Tiếp loạt bài 'Xảo trá như thị trường thực phẩm chức năng': Hứa 'triệt để sửa sai'

Sau khi Báo Lao Động đăng tải loạt phóng sự điều tra 'Xảo trá như thị trường thực phẩm chức năng', phản ánh những nhức nhối của thị trường này, thì gần như lập tức, Cục An toàn thực phẩm (ATTP) - Bộ Y tế đã vào cuộc xác minh, làm rõ.

Cục trưởng An toàn Thực phẩm Nguyễn Thanh Phong kêu gọi người tiêu dùng thận trọng trước các thông tin quảng cáo TPCN. Ảnh: PV.

Bước đầu, Cục ATTP cho biết, đã ban hành nhiều quyết định cứng rắn, trong đó có việc thu hồi 13 giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm và 4 giấy xác nhận nội dung quảng cáo sản phẩm thực phẩm chức năng của Công ty CP Phát triển công nghệ Đông Nam Dược - chủ thể chính được nhắc đến trong tuyến bài.

Xử lý nghiêm theo quy định

Ngày 25.6, Cục ATTP, Bộ Y tế đã tổ chức buổi chia sẻ thông tin liên quan đến các nội dung tại Chỉ thị 17/CT-TTg về chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng thuộc nhóm hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng (TPCN), dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền vừa được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành ngày 19.6 - thời điểm mà loạt phóng sự điều tra kéo dài 4 kỳ mang tên “Xảo trá như thị trường thực phẩm chức năng” vừa đăng tải đến kỳ thứ 2.

Tại buổi chia sẻ, ông Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng Cục ATTP - đã dành thời lượng lớn để nói về những bức bối của thị trường TPCN, đặc biệt là những vấn đề vừa bị Báo Lao Động phơi bày. Ông Phong cho biết, liên quan đến những sai phạm trong kinh doanh TPCN của Công ty Đông Nam Dược, sau khi tiếp nhận thông tin báo chí và khẩn trương kiểm tra, Cục đã quyết định thu hồi 13 giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm và 4 giấy xác nhận nội dung quảng cáo sản phẩm thực phẩm chức năng của công ty này có địa chỉ tại tầng 23, tòa nhà Sông Đà, đường Phạm Hùng, phường Mỹ Đình 1, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội.

Những sản phẩm đang được bán ra bởi Trí Tâm núp dưới bóng “thần dược“.

Ngoài ra, cơ quan chức năng sẽ tiếp tục thanh kiểm tra đột xuất với các địa chỉ khác của các công ty tương tự.

Ông Phong nói: “Ngoài Công ty Phát Triển Công nghệ Đông Nam Dược, chúng tôi đang tiếp tục thanh tra, kiểm tra đột xuất các địa chỉ khác của những công ty tương tự. Sai phạm chung của các công ty này là quảng cáo, bán các sản phẩm TPCN chưa công bố, ghi nhãn sai, quảng cáo sản phẩm như thuốc chữa bệnh, dùng hình ảnh nhân viên y tế để quảng cáo hay một số công ty đã thay đổi địa điểm sản xuất kinh doanh mà không thông báo lại với cơ quan quản lý...”.

Đánh giá cao loạt bài của Báo Lao Động, Cục trưởng Nguyễn Thanh Phong cho biết: “Đây là trung tâm của hơn 20 công ty con và các chi nhánh vệ tinh, chuyên bán TPCN. Ngay sau khi có thông tin trên Báo Lao Động, chúng tôi đã cho kiểm tra và xử lý ngay các sai phạm...”.

Hỗn loạn tình trạng giả danh bác sĩ, dược sĩ

Cũng tại buổi chia sẻ, ông Nguyễn Thanh Phong nhấn mạnh, đang xuất hiện tình trạng rất nguy hiểm là nhân viên tư vấn giả danh là bác sĩ, dược sĩ để tư vấn và bán TPCN. Bản thân các tư vấn viên này thường không có kiến thức về y tế nhưng khi tư vấn còn nói quá lên về mức độ nguy hiểm của căn bệnh mà khách hàng đang nhờ tư vấn, thậm chí là dọa dẫm về bệnh tật, nhằm gợi ý người tiêu dùng mua sản phẩm.

Ông Phong lấy dẫn chứng, sau khi đọc bài viết của Báo Lao Động, đích thân ông đã nhấc máy gọi điện để nhờ tư vấn về sản phẩm mang tên Vương Khớp An và được tư vấn viên khẳng định, dùng sản phẩm là khỏi bệnh liên quan đến đốt sống. Theo đó, bên kia đầu dây, 1 nữ nhân viên tên Lan cho biết: “Vương Khớp An điều trị về xương khớp.

Có 2 loại Vương Khớp An có giá 350.000 đồng/lọ và An Khớp Vương có giá 550.000 đồng. Lộ trình để khỏi là khoảng 2 đến 3 tháng, tối thiểu là 1 tháng. Bên em có phương pháp điều trị là tư vấn lâm sàng. Bên em sẽ điều trị tại nhà thôi. Phòng khám sẽ cung cấp thuốc để bệnh nhân tự điều trị tại nhà”.

Các nhân viên đang làm việc bên trong Công ty cổ phần nam dược An Nhiên, nhưng bên ngoài khóa cửa vào thời điểm Cục ATTP đi kiểm tra.

Trước câu hỏi sản phẩm đề trên nhãn hiệu là thực phẩm chức năng tại sao nhân viên tư vấn lại gọi là thuốc, nhân viên này nhanh nhảu chống chế: “Đúng là thực phẩm chức năng anh ạ. Đây cũng là thuốc nam nên anh gọi thực phẩm chức năng cũng được mà thuốc nam cũng được”.

Để đảm bảo về thuốc của mình tư vấn, người này trả lời: “Phòng khám bên em rất nhiều người điều trị hiệu quả rồi chứ không phải một mình anh điều trị đâu”. Cục trưởng Phong hỏi kiến thức về y tế, nhân viên tư vấn không trả lời mà lái câu chuyện: “Anh cần hỗ trợ thêm vấn đề như thế nào nữa?”.

Về câu hỏi, sản phẩm này có điều trị được thoát vị đĩa đệm và trệch đĩa đệm hay không, người này khẳng định: “Điều trị được”. Tuy nhiên sau đó, nhân viên này lại nói nhỏ với theo “nhưng chỉ có thể hỗ trợ cho mình thôi”. Trước lối tư vấn và bắt bệnh tráo trở này, vị Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm đã tỏ ra vô cùng bức xúc, lên án hành vi buôn bán kiếm sống trên sức khỏe của bệnh nhân. “Đây không phải chỉ là xảo trá nữa mà là hành vi lưu manh và là tội ác” - ông Phong thốt lên sau cuộc điện thoại.

“TPCN chỉ có tác dụng nâng cao sức đề kháng, giảm nguy cơ mắc bệnh, giảm triệu chứng, không có tác dụng điều trị, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh. Vì thế, TPCN tuyệt đối không được ghi nhãn là thuốc, có tác dụng điều trị bệnh, thay đổi chức năng bộ phận cơ thể người” - ông Phong nói. Với những trường hợp này, cơ quan chức năng đang xác minh, thu thập chứng cứ và sẽ xử lý.

Kêu gọi người tiêu dùng cẩn trọng

Trước thực trạng các sản phẩm TPCN được bán và quảng cáo rầm rộ, không theo quy định, ông Nguyễn Thanh Phong nói: “Tôi kêu gọi người tiêu dùng không sử dụng các sản phẩm thực phẩm chức năng có quảng cáo dưới các hình thức như: Dùng thư cảm ơn của bệnh nhân để quảng cáo, dùng hình ảnh cán bộ y tế quảng cáo, sử dụng danh nghĩa, hình ảnh cơ quan y tế quảng cáo. Bởi với những hành vi quảng cáo này, chưa cần kiểm tra đã cho thấy, quảng cáo không đúng quy định. Trong khi cơ quan chức năng đang xác minh, xử lý, người tiêu dùng kiên quyết không mua sản phẩm quảng cáo như vậy”.

Những thông tin nhân vật trong các bài quảng cáo thường rất khó thể xác minh tính chân thật.

Người đứng đầu Cục ATTP cũng cho biết, thực tế trong quá trình thanh, kiểm tra cho thấy những chiêu thức quảng cáo TPCN đang được các đối tượng sử dụng rất tinh vi trên mạng xã hội, hình thức quảng cáo đa dạng, diễn biến phức tạp nên rất dễ gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng. Nhất là việc họ sử dụng hình ảnh một số người nổi tiếng để quảng cáo sản phẩm nhằm đánh vào tâm lý yêu thích, tin tưởng của người dân.

Về mặt pháp luật không cấm người nổi tiếng quảng cáo, nhưng Cục trưởng Cục ATTP khuyến cáo những người nổi tiếng, khi nhận lời tham gia làm đại sứ thương hiệu cho sản phẩm, tham gia quảng cáo sản phẩm cần tìm hiểu kỹ chất lượng sản phẩm, phải hiểu các quy định của pháp luật về quảng cáo TPCN. Bên cạnh đó, người tiêu dùng cũng không nên mua, không sử dụng sản phẩm trong lúc các cơ quan thanh tra, kiểm tra đang tiến hành xác minh, xử lý vi phạm.

“Chúng tôi sẽ tạo điều kiện thông thoáng cho doanh nghiệp về thủ tục hành chính, nhưng phải tăng cường thanh, kiểm tra theo chỉ thị 17 Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành. Với chỉ thị này, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, các lực lượng chức năng phải quán triệt sâu sắc, đề cao trách nhiệm trong đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, đặc biệt là nhóm hàng liên quan đến chăm sóc, nâng cao sức khỏe con người” - ông Phong cho biết.

Do chế tài xử phạt còn yếu, những quảng cáo liên quan đến Phòng khám Phúc Minh Đường xuất hiện ngày một nhiều trên mạng xã hội.

NHÓM PV BẠN ĐỌC

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/phong-su/tiep-loat-bai-xao-tra-nhu-thi-truong-thuc-pham-chuc-nang-hua-triet-de-sua-sai-615716.ldo