Tiếp nối con đường cách mạng

Nhân dịp kỷ niệm 45 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, chiều 27-4, đồng chí Trần Lưu Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM; đồng chí Võ Thị Dung, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM, đã đến thăm các Bà mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Cang, Nguyễn Thị Ngọc Mãnh, gia đình cố luật sư Nguyễn Hữu Thọ, gia đình cố GS Lý Chánh Trung, cùng một số tướng lĩnh từng tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Hạnh phúc nào hơn ngày hòa bình…

“À, con biết quê má nè. Ở Phổ Vinh, Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi, là vùng ven biển đúng không má? Bao lâu rồi má chưa về quê?”. Lời thăm hỏi thân tình của đồng chí Trần Lưu Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM, khi tới thăm khiến Bà mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Cang (92 tuổi) bồi hồi.

Phó Bí Thư Thường trực Thành ủy TPHCM Trần Lưu Quang thăm hỏi Bà mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Cang. Ảnh: Việt Dũng

Phó Bí Thư Thường trực Thành ủy TPHCM Trần Lưu Quang thăm hỏi Bà mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Cang. Ảnh: Việt Dũng

Những năm 1968-1969, mẹ Nguyễn Thị Cang ôm đứa con chưa dứt sữa, dắt díu thêm 3 đứa con nhỏ nữa xuôi Nam tìm chồng đang chiến đấu. Quê nhà sau lưng, nơi chính quyền Sài Gòn gọi là Vùng 1 chiến thuật, nhà nào có người tập kết như cha bà thì địch tới đốt nhà, đánh đập, bắn giết dã man, nhẹ thì cho đi “học tập”. Dân làng phải ra gò, vào núi mà ở. Con trai lớn đã sớm vào Nam chiến đấu, con trai thứ hai vào du kích địa phương. Hai đứa con gái thì bom vùi thiệt mạng. Vào tới Sài Gòn, chồng bị chính quyền Sài Gòn truy nã gắt gao nên phải lánh ra biển theo tàu đánh cá. Bà một mình lay lắt mưu sinh. Được vài năm, bà nghe tin từ quê nhắn vào là thằng Ba (Nguyễn Hạn) đã hy sinh trong một trận chống càn. Tháng 4-1975, hòa bình lập lại, chồng bà trở về, lần mò những nơi hoạt động cũ tìm kiếm mãi mới hay thằng Hai (Nguyễn Giới) cũng đã hy sinh từ năm 1968 trong một trận công đồn.

Năm 2014, bà được phong tặng Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Năm 2018, thấy gia đình mẹ còn khó khăn về nhà ở, quận 3 đã dành một phần đất nhỏ trên đường Hoàng Sa để xây tặng mẹ căn nhà tình nghĩa. Trong căn nhà nhỏ, sát chỗ mẹ nằm dưới trệt là chiếc tủ thờ có hình 2 liệt sĩ trẻ măng. Mẹ bảo căn nhà nhỏ mà ấm. Cứ sáng sáng, mẹ đi bộ trước nhà ngắm dòng kênh xanh và người qua lại. “Từ đời nào tới giờ, bây giờ là số một. Sống qua thời chiến tranh mới hiểu rõ khi hòa bình hạnh phúc sung sướng như thế nào”, mẹ móm mém cười tự đúc kết.

Đón tiếp đoàn cán bộ do đồng chí Trần Lưu Quang dẫn đầu tới thăm nhân kỷ niệm ngày thống nhất đất nước, ông Nguyễn Hữu Châu (con trai luật sư Nguyễn Hữu Thọ) với khuôn mặt rạng ngời giới thiệu với đoàn những kỷ vật liên quan tháng ngày hoạt động cách mạng của cha mình. Ông dừng lại khá lâu bên bức hình chụp luật sư Nguyễn Hữu Thọ vào ngày 15-5-1975. Khi ấy, luật sư Nguyễn Hữu Thọ là Chủ tịch Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, đang đọc diễn văn mừng chiến thắng, thống nhất đất nước trước hàng chục ngàn đồng bào Sài Gòn.

Tiếp nối cuộc đời hoạt động sôi nổi của cha, đến nay ông Nguyễn Hữu Châu cũng được biết đến là người tích cực đóng góp ý kiến với các chính sách của thành phố và đất nước. “Mong anh nhiều sức khỏe, tiếp tục đóng góp cho thành phố. Những ý kiến của anh, chúng tôi đều lắng nghe và ghi nhận”, đồng chí Trần Lưu Quang trao đổi với ông Nguyễn Hữu Châu trong ngôi nhà tưởng niệm cố luật sư Nguyễn Hữu Thọ.

Nguyện tiếp nối xứng đáng

Đón đoàn lãnh đạo Thành ủy, HĐND, UBND, UBMTTQVN TPHCM do Phó Bí thư Thành ủy Võ Thị Dung làm trưởng đoàn, bà Bùi Thị Nữ, 90 tuổi, phu nhân GS Lý Chánh Trung, lần dò từng bước chân ra cửa, nắm chặt tay từng thành viên trong đoàn. “Mời anh chị em mình vào nhà. Trong lúc thành phố đang căng mình chống dịch, rồi lo cho dân mà vẫn đến thăm gia đình, cảm động quá…”, bà xúc động nói. Thắp nén nhang lên bàn thờ GS Lý Chánh Trung, thay mặt lãnh đạo thành phố, Phó Bí thư Thành ủy Võ Thị Dung khấn nguyện: “Nhân dịp kỷ niệm 45 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, thay mặt lãnh đạo thành phố, chúng tôi xin được dâng nén hương thơm tưởng nhớ đến công lao, sự đóng góp to lớn của thầy cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và xây dựng, phát triển đất nước những năm qua. Chúng tôi, những thế hệ hôm nay, nguyện tiếp nối xứng đáng con đường và sự cống hiến của thầy, quyết tâm xây dựng đất nước ta ngày càng phát triển”.

Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Võ Thị Dung thăm hỏi Bà mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Ngọc Mãnh. Ảnh: CAO THĂNG

Cuộc trò chuyện giữa bà Bùi Thị Nữ với các thành viên trong đoàn trở nên thân tình như những người trong gia đình lâu ngày gặp lại. Đồng chí Võ Thị Dung giới thiệu: “Trước năm 1975, thầy Lý Chánh Trung có nhiều năm hoạt động ở Trà Vinh, rồi gặp cô đây. Cô là em ruột Bà mẹ Việt Nam anh hùng Bùi Thị Mè. Mẹ Mè thứ năm, cô thứ mười một. Gia đình thầy có các anh chị đều thành đạt, tiếp nối truyền thống yêu nước của thầy. Sau năm 1975, thầy tham gia UBMTTQVN TPHCM với vai trò là phó chủ tịch nhiều nhiệm kỳ, đóng góp nhiều cho sự phát triển của đất nước và khối đại đoàn kết toàn dân tộc”. Bà Bùi Thị Nữ bùi ngùi nhớ lại: “Về nghỉ hưu rồi mà có họp hành gì là ổng tự lái xe đi. Ổng thương anh em lái xe đường xa, chờ lâu, về trễ nên nhất quyết tự lái”. Hồi ức, kỷ niệm về GS Lý Chánh Trung được bà Nữ và các thành viên trong đoàn nhắc nhiều là ở những năm sau ngày đất nước thống nhất với những đóng góp trong nhiều công trình nghiên cứu khoa học, đào tạo các thế hệ chuyên gia đầu ngành cho TPHCM và cả nước.

Đến thăm Bà mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Ngọc Mãnh, 84 tuổi, ngụ phường Bình Thọ (quận Thủ Đức), các thành viên trong đoàn cũng được nghe kể những câu chuyện cảm động về người chồng, người con trai độc nhất của mẹ đã hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Mẹ Mãnh kể: “Ổng hy sinh năm 1961, thời kỳ ác liệt của miền Nam sau Đồng khởi. Thằng lớn hy sinh trên đường tiến vào giải phóng Sài Gòn năm 1975”. Phó Bí thư Thành ủy Võ Thị Dung tiếp lời: “Lãnh đạo thành phố luôn trân trọng và tri ân sự hy sinh xương máu của bao lớp người đi trước cho nền độc lập, thống nhất nước nhà; luôn lấy tấm gương, truyền thống yêu nước của các má và các thế hệ đi trước để học tập, phấn đấu, tiếp nối xứng đáng sự nghiệp cách mạng của dân tộc”. Mẹ Mãnh tâm sự: “Thành phố và đất nước mình phát triển được như hôm nay là nỗ lực, cố gắng của bao người. Ráng giữ nghen. Thấy việc gì chưa được, dân còn chưa ưng việc này việc kia thì nên lắng nghe, sửa ngay, đừng để thành chuyện lớn, làm ảnh hưởng đến công lao, đóng góp của những người đi trước”.

Cựu chiến binh đi đầu

Đón đoàn lãnh đạo thành phố do Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Võ Thị Dung đến thăm, Trung tướng Nguyễn Năng Nguyễn, nguyên Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam, mở đầu câu chuyện: “Mọi người trong khu phố như một nhà. Cựu chiến binh là phải đi đầu, khó mấy cũng phải cùng nhau giải quyết, không được để dân khổ”. Trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, trung tướng mới 26 tuổi, là Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 5, Trung đoàn 2, Sư đoàn 9, tham gia cánh Tây Nam. “Năm nay tôi 71 tuổi rồi, nguyện tiếp tục cùng đồng đội đóng góp xây dựng thành phố này phát triển”, Trung tướng Nguyễn Năng Nguyễn vui vẻ nói.

Đoàn do đồng chí Trần Lưu Quang dẫn đầu cũng đến thăm Thượng tướng Nguyễn Thành Cung, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng. Anh lính trẻ năm nào từng tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử nay đã nghỉ hưu bên gia đình nhưng vẫn không thôi đau đáu những câu chuyện thời sự nóng hổi của đất nước...

HOÀI NAM - MAI HOA

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/tiep-noi-con-duong-cach-mang-659609.html