Hiện tượng Miniso tới Việt Nam: Viễn cảnh ngập hàng Nhật Bản giá rẻ dành cho người trẻ tuổi

Thị trường nội địa Nhật đã quá bão hòa với các thương hiệu bán lẻ lớn như Muji, Uniqlo hay Daiso khiến thương hiệu Miniso bắt đầu đổ bộ sang các thị trường mới nổi thuộc ASEAN, trong đó có Việt Nam.

Hiện tượng Miniso

Chỉ với khoảng 40.000 - 70.000 đồng, bạn đã có thể sở hữu từ phụ kiện điện thoại, trang sức, mỹ phẩm cho tới những vật dụng gia đình..., đáp ứng nhu cầu của tất cả mọi người, từ các em nhỏ cho tới các bạn học sinh, sinh viên, phụ nữ, các bà nội trợ..., kể cả các đấng mày râu. Đó là những thông tin được người tiêu dùng chuộng hàng Nhật nội địa chia sẻ về thương hiệu chuỗi cửa hàng Miniso đang được phát triển rộng rãi tại Việt Nam.

Gần đây, trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhất là các mạng xã hội, nổi lên thông tin chuỗi cửa hàng Miniso đầu tiên của Nhật Bản sẽ được khai trương tại Việt Nam thông qua hợp đồng nhượng quyền thương hiệu với Tập đoàn Lê Bảo Minh, nhà phân phối độc quyền thương hiệu Canon (Nhật Bản) trong hơn 15 năm qua, với hơn 230 đại lý trên khắp 63 tỉnh, thành phố.

Thời trang tiêu dùng nhanh là chủ đề trọng tâm của Miniso.

Thời trang tiêu dùng nhanh là chủ đề trọng tâm của Miniso.

Theo bà Lê Thị Ngọc Hải, Chủ tịch Tập đoàn Lê Bảo Minh, kế hoạch đưa chuỗi Miniso chính thống về Việt Nam đã được ấp ủ 3 năm nay. Tập đoàn đã ký hợp đồng nhượng quyền thương hiệu với Miniso từ tháng 4/2016 và tháng 8 năm nay sẽ khai trương 3 cửa hàng đầu tiên ở Hà Nội và tăng gấp đôi sau một tháng. Hết năm nay, sẽ có chuỗi 13 cửa hàng tại Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Vinh (Nghệ An), Cần Thơ và Hải Phòng.

Khi thông tin này được giới truyền thông loan tin, có dư luận cho rằng, Miniso là thương hiệu của Trung Quốc, không phải của Nhật Bản. Tuy nhiên, lãnh đạo Miniso giải thích, người sáng lập thương hiệu Miniso, ông Ye Guo Fu là Chủ tịch HĐQT Công ty Aiyaya Co., Ltd. Công ty này được thành lập tại Trung Quốc vào năm 2004 chuyên bán mỹ phẩm, đồ thời trang, phụ kiện dành cho phái nữ. Hãng này đi lên từ việc tạo bản sao chuỗi cửa hàng đồng giá nổi tiếng nhất Nhật Bản là Muji, chuyên bán các sản phẩm hoàn toàn Trung Quốc.

Năm 2013, Ye Guo Fu chuyển đổi hệ thống cửa hàng Aiyaya thành thương hiệu Miniso. Thông qua việc ký kết với nhà thiết kế người Nhật là Miyake Jyunya, thương hiệu Miniso có xuất xứ và thiết kế từ Nhật Bản. Miniso kế thừa các điểm mạnh của 3 thương hiệu nổi tiếng Nhật Bản là Uniqlo (phong cách thiết kế chuỗi bán lẻ), Muji (cách tạo ra sản phẩm với giá thành hợp lý và thiết kế tối ưu), Daiso (phong cách thiết kế bao bì sản phẩm), bước đầu tạo thành hiện tượng tại Trung Quốc.

Năm 2014 - 2015, Miniso phủ kín hầu hết các thành phố lớn tại Trung Quốc, đặc biệt là tại Quảng Châu và đặc khu kinh tế Hồng Kông. Từ năm 2013 đến cuối 2015, hãng đã mở được gần 1.200 cửa hàng khắp Trung Quốc. Trong khi đó, tại thị trường Nhật Bản, Miniso chỉ có 4 cửa hàng ở Tokyo sau 3 năm thành lập. Lý do là thị trường Nhật nội địa đã quá bão hòa với các thương hiệu bán lẻ lớn như Muji, Uniqlo hay Daiso.

Do đó, để mở rộng địa bàn kinh doanh, năm 2016, Miniso liên tục ký kết hợp tác nhượng quyền thương hiệu với rất nhiều nước trên thế giới, đặc biệt các thị trường mới nổi, dân số trẻ như khu vực ASEAN. Trong đó, tại thị trường Việt Nam, Miniso bắt tay với Tập đoàn Lê Bảo Minh, có nhiều kinh nghiệm phát triển chuỗi phân phối sản phẩm Canon cho Nhật Bản.

Nhắm tới phân khúc khách hàng trẻ tuổi

Thông tin Miniso phát triển theo mô hình nhượng quyền chính thống ở Việt Nam đã làm các tín đồ shopping, nhất là các bạn trẻ, phụ nữ có con nhỏ chuộng hàng Nhật tỏ ra háo hức. Trần Lan Hương, 20 tuổi, sinh viên, là một trong rất nhiều bạn trẻ chuộng hàng Nhật nội địa, nhưng trước đây cô phải săn hàng xách tay thì giờ đã có thể thoải mái đến tận các cửa hàng nhỏ lẻ ở Hà Nội. Khoảng 1 năm trở lại đây, Hương thường xuyên rủ bạn bè đến một số cửa hàng Miniso ở Cầu Giấy để mua đồ, từ bút chì kẻ mắt, tai nghe, đôi tất, thú nhồi bông…

“Miniso đáp ứng được hầu hết nhu cầu mua sắm của mọi người, nhất là giới trẻ như em, với nguồn hàng phong phú, nhiều lựa chọn và cách trưng bày sản phẩm bắt mắt, rất thuận tiện cho mua sắm. Đặc biệt, giá cả phải chăng, mà chất lượng hàng cũng đảm bảo”, Hương cho biết.

Chị Phạm Lệ Quyên, 25 tuổi, mới sinh con đầu lòng cũng rất chuộng các mặt hàng được thiết kế bởi chuỗi cửa hàng Miniso. Chị thích các thiết kế sản phẩm đồ dùng gia đình được bày bán tại đây, đặc biệt là đồ dùng cho trẻ sơ sinh, cái gì cũng nhỏ nhỏ, xinh xinh.

Theo bà Lê Thị Ngọc Hải, tại Miniso, người tiêu dùng Việt Nam sẽ có cơ hội trải nghiệm dịch vụ bán hàng chuẩn của Nhật Bản, với hơn 10.000 sản phẩm đảm bảo bởi các chứng nhận lưu thông ở những thị trường khó tính nhất như Nhật, châu Âu, hay Mỹ, với giá chỉ từ 43.000 đồng. Thế mạnh của Miniso nằm ở thiết kế kiểu dáng và tính năng mới cho các sản phẩm tiêu dùng thân thuộc.

Chủ một shop Miniso ở Cầu Giấy chia sẻ, mỗi tháng, trên kệ hàng của hãng luôn xuất hiện khoảng 100 sản phẩm, mẫu mã mới, tạo nên thói quen đi shopping định kỳ cho các khách hàng. Hiện rất nhiều cửa hàng Miniso ở Hà Nội đến lấy hàng tại cửa hàng này về bán cho giới trẻ.

Thời trang tiêu dùng nhanh là chủ đề trọng tâm của Miniso. Việc lựa chọn sản phẩm phù hợp từ tất cả các nơi trên thế giới, với hơn 80% sản phẩm đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Malaysia, Trung Quốc và các nước khác cho phép Miniso đáp ứng được mọi phân khúc khách hàng. Hầu hết các cửa hàng Miniso được đặt trong các trung tâm mua sắm lớn tại những khu vực đông người.

Phân khúc thị trường, đặc tính thương hiệu, giá cả, mẫu mã, chất lượng của Miniso phù hợp với người Việt. Đặc biệt, sự thành công khá rầm rộ của các thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, Malaysia, Trung Quốc, Philippines, Thái Lan… khiến Tập đoàn Lê Bảo Minh khá tự tin trong việc nhân bản thành công mô hình chuỗi cửa hàng nhượng quyền này tại Việt Nam thời gian tới.

Cạnh tranh với Miniso “nhái”

Miniso có mặt tại khắp các châu lục trên thế giới. Hiện mỗi tháng Miniso đặt mục tiêu mở 80-100 cửa hàng và trong vòng 5 năm tới sẽ nâng số lượng cửa hàng trên toàn thế giới lên con số 6.000. Miniso đã bắt đầu “đánh chiếm” thị trường ASEAN gần đây. Ở các nước như Philippines, Thái Lan, Singapore, Miniso gửi gắm hàng chục cửa hàng. Không chỉ ở châu Á, thương hiệu Miniso đã bước đầu có mặt ở các thị trường khó tính tại Bắc Mỹ và châu Âu. Sắp tới, Miniso không chỉ phủ sóng mạnh tại thị trường Việt Nam, mà còn ở Malaysia, Hàn Quốc, Mỹ và Italy.

Tuy nhiên, đáng chú ý là, trong khi Miniso chưa có đại lý chính hãng tại Việt Nam thì trên thị trường đã xuất hiện rất nhiều cửa hàng mang thương hiệu Miniso, bán buôn, sỉ, lẻ các sản phẩm 100% chính hãng Miniso Japan (có sẵn), bảo hành và giao hàng toàn quốc. Trong đó phải kể đến một vài tên tuổi hoạt động tại Hà Nội từ năm 2015 như: Miniso Việt Nam tại số 66 ngõ 132 Cầu Giấy, tên miền minisohome.vn, Fanpage: minisohome.com.vn; Minisostore.vn tại số 643A - Phạm Văn Đồng, Từ Liêm; hay Miniso tại 12 - Quốc Tử Giám… Các cửa hàng này đều khẳng định, các dòng sản phẩm mang thương hiệu Miniso được lấy từ kho hàng ở Trung Quốc.

Thực tế, Trung Quốc có thể được coi là “sân nhà” của Miniso với hơn 1.100 cửa hàng mọc lên tại khắp cả tỉnh, thành phố, trong đó chủ yếu tại Quảng Châu, nơi có trụ sở chính của Miniso. Mỗi tháng ở riêng thị trường Trung Quốc mọc lên 80 cửa hàng của thương hiệu này.

Theo giới phân tích, có thể trong thời gian tới, các cửa hàng nhỏ lẻ mang thương hiệu Miniso sẽ mọc lên như nấm sau mưa để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người Việt Nam. Đây chính là thách thức đối với Tập đoàn Lê Bảo Minh - đơn vị chính thức ký nhượng quyền mô hình chuỗi cửa hàng Miniso tại Việt Nam, khi phải cạnh tranh với các cửa hàng Miniso “nhái” về giá cả và chất lượng sản phẩm cũng như uy tín.

Anh Hoa

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/hien-tuong-miniso-toi-viet-nam-vien-canh-ngap-hang-nhat-ban-gia-re-danh-cho-nguoi-tre-tuoi-d48578.html