Tiếp lửa truyền thống ở trung đoàn ba lần Anh hùng

Nhập ngũ vào Trung đoàn 1 (Sư đoàn 2, Quân khu 5), bài học đầu tiên của người chiến sĩ là về truyền thống Trung đoàn ba lần được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (LLVTND) và Sư đoàn hai lần được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND; được xem những thước phim tư liệu về truyền thống đơn vị, viếng Nhà tưởng niệm các Anh hùng, liệt sĩ Sư đoàn.

Trung đoàn 1 (Sư đoàn 2, Quân khu 5) giáo dục truyền thống cho chiến sĩ.

Trung đoàn 1 (Sư đoàn 2, Quân khu 5) giáo dục truyền thống cho chiến sĩ.

Giới thiệu những hình ảnh, tư liệu quý được trưng bày tại Phòng truyền thống của Trung đoàn, Ðại úy Phạm Văn Duật, trợ lý tuyên huấn cắt nghĩa về cái tên "Ba Gia" lừng danh của Trung đoàn 1 trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước: "Trận đánh Ba Gia diễn ra từ ngày 29 đến 31-5-1965, tại địa bàn phía tây Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi. Trung đoàn đã phối hợp các lực lượng vũ trang và nhân dân địa phương chiến đấu mưu trí, dũng cảm, tiêu diệt hoàn toàn một chiến đoàn quân ngụy, diệt 916 tên (trong đó có bốn cố vấn Mỹ), bắt 65 tên, thu nhiều vũ khí, quân trang, quân dụng, giáng một trong những đòn quyết định, góp phần làm phá sản hoàn toàn chiến lược "chiến tranh đặc biệt" của đế quốc Mỹ. Lần đầu trên chiến trường khu 5, quân ta mở chiến dịch tiến công quy mô nhỏ mà đạt kết quả lớn - một trung đoàn chủ lực của ta tiêu diệt một chiến đoàn chủ lực ngụy. Với chiến thắng này, Trung đoàn được tặng thưởng Huân chương Quân công Giải phóng hạng nhì và cờ danh dự: "Trung với Ðảng, hiếu với dân, chiến thắng Ba Gia lập công đầu". Cái tên Trung đoàn Ba Gia cũng ra đời từ đó".

Lắng nghe chăm chú và ghi chép cẩn thận những thông tin nêu trên vào sổ học tập, binh nhì Nguyễn Duy Hậu, từng tốt nghiệp Trường đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh cảm nhận: "Trước khi nhập ngũ, tôi đã dành thời gian tra cứu, tìm hiểu thông tin về Trung đoàn nhưng chưa đầy đủ. Bây giờ được mắt thấy, tai nghe, càng thấm thía sự hy sinh cao cả, vượt lên mọi khó khăn, gian khổ của các thế hệ cha anh. Tôi sẽ tranh thủ những lúc rảnh rỗi, mượn sách về đọc thêm để tìm hiểu sâu hơn về lịch sử đơn vị". Ðảng viên, binh nhì Phùng Văn Hiếu bày tỏ: "Các thế hệ cha anh đi trước đã cống hiến máu xương vì độc lập, tự do của Tổ quốc, thế hệ chúng tôi hôm nay càng thấy rõ hơn trách nhiệm của mình, không ngừng nỗ lực phấn đấu, viết tiếp trang sử vẻ vang của Trung đoàn Ba Gia anh hùng trong thời kỳ mới".

Những năm qua, trung đoàn luôn duy trì nhiều hoạt động phong phú, sinh động như: thi tìm hiểu truyền thống; nghe cựu chiến binh kể chuyện đánh giặc; hành quân về chiến trường xưa; thăm hỏi, tặng quà thương binh, gia đình liệt sĩ, cựu quân nhân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn… Cùng với đó, Ðoàn thanh niên đơn vị còn tổ chức diễn đàn với chủ đề "Tự hào truyền thống, phấn đấu xứng danh đơn vị anh hùng"; thắp hương viếng nghĩa trang liệt sĩ; tập hát các ca khúc cách mạng, bài hát truyền thống... Những kinh nghiệm quý về nghệ thuật "tạo thế, khơi ngòi", "đánh điểm diệt viện", phát huy thế trận lòng dân, bảo đảm hậu cần tại chỗ… được chỉ huy Trung đoàn kế thừa, đưa vào huấn luyện, góp phần nâng cao trình độ, khả năng sẵn sàng chiến đấu, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống.

Trung tá Nguyễn Ðình Lộc, Chính ủy Trung đoàn cho biết: "Giáo dục truyền thống là một mặt trong công tác giáo dục chính trị, tư tưởng và là một bộ phận của hoạt động công tác Ðảng, công tác chính trị ở đơn vị; có vai trò hết sức quan trọng trong bồi đắp phẩm chất, nhân cách quân nhân cách mạng. Ðể nội dung giáo dục truyền thống thêm sinh động, hấp dẫn, đơn vị yêu cầu đội ngũ cán bộ chính trị phải tìm hiểu kỹ lịch sử truyền thống, tham khảo tư liệu do các nhân chứng, cựu chiến binh cung cấp. Theo đó, bài giảng phải được soạn và sử dụng máy vi tính kết hợp trình chiếu, có minh họa thực tiễn để bộ đội dễ hiểu, vận dụng.

Thời gian qua, cùng với phát huy có hiệu quả hệ thống thiết chế văn hóa (thư viện, nhà truyền thống, phòng Hồ Chí Minh…), Trung đoàn còn thường xuyên đổi mới nội dung, hình thức, lồng ghép giáo dục truyền thống trong các buổi sinh hoạt định kỳ, các chương trình giao lưu văn nghệ… để truyền thống luôn lan tỏa và thấm sâu, là hành trang để người chiến sĩ trau dồi bản lĩnh chính trị, hăng hái "vượt nắng, thắng mưa" trên thao trường, luyện giỏi, rèn nghiêm, tô thắm truyền thống của đơn vị ba lần Anh hùng trong thời kỳ mới.

Bài và ảnh: ÐỖ THỊ NGỌC DIỆP

HT: 6NH – 203 Ðà Nẵng

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/item/35765402-tiep-lua-truyen-thong-o-trung-doan-ba-lan-anh-hung.html