Tiếp nhận hơn 6.000 tài liệu, hiện vật của GS Hoàng Đình Cầu

Mới đây, tại Hà Nội, Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam đã tổ chức lễ tiếp nhận hơn 6.000 tài liệu, hiện vật của GS Hoàng Đình Cầu.

Từ năm 2012, Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam đã tiếp cận nghiên cứu lịch sử cuộc đời của GS Hoàng Đình Cầu. Sau thời gian dài gia đình sắp xếp, phân loại cẩn thận các tài liệu hiện vật, năm 2017, đúng 100 năm ngày sinh của Giáo sư, gia đình quyết định trao tặng cho Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam hơn 6.000 đơn vị tài liệu, gồm những bản thảo viết tay về các vấn đề ung thư phổi, châm tê trong mổ phổi, chăm sóc sức khỏe ban đầu, bảo hiểm y tế ở Việt Nam, nghiên cứu về chất độc da cam (dioxin)…; bản thảo sách, từ điển; thư gửi các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước; hiện vật khối và ảnh tư liệu về những hoạt động khác nhau.

Gia đình GS Hoàng Đình Cầu đã quyết định trao tặng cho Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam hơn 6.000 đơn vị tài liệu.

Những tài liệu này không chỉ phản ánh cuộc đời cùng sự nghiệp giảng dạy, nghiên cứu khoa học và công tác quản lý của GS.AHLĐ.NGND Hoàng Đình Cầu, mà còn có giá trị để tìm hiểu về lịch sử các chuyên ngành, các cơ quan mà ông từng gắn bó.

GS Hoàng Đình Cầu (ảnh tư liệu).

GS.AHLĐ.NGND Hoàng Đình Cầu (1917-2005) quê ở xã Võ Liệt, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An. Với mong muốn theo học một nghề tự do, có thể giúp cho người dân, năm 1937 chàng trai Hoàng Đình Cầu đã quyết định vào học trường Y khoa Đông Dương (nay là trường Đại học Y Hà Nội), sau đó học nội trú bệnh viện và tốt nghiệp y khoa năm 1944.

Trong kháng chiến chống Pháp, BS Hoàng Đình Cầu vừa tham gia công tác đào tạo, vừa phục vụ cứu chữa thương binh không chỉ ở bệnh viện mà còn ở các mặt trận. Năm 1955, BS Hoàng Đình Cầu được cử đi tu nghiệp về phẫu thuật phổi tại Liên Xô. Về nước năm 1958, ông bắt tay xây dựng Khoa phẫu thuật phổi đầu tiên ở miền Bắc và trở thành người sáng lập chuyên ngành Phẫu thuật phổi ở Việt Nam.

Bên cạnh đó, tiếp nối sự nghiệp của GS Tôn Thất Tùng, GS Hoàng Đình Cầu trong vai trò Chủ tịch Ủy ban Quốc gia điều tra hậu quả các chất hóa học dùng trong chiến tranh (1982-2000), cũng dành nhiều tâm huyết cho nghiên cứu về hậu quả lâu dài của chiến tranh hóa học, ảnh hưởng của chất độc da cam (dioxin) đối với hệ sinh thái và con người Việt Nam, kể cả nhiều năm sau chiến tranh, đề ra các biện pháp khắc phục phù hợp.

Là tác giả của trên 50 công trình nghiên cứu, ngoài lĩnh vực phổi, GS Hoàng Đình Cầu còn có nhiều đóng góp về lý luận thuộc các vấn đề: sư phạm trong ngành y tế (giáo dục học), công tác dân số chủ yếu là sinh đẻ có kế hoạch...Trong hơn 60 năm công tác, GS Hoàng Đình Cầu từng đảm nhận nhiều chức vụ khác nhau như Thứ trưởng Bộ Y tế (1971-1989), kiêm Hiệu trưởng trường Đại học Y Hà Nội (1985-1989), Chủ tịch Ủy ban Quốc gia điều tra hậu quả các chất hóa học dùng trong chiến tranh (1982-2000), Chủ tịch Tổng hội Y - Dược học Việt Nam (1985-2000), Đại biểu Quốc hội khóa IX...

Với những đóng góp cho sự nghiệp y tế, ông được Nhà nước phong học hàm Giáo sư năm 1980, phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động năm 1985, Giải thưởng Nhà nước về Khoa học và Công nghệ (2000), và nhiều huân huy chương. Đồng nghiệp của ông - GS.TS Phạm Song, nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế đã từng nhận xét: “Giáo sư Hoàng Đình Cầu là một lão thần trụ cột của ngành Y học Việt Nam” (1997).

Phương Bùi

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/tiep-nhan-hon-6000-tai-lieu-hien-vat-cua-gs-hoang-dinh-cau-57476.html