'Tiếp lửa' với nghề mộc

Cựu chiến binh (CCB) Cao Thế Hiển (ấp Phước Thọ, xã Phước Hưng, huyện Long Điền) được biết đến là một điển hình làm kinh tế giỏi ở địa phương. Không chỉ thành công khi chọn khởi nghiệp với nghề mộc, CCB Cao Thế Hiển còn 'tiếp lửa' cho hàng chục thanh niên có hoàn cảnh khó khăn có nghề nghiệp, thu nhập ổn định.

CCB Cao Thế Hiển (giữa), thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn thợ gia công đồ, để cho ra sản phẩm chất lượng, đẹp.

CCB Cao Thế Hiển (giữa), thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn thợ gia công đồ, để cho ra sản phẩm chất lượng, đẹp.

CCB Cao Thế Hiển chia sẻ: “Tôi sinh ra và lớn lên ở một làng quê nghèo của tỉnh Nam Định. Năm 1995, sau khi xuất ngũ, tôi cùng vợ con vào BR-VT lập nghiệp. Những ngày đầu, vốn liếng chỉ vỏn vẹn mấy chỉ vàng dành dụm từ ngoài quê. Để có tiền trang trải sinh hoạt gia đình, hàng ngày tôi đi làm công cho các trại cá, trại mực trên địa bàn xã Phước Hưng. Chắt chiu được ít tiền, tôi mua xe gắn máy để chạy xe ôm. Rồi sau đó, tôi xin vào các xưởng mộc để làm công và học nghề”.

Với tính cần cù chịu khó và đôi bàn tay khéo léo, sau 5 năm từ phụ việc cho đến làm thợ chính, gia công đồ gỗ cho các xưởng mộc, tay nghề của ông Hiển ngày càng nâng lên. Nhờ các nguồn vốn vay ưu đãi do Hội CCB xã hỗ trợ, năm 2008, ông Hiển quyết định mở xưởng mộc của riêng mình. Khi mới hoạt động, quy mô xưởng còn nhỏ, sản phẩm làm ra chủ yếu dựa trên đơn đặt hàng của anh em họ hàng và một số người dân trong xã.

Với sự nỗ lực của bản thân, chịu khó tìm tòi, sáng tạo, sản phẩm mộc của ông ngày càng có tiếng và được nhiều khách hàng trong tỉnh ưa chuộng. Để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng, ông Hiển mạnh dạn vay vốn, đầu tư hơn 3 tỷ đồng để mở rộng xưởng mộc lên hơn 500m2, mua sắm máy cưa, máy chà nhám, máy dán cạnh, máy cắt công nghiệp… để gia công các loại đồ gỗ từ cửa, bàn, ghế, tủ, quầy, ốp tường… Sau khi trừ các chi phí, tiền công thợ, gia đình CCB Cao Thế Hiển thu nhập hơn 300 triệu đồng/năm.

Không chỉ làm kinh tế giỏi, xưởng mộc của CCB Cao Thế Hiển còn tạo việc làm ổn định cho hơn chục thanh niên có hoàn cảnh khó khăn, với mức thu nhập từ 10-20 triệu đồng/tháng.

Nguyễn Văn Kiên (SN 1984, ngụ ấp Phước Thọ, xã Phước Hưng, huyện Long Điền) được tiếp nhận vào làm tại xưởng mộc của CCB Cao Thế Hiển từ 5 năm trước. Đến nay, không những gia đình anh Kiên đã thoát cảnh nghèo túng mà còn có thu nhập khá ổn định. “2 năm nay, thu nhập mỗi tháng của tôi khoảng 17 triệu đồng, những khi hàng nhiều, tôi chịu khó làm thêm giờ, thu nhập có thể tăng lên 20 triệu đồng/tháng. Cũng chính từ nghề mộc, cuộc sống của gia đình tôi ngày càng khởi sắc, con cái ăn học đàng hoàng”, anh Kiên vui vẻ cho biết.

Cũng được CCB Cao Thế Hiển “tiếp sức”, anh Nguyễn Văn Thịnh (SN 1986, ngụ ấp Hải Lâm, xã Phước Hưng) có kinh tế ổn định và có nghề mộc để khởi nghiệp ngay tại địa phương. Mặc dù đã thạo nghề, thu nhập mỗi tháng khoảng 12 triệu đồng, anh Thịnh vẫn quyết định mở xưởng mộc tại nhà, tạo hướng đi cho riêng mình.

Ông Trần Thiện Hiệp, Chủ tịch Hội CCB xã Phước Hưng cho biết, không chỉ giỏi trong phát triển kinh tế gia đình, ông Hiển còn tích cực tham gia công tác xã hội. Từ hơn chục năm nay, mỗi năm ông Hiển đều ủng hộ 15 đến 20 suất học bổng cho HS nghèo vượt khó trên địa bàn xã; trao tặng hàng chục phần quà, thẻ BHYT cho các hộ khó khăn, gia đình chính sách trong dịp lễ, Tết.

Bài, ảnh: NGUYỄN VĂN TÔN

Nguồn Bà Rịa - Vũng Tàu: http://www.baobariavungtau.com.vn/xa-hoi/202011/tiep-lua-voi-nghe-moc-913587/