Tiếp 'lửa' nhiệt huyết, sáng tạo và cống hiến

Được tổ chức 5 năm một lần, Hội thi thợ giỏi ngành cơ khí toàn quân (NCKTQ) lần thứ V giai đoạn 2016-2021 thực sự là sân chơi bổ ích giúp những người lính thợ khẳng định trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, tác phong và kỷ luật lao động... Thông qua hội thi góp phần thúc đẩy phong trào 'Luyện tay nghề, thi thợ giỏi' trong các tổ chức công đoàn, tiếp thêm 'lửa' nhiệt huyết và tinh thần nỗ lực, sáng tạo trong lao động, sản xuất của đội ngũ những người lính thợ.

Bản lĩnh, tự tin, vượt qua hoàn cảnh

Lần đầu tiên tham gia hội thi thợ giỏi ngành cơ khí cấp toàn quân, công nhân viên Phạm Thị Hồng Nhung, thợ hàn bậc 6/7, Công ty Cổ phần 22 (Tổng cục Hậu cần) được đồng đội nể phục bởi thái độ khiêm tốn, cầu thị và tinh thần ham học hỏi. Vì vậy, khi biết Hồng Nhung vượt qua nhiều thí sinh khác, giành giải nhì ngành hàn và đoạt danh hiệu “bàn tay vàng” hội thi, đồng đội khắp nơi đều bày tỏ sự vui mừng và khâm phục trước thành tích của một nữ thợ hàn. Nói về thành tích của mình, Nhung bày tỏ: "Tham gia hội thi cấp toàn quân, tôi xác định rõ quyết tâm và trách nhiệm bước vào "sân chơi" lớn, bởi tôi hiểu, kết quả thi không chỉ là thước đo để khẳng định trình độ tay nghề mà đây còn là cơ hội chia sẻ kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm công tác".

Với Thượng úy QNCN Nguyễn Viết Lĩnh, thợ phay bậc 6/7 đến từ Xí nghiệp liên hiệp Z751, Tổng cục Kỹ thuật, đây là lần thứ hai anh tham gia hội thi cấp toàn quân. Năm 2015, ở Hội thi thợ giỏi NCKTQ lần thứ IV, anh Lĩnh giành giải khuyến khích ngành phay. Hội thi lần này, bằng kinh nghiệm được trui rèn qua thực tiễn và quyết tâm cao, Viết Lĩnh đã giành giải nhì, đạt danh hiệu “Bàn tay vàng”.

Thượng tướng Trần Quang Phương, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị trao giải nhất tặng các thí sinh trong Hội thi thợ giỏi ngành cơ khí toàn quân lần thứ V.

Thượng tướng Trần Quang Phương, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị trao giải nhất tặng các thí sinh trong Hội thi thợ giỏi ngành cơ khí toàn quân lần thứ V.

Tham gia hội thi, Nguyễn Cảnh Nam đến từ Nhà máy Z189, Tổng cục Công nghiệp quốc phòng cũng không đặt áp lực về giải thưởng. Chính điều này tạo cho anh tâm lý thoải mái, tự tin trong quá trình thực hiện các phần thi và giành giải nhất ngành hàn tại hội thi.

Đó chỉ là 3 trong số 133 thí sinh đến từ 20 đơn vị đầu mối cấp Bộ Quốc phòng tham gia Hội thi thợ giỏi NCKTQ lần thứ V. Mỗi thí sinh là một câu chuyện, một hoàn cảnh khác nhau: Có thí sinh lần đầu tiên tham gia hội thi lớn cấp toàn quân; có thí sinh lại lần đầu tiên được tiếp cận với máy móc hiện đại hơn hẳn so với cơ sở vật chất vốn có của đơn vị; có những thí sinh làm việc ở địa bàn vùng sâu vùng xa, điều kiện hoàn cảnh gia đình gặp nhiều khó khăn... Thế nhưng, có một điểm chung ở 133 thí sinh là họ đều đề cao trách nhiệm, quyết tâm khắc phục mọi khó khăn, tự tin, bản lĩnh hoàn thành các phần thi với kết quả cao nhất. Trường hợp Thiếu tá QNCN Phạm Văn Đại, thợ tiện Kho K23, Cục Kỹ thuật Quân khu 3 là một ví dụ. Đúng ngày diễn ra Hội thi thợ giỏi cơ khí cấp quân khu (29-3), anh nhận được tin bố vợ mất. Phần thi thực hành vừa kết thúc, Đại vội vàng về lo hậu sự cho bố. Công việc gia đình chu toàn, anh trở lại đơn vị tiếp tục tham gia ôn luyện cho Hội thi thợ giỏi cấp toàn quân và giành danh hiệu “Thợ giỏi toàn quân”. Hay công nhân viên Trịnh Thanh Hùng (Nhà máy Z151) và công nhân viên Trần Tuấn Vũ (Xí nghiệp liên hiệp Z751) của Tổng cục Kỹ thuật, vợ vừa sinh con nhỏ, gia đình neo người... song cả hai vẫn khắc phục hoàn cảnh, tham gia dự thi với quyết tâm cao.

Thúc đẩy phong trào tự học, tự rèn

Theo Đại tá Nguyễn Đình Đức, Trưởng ban Công đoàn Quốc phòng, Trưởng ban tổ chức hội thi: Để hội thi đạt mục đích, yêu cầu đề ra, ngay từ khi có kế hoạch, ban tổ chức đã tham khảo ý kiến các cơ quan chức năng, thống nhất soạn thảo xây dựng bộ đề thi với nhiều tiêu chí, trong đó chú trọng tính sát thực tiễn, yêu cầu nhiệm vụ để góp phần nâng cao năng lực đội ngũ lính thợ trong toàn quân; đồng thời đề thi phải có tính sáng tạo nhằm phát huy khả năng, trình độ tay nghề của mỗi thí sinh.

Một trong những điểm khác biệt so với các hội thi trước đây, Hội thi Thợ giỏi NCKTQ lần thứ V có sự tham gia của thành phần ban giám khảo mở rộng gồm Ban giám hiệu Trường Cao đẳng công nghiệp quốc phòng và cán bộ quản lý kỹ thuật của các cơ quan chức năng. Điều này tạo sự khách quan, công bằng, chính xác ở các vòng chấm điểm từng thí sinh. Theo đánh giá của ban tổ chức hội thi, các đơn vị có sự chủ động ngay từ vòng thi cấp cơ sở để lựa chọn những thí sinh tiêu biểu, xuất sắc. Tiếp đó, lại có sự đầu tư cho thí sinh ôn luyện tham gia cấp toàn quân, nên chất lượng thí sinh năm nay tương đối đồng đều.

Đánh giá về hiệu quả của hội thi, Thượng tướng Trần Quang Phương, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị khẳng định: "Kết quả hội thi tiếp tục khẳng định phong trào “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, “Luyện tay nghề, thi thợ giỏi”... của công đoàn quốc phòng đạt hiệu quả thiết thực; góp phần bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng của người lính thợ; khuyến khích động viên người lính thợ vươn lên làm chủ khoa học, công nghệ tiên tiến, hiện đại, hoàn thành tốt nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh của đơn vị, doanh nghiệp. Qua hội thi, tạo khí thế thi đua sôi nổi trong phong trào “Ôn lý thuyết, luyện tay nghề, thi thợ giỏi” ở các đơn vị, hướng tới mục tiêu đào tạo, xây dựng đội ngũ công nhân kỹ thuật lành nghề, có phẩm chất đạo đức và tác phong công nghiệp làm nòng cốt trong quá trình sản xuất, đáp ứng các yêu cầu về công nghệ, thiết bị ngày càng hiện đại".

Bài và ảnh: VÂN ANH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/hau-phuong-chien-si/tiep-lua-truyen-thong/tiep-lua-nhiet-huyet-sang-tao-va-cong-hien-658329