Tiếp nối hành trình yêu thương

Những chuyến xe tải chất đầy lương thực - thực phẩm xuất phát từ trụ sở Báo Người Lao Động đưa đến tận nơi chăm sóc trẻ bơ vơ; người già yếu, bệnh tật; người khuyết tật..., do họ không thể trực tiếp đến với ATM thực phẩm miễn phí

Sau khi được đo thân nhiệt bởi bảo vệ Trung tâm Bảo trợ trẻ tàn tật mồ côi Thị Nghè (TP HCM), chúng tôi được một cậu bé hơn 10 tuổi hướng dẫn rửa tay. Gặp vấn đề về ngôn ngữ và tư duy, cậu bé chỉ cười, chỉ vào chai xà bông, bồn rửa và làm dấu hiệu để chúng tôi làm theo. Cậu bé là một trong những đứa trẻ "khỏe" nhất của trung tâm. Cuộc gặp gỡ tình cờ là nhờ xe lương thực - thực phẩm của Báo Người Lao Động đến ngay giờ ra chơi của các cháu.

Mùa dịch đầy vất vả

Đã nhiều lần tiếp xúc với trẻ bại não, chậm phát triển tâm thần và được một số bác sĩ trong lĩnh vực dạy giao tiếp với các em, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện ngắn với vài bé. Hỏi ai dạy các con chơi xong rửa tay, một cậu bé chỉ cô bảo mẫu đứng phía xa. Thấy khách trò chuyện với bạn, 2-3 bé khác mon men đến gần, bé thì rủ chúng tôi cùng chơi xích đu, bé khác bằng cử chỉ, hỏi chúng tôi rửa tay chưa rồi làm mẫu động tác rửa tay…

Dạy những đứa trẻ mồ côi, bị bỏ rơi ở đây các thao tác phòng dịch cơ bản, với những người chăm sóc là một kỳ công. Làm sao để bảo vệ các em, những đứa trẻ mang bệnh bẩm sinh, yếu đuối là một vấn đề lớn.

"Đây là những bé "khỏe" nhất của chúng tôi. Trung tâm có tổng cộng 320 em thì hơn 2/3 phải nằm một chỗ, được chăm sóc toàn diện từ chuyện ăn uống, vệ sinh. Các bé "khỏe" hơn này tuy có thể dạy làm được một số thao tác cơ bản nhưng việc ăn uống, vệ sinh vẫn phải hỗ trợ ở nhiều mức độ. Các em không chỉ mồ côi, bị bỏ rơi mà còn có bệnh: bại não, bại liệt, chậm phát triển tâm thần…" - bà Nguyễn Thị Kim Thúy, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo trợ trẻ tàn tật mồ côi Thị Nghè, cho biết.

Vận chuyển gạo và thực phẩm vào kho của Trung tâm Bảo trợ trẻ tàn tật mồ côi Thị Nghè Ảnh: TẤN THẠNH

Vận chuyển gạo và thực phẩm vào kho của Trung tâm Bảo trợ trẻ tàn tật mồ côi Thị Nghè Ảnh: TẤN THẠNH

Trong đại dịch Covid-19, để bảo vệ các em, toàn bộ nhân viên trung tâm đều được yêu cầu không nghỉ phép, đi tỉnh trừ những trường hợp đặc biệt cấp thiết; đồng thời phải khai báo lịch sử đi lại thật chi tiết. Trung tâm cũng phải vệ sinh toàn bộ không gian sinh hoạt của các em hằng ngày, mời y tế phường xịt khử khuẩn 3 lần/tuần.

Tại Văn phòng của Trung tâm Điều dưỡng Tâm thần Tân Định (trụ sở chính tại Tân Uyên, Bình Dương; nơi đang chăm sóc gần 1.300 người tâm thần nghèo, cơ nhỡ), Báo Người Lao Động đã trao tặng 500 kg gạo và một số thực phẩm. Đại diện lãnh đạo trung tâm cho biết vì nguyên tắc phòng dịch Covid-19, hạn chế số người ra vào khu vực bệnh nhân nên không thể tiếp đoàn tại trụ sở chính. Chúng tôi hiểu với một cơ sở y tế thông thường, phòng dịch bệnh Covid-19 đã là vấn đề tốn kém và không dễ dàng. Trong khi đó, nơi đây chăm sóc nhiều người có vấn đề về tinh thần, thậm chí không kiểm soát được hành vi, điều đó lại càng đòi hỏi nỗ lực lớn.

San sẻ lúc khó khăn

Khi thực hiện ATM thực phẩm miễn phí, Báo Người Lao Động không ít lần nhận được tâm sự của các nhà hảo tâm, tình nguyện viên: "Nếu người quá già yếu, có bệnh, trẻ mồ côi… không có điều kiện đến nhận thực phẩm thì sao?". Đây cũng là lý do Báo Người Lao Động đã tổ chức nhiều chuyến hàng "tiếp lửa" cho các Ủy ban MTTQ quận, huyện; các ATM ở các địa phương khác để nhiều người nghèo được thụ hưởng.

Tiếp thêm một bước trong hành trình chung tay với cộng đồng giúp những người gặp khó khăn trong đại dịch, Báo Người Lao Động thực hiện "Hậu ATM - Trao quà trực tiếp đến cơ sở bảo trợ xã hội, nhà mở, hộ gia đình gặp khó khăn do dịch Covid-19". Trung tâm Bảo trợ trẻ tàn tật mồ côi Thị Nghè và Trung tâm Điều dưỡng Tâm thần Tân Định là 2 địa điểm đầu tiên trong chuỗi 6 mái ấm, trung tâm bảo trợ mà các chuyến xe tải chở gạo, mì, xúc xích, dầu ăn, nước tương, hạt nêm, nước trái cây... sẽ tiếp cận trong tuần lễ này.

Cảm ơn phần quà của Báo Người Lao Động (500 kg gạo cùng hàng chục thùng mì và thực phẩm các loại), Phó Giám đốc Trung tâm Bảo trợ trẻ tàn tật mồ côi Thị Nghè cho biết xe lương thực - thực phẩm này là những gì mà trung tâm đang cần trong tình hình hiện nay. Kinh tế khó khăn do Covid-19 khiến rất ít nhà hảo tâm đến với cơ sở, trong khi các bé ở đây lại rất cần được ăn đủ dinh dưỡng. Món quà này còn là nguồn động viên tinh thần lớn.

Tiếp tục sứ mệnh

Dù 3 cây "ATM thực phẩm miễn phí" của Báo Người Lao Động đã dừng hoạt động nhưng nhiều đơn vị, nhà hảo tâm vẫn muốn được tiếp tục đóng góp bởi còn rất nhiều người khó khăn cần được giúp đỡ, cần bữa ăn no và sự quan tâm để cùng vượt qua đại dịch.

Theo ông Nguyễn Thanh Tùng, Trưởng Ban Truyền thông của Báo Người Lao Động, những chuyến xe lượng thực - thực phẩm sẽ tiếp tục tìm đến Trung tâm Nuôi dưỡng - Bảo trợ người bại liệt Thạnh Lộc (quận 12, TP HCM), chùa Kỳ Quang 2 (quận Gò Vấp, TP HCM, nơi nuôi dưỡng 246 trẻ khuyết tật, mồ côi, bị bỏ rơi); Trung tâm Nuôi trẻ mồ côi - Mái ấm Phúc Lâm (Long Thành, Đồng Nai); Trung tâm Nuôi dạy trẻ khuyết tật tỉnh Đồng Nai... trong tuần này.

ANH THƯ

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/ban-doc/tiep-noi-hanh-trinh-yeu-thuong-20200512210816601.htm