi, những tập bút ký: Mùa tân binh của Uông Triều, Những giấc mơ biên thùy của Ngô Tiến Mạnh, Hành trình của dấu giày của Hoàng Thị Trúc Ly… các tập truyện ngắn: Chuyện lính của Nguyễn Đình Tú, Khúc dạo đầu của binh nhì của Phùng Văn Khai-Phùng Kim Trọng... phản ánh một cách toàn diện hình ảnh người chiến sĩ thời bình ở các đơn vị toàn quân trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, rèn luyện, học tập, sinh hoạt và đời sống tình cảm. Về tiểu thuyết, bên cạnh việc viết về những đề tài quen thuộc như kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ (Cánh chim kiêu hãnh của Đỗ Bích Thúy, Con chim joong bay từ A đến Z của Đỗ Tiến Thụy, Bên dòng sầu diện của Nguyễn Đình Tú, Họ vẫn chưa về của Nguyễn Thế Hùng, Những vọng âm nằm ngủ của Huỳnh Trọng Khang...), các nhà văn thế hệ 7X-9X còn dấn thân vào những đề tài khó như chiến tranh biên giới Tây Nam (Hoang tâm của Nguyễn Đình Tú, Hạt hòa bình của Minh Moon), cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc (Xác phàm của Nguyễn Đình Tú…). Do sinh ra trong thời bình, không trải nghiệm chiến tranh từ góc độ người trong cuộc, các cây bút thế hệ 7X-9X đã tìm cho mình những lối đi riêng khi viết về đề tài này. Tác phẩm của họ không còn những trường đoạn miêu tả trực tiếp chiến trường khói lửa súng đạn, không xây dựng cốt truyện, nhân vật theo những công thức đơn giản một chiều mà hướng đến những chiêm nghiệm, suy nghĩ, nhận thức mới về cuộc chiến tranh từ góc nhìn của người ở xa, ở ngoài cuộc chiến.

Những sáng tác của các nhà văn thế hệ 7X-9X một mặt tiếp nối truyền thống, khẳng định tính chính nghĩa; ngợi ca quân đội và nhân dân anh hùng trong các cuộc chiến tranh, một mặt thể hiện, phản ánh những nỗ lực đổi mới, cách tân trên phương diện thi pháp thể loại. Cũng với chủ đề CTCM&LLVT, nhưng các nhà văn thế hệ 7X-9X lại có hướng tiếp cận “cởi mở” hơn so với các nhà văn thế hệ trước. Bên cạnh đề tài chính, họ còn lồng ghép những chủ đề, đề tài khác vào tác phẩm. Xác phàm ngoài khắc họa cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc còn có những trang viết về đề tài giới tính. Hoang tâm ngoài đề tài về chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam còn viết về những chuyến phiêu lưu thám hiểm kỳ thú. Con chim joong bay từ A đến Z vừa tái hiện cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc vừa phản ánh sự tha hóa, tham nhũng, biến chất của một số quan chức trong thời bình.... Sự xuất hiện của những đề tài vừa mang tính thời sự-xã hội, vừa có tính giải trí này tạo cho tiểu thuyết về đề tài CTCM&LLVT của các nhà văn thế hệ 7X-9X sự tươi mới, hấp dẫn, thu hút sự quan tâm, chú ý của nhiều tầng lớp bạn đọc, nhất là các bạn đọc trẻ tuổi.

Song song với sự lồng ghép về đề tài là những thay đổi trong phương thức miêu tả. Những cấu trúc đồng hiện, giấc mơ… xuất hiện trong nhiều tác phẩm. Ngoài bút pháp hiện thực, bút pháp dòng ý thức, độc thoại nội tâm và đặc biệt là cái kỳ ảo được sử dụng nhiều trong miêu tả. Cái kỳ ảo tái hiện những không gian-thời gian chiến tranh, những chi tiết, biến cố, hành động, tâm trạng, tính cách của nhân vật. Những yếu tố trên đã làm nên sự khác biệt căn bản nhất giữa tiểu thuyết viết về chiến tranh và người lính của các cây bút thế hệ 7X-9X với tiểu thuyết cùng đề tài của các thế hệ nhà văn tiền bối.

Nếu như ở văn xuôi, các tiểu thuyết bám sát các cuộc chiến tranh trong lịch sử dân tộc thì với thơ, trường ca, các tác giả lại thiên về đề tài người lính hôm nay và biển đảo quê hương. Nữ thi sĩ Viễn Hải dành trọn tâm tình của mình cho các chiến sĩ hải quân qua tập thơ Ngược sóng. Trường ca Sóng trầm biển dựng của Đoàn Văn Mật, Nước non mặt biển của Nguyễn Quang Hưng lấy cảm hứng từ hình ảnh người chiến sĩ hải quân đang ngày đêm canh giữ quần đảo Trường Sa thiêng liêng của Tổ quốc. Với lối viết giàu cảm xúc, kỹ lưỡng, đậm chất suy tưởng và chiêm nghiệm, hai tác giả đã dựng nên vẻ đẹp ngàn đời của biển Việt Nam, tái hiện lịch sử khai phá, bám đảo, giữ đảo hào hùng và đau thương của cha ông ta ngày trước, những người lính hải quân hôm nay. Sa mộc của Phạm Vân Anh là bản nhạc hào hùng ngợi ca những người lính mang quân hàm xanh đang ngày đêm canh giữ phên giậu Tổ quốc. Tập trường ca là sự hòa quyện giữa chất liệu văn học dân gian trữ tình của đồng bào các dân tộc thiểu số từ Bắc vào Nam với giọng điệu hào sảng, phóng khoáng như tâm hồn của người lính biên cương. Trường ca Bình nguyên đỏ của Lý Hữu Lương tái hiện cuộc chiến đấu của những người lính tình nguyện Việt Nam đoàn kết cùng bộ đội Pathet Lào trong cuộc chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược. Xuyên suốt tập trường ca là những câu thơ ca ngợi tình đồng chí hai nước Việt-Lào, tình cảm của những người lính xa quê đã chiến đấu, hy sinh và phải nằm lại cánh đồng Chum bên nước bạn, là những day dứt khôn nguôi giữa người ra đi và người ở lại. Tác phẩm sử dụng nhiều thi ảnh lạ, đây đó xuất hiện những câu thơ tài hoa.

Với tình yêu và sự nỗ lực trong sáng tác, các tác phẩm về đề tài CTCM&LLVT của các cây bút thế hệ 7X-9X được bạn đọc đánh giá cao, đoạt những giải thưởng văn học có uy tín, như: Giải thưởng Văn học, nghệ thuật 5 năm của Bộ Quốc phòng, Giải thưởng sách hay Tủ sách tuổi 20… Đây là những tín hiệu vui để chúng ta thêm tin tưởng và hy vọng vào những tác phẩm mới về đề tài này của đội ngũ sáng tác trẻ trong tương lai.

Tiến sĩ ĐOÀN MINH TÂM

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/van-hoc-nghe-thuat/tiep-noi-lam-moi-de-tai-chien-tranh-cach-mang-va-luc-luong-vu-trang-616293