Tiếp cận khoa học công nghệ qua 'Không gian trải nghiệm năng lượng sạch'

Không gian trải nghiệm năng lượng sạch đầu tiên - Solar Experience Space (SES) vừa được khánh thành và đưa vào hoạt động tại khuôn viên Trường Đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh (ĐHQG TPHCM), mở ra cơ hội mới cho SV tiếp cận khoa học công nghệ tiên tiến.

Không gian trải nghiệm năng lượng sạch

Không gian trải nghiệm năng lượng sạch là Trung tâm Trưng bày tích hợp nhiều ứng dụng, công nghệ liên quan đến năng lượng sạch. Dự án do Công ty Năng lượng Mặt trời Bách khoa (SolarBK) phối hợp với Trường ĐH Bách khoa TPHCM (ĐHQG TPHCM) thực hiện.

Đây là mô hình trải nghiệm về năng lượng sạch đầu tiên tại Việt Nam dành cho giới trẻ, đặc biệt là các bạn sinh viên đam mê nghiên cứu, mong muốn học hỏi thêm kiến thức về ngành này.

Tên gọi của Không gian trải nghiệm năng lượng sạch xuất phát từ việc nó được vận hành 100% bằng năng lượng sạch. Hệ thống sử dụng 63 tấm pin năng lượng mặt trời với công suất lắp đặt 16.065 kWp. Giải pháp nước nóng năng lượng mặt trời được lắp đặt đồng thời phía trên mái.

Vận hành 100% bằng năng lượng sạch không chỉ có ý nghĩa về mặt chủ động nguồn cung năng lượng mà còn góp phần bảo vệ môi trường. Theo số liệu tính toán, không gian này giảm phát thải gần 23 tấn CO2 ra ngoài môi trường mỗi năm.

Không gian này cũng giới thiệu và trưng bày phần mềm giám sát hệ thống tự động. Hệ thống ghi nhận thời gian thực lượng điện sản sinh mỗi ngày, số tiền ước lượng tiết kiệm được và lượng CO2 giảm phát thải, từ đó đưa đến cho sinh viên nhận thức rõ hơn về tính ứng dụng của điện mặt trời trong đời sống.

PGS.TS Hoàng Nam - Phó Hiệu trưởng ĐH Bách khoa TPHCM - cho biết: “Solar Experience Space có ý nghĩa rất lớn đối với Trường ĐH Bách khoa, vì giúp kết nối sinh viên với các thiết bị và giải pháp công nghệ. Từ đó, các em sẽ ươm mầm những ý tưởng sáng tạo, phát kiến kỹ thuật”.

Sinh viên được tiếp cận khoa học công nghệ tiên tiến

Không gian bao gồm 2 tầng. Tầng trệt là khu trưng bày tích hợp nhiều ứng dụng, công nghệ liên quan đến năng lượng sạch, truyền tải những kiến thức về năng lượng sạch truyền tải một cách gần gũi, dễ hiểu và sinh động.

Theo ý tưởng thiết kế, không gian được chia làm 4 khu vực chính, giúp người xem có thể hiểu về năng lượng sạch từ những thành phần đơn lẻ đến giải pháp hoàn chỉnh. Đặc biệt, việc tích hợp công nghệ thông minh vào trong những giải pháp đã thể hiện rõ nền tảng nghiên cứu khoa học; Khu vực điện năng lượng mặt trời: Trình bày trọn gói quy trình từ sản xuất tế bào quang điện đến giải pháp điện năng lượng mặt trời hoàn thiện; Khu vực nhiệt năng lượng mặt trời: Trưng bày các sản phẩm và ứng dụng nhiệt năng lượng mặt trời. (Máy nước nóng năng lượng mặt trời); Khu vực giám sát và điều khiển từ xa.

Tại đây, người xem có thể biết được tình trạng hoạt động và các số hiệu của toàn bộ hệ thống được hiển thị theo thời gian thực. Hoạt động này cũng là cách để kết nối doanh nghiệp với sinh viên, giúp các bạn có tư duy thực tiễn về ngành, nghề ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, hình thành nguồn nhân lực chất lượng cao trong tương lai cho ngành năng lượng sạch Việt Nam.

Trong khi đó, tầng 2 là không gian cà phê thư giãn, hoặc tổ chức hội thảo chuyên sâu về chuyên ngành hệ thống mặt trời cho sinh viên. Thái Phương, sinh viên Trường ĐH Bách khoa TPHCM, cho biết: “Thú vị nhất là không chỉ được tìm hiểu về năng lượng sạch, mà còn tận mắt thấy các mô hình về ngành năng lượng sạch. Đó cũng là những gì mình đang được học và bây giờ thì được tiếp cận gần hơn với thực tế”.

Sinh viên vừa thưởng thức cà phê, vừa tìm hiểu về phần mềm giám sát hệ thống tự động. Hệ thống ghi nhận thời gian thực lượng điện sản sinh mỗi ngày, số tiền ước lượng tiết kiệm được và lượng CO2 giảm phát thải, từ đó đưa đến cho sinh viên nhận thức rõ hơn về tính ứng dụng của điện mặt trời trong đời sống…

Tất cả được giới thiệu, trưng bày khá sinh động, dễ hiểu. Lợi nhuận từ kinh doanh cà phê sẽ được trích để gây quỹ học bổng dành cho sinh viên theo học ngành Năng lượng tái tạo của Trường ĐH Bách khoa TPHCM.

PGS.TS Hoàng Nam – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa TPHCM - cho biết: Chúc mừng vì trường vừa có được một không gian, một địa điểm mới để cho quá trình dạy và học ở trường được thực sự tiếp cận với công nghệ khoa học tiên tiến. Hi vọng Không gian trải nghiệm năng lượng sạch sẽ là công cụ học tập trực quan để sinh viên hình thành nhận thức thực tiễn về năng lượng sạch, khi chính bản thân mình được trải nghiệm sử dụng điện trong khu vực này.

Được biết, sau khi đưa vào hoạt động khu trải nghiệm này, SolarBK sẽ tiếp tục nhân rộng dự án trên khắp các trường đại học đào tạo về kỹ thuật trên toàn quốc, tiếp tục thực hiện sứ mệnh phổ biến năng lượng sạch gần gũi hơn vào cuộc sống.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/tre/tiep-can-khoa-hoc-cong-nghe-qua-khong-gian-trai-nghiem-nang-luong-sach-3905612-b.html