Tiếp chuyện đạo thơ hay không?

Báo Tiền phong Chủ nhật số 62 (ra ngày 3/3/2019) đề cập đến việc ba bài thơ của nhà thơ Phạm Phương Thảo đăng trên báo Văn Nghệ gần đây có nghi án 'đạo' của nhà thơ Nguyễn Linh Khiếu và Nguyễn Thành Tâm. Sau đó, dư luận văn chương đã có nhiều ý kiến trái chiều đề cập đến vấn đề 'đạo hay không đạo'.

Nhà thơ Trần Ninh Hồ (bên phải) Ảnh: A.T

Nhà thơ Trần Ninh Hồ (bên phải) Ảnh: A.T

Để rộng đường dư luận, chúng tôi xin trích đăng những ý kiến của các nhà thơ và nhà nghiên cứu quan tâm đến chủ đề này.

Nhà thơ Trần Ninh Hồ: thế thì là đạo rồi còn gì!

Sau khi nhận được nhiều phản ánh của độc giả nói tiếp về chuyện “đạo thơ”, trong đó có người cho rằng, trường hợp “sáng tác trùng lắp” như Phạm Phương Thảo chưa gọi là đạo, chúng tôi có gọi điện cho nhà thơ Trần Ninh Hồ thì được ông trả lời: chưa đọc bài báo về chuyện này, nhưng có nghe anh em nói lại.

Nhà thơ nói rằng, rất khó nói một người là đạo thơ khi hai chủ đề, thậm chí phương pháp sáng tác gần giống nhau vì trong lịch sử văn chương, trường hợp nhiều người có cùng một ý tưởng là không hiếm. Nói rồi ông viện dẫn nhiều trường hợp được coi là trùng ý tưởng từ cổ kim đông tây. “Ngay Nguyễn Du viết “Truyện Kiều” cũng là phóng tác từ tiểu thuyết của Thanh Tâm Tài Nhân” nhưng cũng không ai nói Nguyễn Du đạo văn cả” Trần Ninh Hồ kết luận.

Khi chúng tôi đề nghị ông đọc kỹ hai tác phẩm của Phạm Phương Thảo và Nguyễn Linh Khiếu để so sánh, ông đồng ý. Đến đoạn: “Những sớm mai trên bờ bãi sông Hồng/ chập chờn trong sương tiếng sột soạt ngô dậy thì thẹn thùng thay xiêm áo”. (thơ Nguyễn Linh Khiếu) và “Đi dưới triền sông Hồng/ Những dải phù sa non ửng đỏ/ Sột soạt, thẹn thùng từng vạt ngô thay áo/ Ngực gió còn tiếc nhớ sữa non?” (thơ Phương Thảo Phạm) thì ông thở dài bảo: thế thì là đạo rồi, không thể gọi là trùng!

Về câu thơ này, Trần Ninh Hồ còn nhận xét: đó là một câu rất hay của Linh Khiếu, quan sát tinh tế sự thay đổi của tự nhiên, nó cũng là câu khó viết. Sau cùng, ông cho rằng: Người ta có thể cùng quan sát sự thay đổi ấy nhưng trùng hầu hết chữ và ý quan trọng thì rất khó để nói là không liên quan.

Về cách xử lý các trường hợp đạo văn, Trần Ninh Hồ kể: khi làm Trưởng ban Thơ, nếu đọc thấy một câu hoặc ý trùng với ai đó thì tôi sẽ gọi thẳng cho tác giả nói rằng: câu ấy, ý ấy trùng đấy, hoặc là cậu sửa đi, hoặc là tôi không đăng nữa. Đối với những trường hợp đạo văn “rõ mười mươi” Trần Ninh Hồ cho rằng tác giả nên hành xử đúng, xin lỗi Linh Khiếu và nên thành thật.

Nhà thơ Trần Kim Anh: Sau khi theo dõi những tranh cãi xung quanh việc nhà thơ Phạm Phương Thảo có đạo thơ hay không, Trần Kim Anh chỉ nói nhẹ nhàng: “Tôi đã zoom to mấy bài thơ đọc để so sánh, thật lòng thấy rất buồn”!

Nhà văn Y Ban: Đừng hỏi vì sao văn chương xuống giá khi mà người ta cứ ăn cắp quanh quéo của nhau!

Nhà văn Y Ban là người lên tiếng rất gay gắt phản đối việc đạo văn. Chị cho rằng: chả ai muốn làm to những việc thế này mặc dù mọi người đều biết cả. Nhiều người muốn chuyện lớn hóa nhỏ chuyện nhỏ hóa không. Nhưng ở thời đại Google như hiện nay, chữ đồng nghĩa với từ khóa. Chỉ cần gõ từ khóa nó sẽ hiện ra tên tuổi, tác phẩm của người sáng tạo ra chữ ấy mà không cần phải gõ cụ thể tên tác giả tác phẩm. Đừng tưởng phải lấy cả bài cả đoạn mới là đạo. Mỗi người sáng tạo ra một chữ đều là tài năng, là trải nghiệm sống của người ta, chứ không phải cắt đầu cá vá đầu tôm mà thành tác giả lớn.

Nhà văn Y Ban

Y Ban cũng kiên quyết bảo lưu ý kiến phải xử lý nghiêm những trường hợp đạo văn, thơ để làm gương.

“Ăn cắp thì là ăn cắp, đừng đánh tráo khái niệm. Cũng đừng im lặng trước tất cả sự ăn cắp. Đừng hỏi vì sao văn chương xuống giá khi mà người ta cứ mãi ăn cắp quanh quéo của nhau!”, chị nói.

Tại Mỹ, chỉ cần trùng nửa câu đã bị coi là đạo văn!

Nghiên cứu sinh Trần Dương (Đại học Ohio, Mỹ) cho biết: tại các trường Đại học ở Mỹ, trên hệ thống của trường sẽ có chức năng scan các bài đã từng nộp trước đó. Khi có sinh viên nộp bài, nó sẽ quét dữ liệu để xem mức độ trùng. Nửa câu là bị tính đạo. Những chỗ trùng nó sẽ bôi đen, rồi sẽ có kết quả toàn bài là bao nhiêu phần trăm trùng, trùng với bài nào, của ai, nộp khi nào. Tất nhiên không phải thầy cô nào cũng áp dụng cái này vì hầu hết họ đề cao tính tự giác.

Thường nạn đạo văn được chia làm bốn loại chính là:

1. Đạo trực tiếp: ăn cắp câu/câu, chữ/chữ của người khác mà không ghi nguồn hoặc dùng dấu ngoặc kép.

2. Tự đạo bài của bản thân: sử dụng lại các câu, bài của chính mình viết cho một bài khác mà không có sự chấp thuận của tất cả giáo sư có liên quan.

3. Đạo khảm: sử dụng câu từ của người khác mà quên đóng ngoặc kép, hoặc viết lại câu từ của người khác nhưng vẫn giữ cấu trúc và ý cũ.

4. Vô tình đạo: viết nhầm nguồn trích dẫn hoặc vô tình sử dụng lại ý của người khác mà không ghi chú.

Trong giáo án của từng môn học đều có một điều mục về việc đạo văn, ghi rõ là sẽ bị xử phạt theo luật của trường, một số trường hợp nặng thì đuổi học, nhẹ thì bị trượt môn ngay lập tức không cần biết bài đó là giữa kỳ, cuối kỳ hay chỉ một bài tập hàng tuần.

ĐẠT NHI (Thực hiện)

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/van-hoa/tiep-chuyen-dao-tho-hay-khong-1389599.tpo