Tiếp cận 'cơ hội kinh doanh lớn nhất của thế kỷ 21'

Phát triển bền vững giờ đây không còn là một khái niệm xa xôi, mà đã trở thành vấn đề 'sát sườn' của nhiều doanh nghiệp. Thậm chí theo H. Lee Scott, nguyên CEO Walmart, phát triển bền vững chính là cơ hội kinh doanh lớn nhất và duy nhất của thế kỷ 21.

Nỗ lực của doanh nghiệp

Từ 3 năm trước, chiến lược phát triển của CTCP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú đã có những thay đổi mang tính bước ngoặt, mà theo ông Lê Văn Quang -
Chủ tịch Tập đoàn, đó là yêu cầu bắt buộc nếu muốn tiếp tục tăng trưởng.

Một trong những thay đổi lớn nhất là gắn sản xuất, nuôi trồng với bảo tồn môi trường, bảo vệ rừng ở Việt Nam. Trước đây, người nông dân mở rộng vùng nuôi tôm bằng nhiều cách, trong đó có cả việc phá rừng. Những hộ nuôi trồng như vậy Minh Phú sẽ từ chối hợp tác, không mua tôm của họ để chế biến trong các nhà máy của Minh Phú.

Biến đổi khí hậu tại Đồng bằng sông Cửu Long đang ngày càng khốc liệt, diện tích xâm nhập mặn ngày càng mở rộng, người nông dân thay vì trồng lúa đã có thể chuyển sang nuôi tôm. Đồng thời với quan điểm “cứng rắn” về vùng nguyên liệu của Minh Phú, tình trạng phá rừng nuôi tôm đã giảm thiểu.

Câu chuyện của Minh Phú cho thấy vai trò quan trọng của các doanh nghiệp trong việc bảo vệ, xây dựng môi trường bền vững, vì một cuộc sống tốt đẹp hơn. Khi có sự chung tay, sẽ có chuyển biến tích cực.

Chuyển biến tích cực không chỉ là giữ lại được những cánh rừng mướt mắt, mà còn nhiều lợi ích khác đến với những bên có liên quan với doanh nghiệp, chẳng hạn như câu chuyện phát triển bền vững của CTCP Traphaco.

Bên ruộng actiso tươi tốt đến vụ thu hoạch, anh Thào A Cáng, thôn Má Tra, xã Xa Pả, huyện Sapa kể, vườn actiso bên hông nhà đã được vợ chồng anh gieo trồng gần chục năm, mỗi năm một lần gieo hạt, 4 lần cắt lá. Với nguồn thu nhập trung bình gần 200 triệu đồng/ha/năm từ trồng dược liệu actiso, cuộc sống của gia đình anh đã khấm khá hơn rất nhiều so với trước đây,trong nhà đầy đủ xe máy, tivi, tủ lạnh, còn để dành được khoản tiền tiết kiệm cả trăm triệu đồng phòng khi đau ốm… Rất nhiều gia đình đồng bào dân tộc H’Mông, Dao đã đổi đời nhờ cây actiso như thế.

Vui vì góp phần giúp bà con nơi đây xóa đói giảm nghèo, ông Nguyễn Huy Văn, Phó tổng giám đốc Traphaco, vẫn không thể quên “hành trình” mà
Traphaco đã dầy công thực hiện để đưa được màu xanh actiso trải rộng khắp Sapa.

Actiso từng được người Pháp trồng tại Sapa, nhưng dần bị mai một. Năm 1998, chỉ còn một vài cây sống sót ở vườn thực vật của Trung tâm Nghiên cứu phát triển cây thuốc Sapa. Với mong muốn phát triển loài cây có bề dày lịch sử, qua khảo nghiệm có khả năng phát triển rất tốt, lại chứa hàm lượng dược chất cao, Traphaco quyết tâm phục dựng cây actiso.

Khó có thể hết những khó khăn ban đầu, nhiều thách thức phải vượt qua đối với những kỹ sư trẻ của Traphaco. Năm 2000, Traphaco nhập giống actiso từ New Zealand về trồng, ban đầu cây phát triển tốt, nhưng sau 1 tháng thì bị thối rễ. Đến năm 2010, Traphaco tiếp tục nhờ Viện Dược liệu nhập giống actiso từ Hà Lan về trồng, nhưng giống không thuần chủng và lại thất bại. Traphaco từng mang actiso từ Đạt Lạt ra trồng trên đất Sapa. Actiso Đà Lạt nhân giống bằng hom, có bông to, thân nhẵn, mập mạp, nhưng chịu rét kém và sử dụng chủ yếu làm thực phẩm. Actiso Sapa lại gieo trồng bằng hạt, cây nhỏ, lá nhỏ hơn, có gai, thân thấp và đặc biệt có sức sống mãnh liệt, khả năng chống lại gió rét tuyệt vời.

Và actiso trở thành loại cây chiến lược trong hành trình phát triển bền vững của Traphaco, khi đây là 1 trong 3 dược liệu chính được chiết xuất, bào chế ra Boganic, thuốc bổ gan dẫn đầu thị trường trong nhóm thuốc bảo vệ gan mật tại Việt Nam 6 năm qua. Hiện nay, diện tích vùng trồng actiso của Traphaco tại 2 huyện Sapa và Bắc Hà đạt 60 ha, với sản lượng 2.200 tấn dược liệu tươi/năm, với 156 hộ dân tham gia, trong đó 80% là đồng bào dân tộc ít người. Những thành công bước đầu đã khích lệ đồng bào dân tộc vùng cao hào hứng với cây actiso, họ mong muốn được mở rộng vùng trồng để cuộc sống thêm ấm no hạnh phúc.

Phát triển bền vững, bào chế thuốc có hiệu quả điều trị cao từ các cây dược liệu quý trong nước, từ lâu đã trở thành chiến lược được đầu tư và ưu tiên hàng đầu của Traphaco. Ngoài actiso, Traphaco đang nỗ lực mở rộng “vùng xanh” với cây đinh lăng, bìm bìm, rau đắng đất, chè dây… theo dự án "Nghiên cứu, phát triển bền vững nguồn dược liệu Traphaco (Green Plan)" trải dài trên 36.300 ha khắp cả nước.

"Traphaco mong muốn tạo ra những mô hình điển hình về phát triển bền vững, phát triển kinh tế gắn với cây dược liệu. Ở đó, bà con nông dân được thu mua cây dược liệu với giá cao hơn thị trường 10%, được khuyến khích và hướng dẫn các vùng trồng đạt chuẩn GAP (trồng sạch) để đạt giá cao hơn và đặc biệt, với những cây sinh trưởng trong môi trường thiên nhiên, Traphaco phổ biến quy trình thu hái bền vững để cây phát triển tốt, chẳng hạn với chè dây, đồng bào không cắt dây, mà chỉ hái lá, hoặc nhân giống trồng ở rừng tái sinh", ông Văn nói.

Hiện những sản phẩm thân thiện với môi trường đang trở thành lợi thế cạnh tranh đắt giá của doanh nghiệp. Anh Trần Văn Dũng, nông dân ấp Hòa Phú (Kiên Giang) cho biết, hiện nay, đạm hạt đục và các loại phân bón khác của Đạm Cà Mau được bà con nông dân sử dụng ngày càng nhiều. Đó là do sản phẩm có đặc tính từ từ hòa tan trong đất, hạn chế gây thoái hóa đất.

Trước đây, có nhiều phù sa bồi đắp, đất đai tại Đồng bằng sông Cửu Long màu mỡ, bà con hầu như không quan tâm đến khía cạnh này, thoải mái sử dụng các loại phân bón kích thích cây lúa. Nay thực tế đã khác xa trước, thủy điện trên thượng lưu dòng Mekong chặn xả lũ đã khiến dòng phù sa trở nên ít ỏi, đất đai cằn cỗi, khiến bà con nông dân buộc phải quan tâm đến việc giữ đất cho các mùa vụ sau. Các loại phân bón có tác dụng dưỡng đất do vậy “lên ngôi”.

Điểm cộng vào giá trị doanh nghiệp

Chia sẻ về lợi ích của việc chuyển từ sử dụng dầu diesel sang năng lượng sạch, cụ thể là năng lượng sinh khối, để nấu bia tại các nhà máy của Heineken, ông Matt Wilson, Giám đốc Ngoại vụ cấp cao Heineken Việt Nam cho biết, sáng kiến này giúp Heneiken đẩy mạnh việc sử dụng năng lượng tái tạo, đồng thời giảm chi phí và tạo thêm nguồn thu nhập cho nông dân địa phương thông qua việc thu mua phế phẩm nông nghiệp là vỏ trấu (để từ đó tạo ra năng lượng sinh khối).

"Không những vậy, việc sử dụng năng lượng sinh khối còn giúp Heneiken giảm hơn 50% lượng phát thải CO2", ông Matt Wilson nhấn mạnh.

Phải chăng chúng ta đang sống trong thời điểm bất ổn? Những câu hỏi đó vẫn thường vang lên khi căng thẳng về địa chính trị toàn cầu tăng cao, các cuộc đàm phán về chủ nghĩa bảo hộ giữa các nền kinh tế lớn đang khiến những cuộc chiến tranh thương mại bùng nổ, đe dọa sự tăng trưởng. Những rủi ro về môi trường, biến đổi khí hậu, ô nhiễm không khí, nước và đất... ngày càng nghiêm trọng và trở thành mối đe dọa không chỉ đối với cuộc sống hiện tại, mà còn ảnh hưởng đến nền kinh tế và tương lai của chúng ta.

Trong bối cảnh như vậy, theo ông Hoàng Đức Hùng, Phó tổng giám đốc EY Việt Nam, Phó chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam, chiến lược phát triển bền vững có hiệu quả nhận diện và minh chứng các mối liên kết then chốt giữa các sáng kiến bền vững và các yếu tố tạo ra giá trị cho doanh nghiệp. Điều này cho phép doanh nghiệp xây dựng các kịch bản phát triển kinh doanh để quản lý phát triển bền vững một cách hiệu quả, từ đó tạo ra và bảo toàn giá trị.

“Từ trước đến nay, các doanh nghiệp đã tìm cách tối đa hóa giá trị cho cổ đông, chủ sở hữu (tức lợi nhuận) và bỏ qua giá trị cho tất cả các bên liên quan khác. Trong khi đó, các bên liên quan đang ngày càng có ảnh hưởng, quyết định việc doanh nghiệp có được cấp phép hoạt động, cũng như danh tiếng của doanh nghiệp. Do đó, để đảm bảo thành công dài hạn, giá trị cho các bên liên quan phải được tối đa hóa”, ông Hùng nêu quan điểm.

Một khảo sát các CEO toàn cầu do PWC thực hiện mới đây về các nhân tố làm chuyển đổi mô hình kinh doanh trong vòng 5 năm tới cho thấy, các CEO chấm 81% cho phát triển công nghệ, 46% cho khan hiếm tài nguyên, biến đổi khí hậu, 59% chuyển dịch kinh tế toàn cầu.

Cũng cần lưu lý là 78% người tiêu dùng được khảo sát cho biết, họ có xu hướng mua hàng hóa và dịch vụ từ các doanh nghiệp có các chương trình phát triển bền vững. Kết quả này cũng là lý do giải thích cho việc Minh Phú đã chuyển mạnh chiến lược phát triển vùng nuôi ở trên. Khi người tiêu dùng bất chợt đọc được tin tức nào đó về sản phẩm X,Y có được từ “phá rừng”..., chắc chắn họ sẽ loại chúng khỏi danh mục mua sắm.

Một nghiên cứu của Ocean Tomo cũng cho thấy, giá trị thị trường của các doanh nghiệp trong S&P500 đã có sự thay đổi rõ rệt về cơ cấu, trong đó, các tài sản hữu hình như vốn, nợ... ngày càng chiếm tỷ trọng thấp. Trái lại, các tài sản vô hình như giá trị thương hiệu, uy tín, kế hoạch nghiên cứu và phát triển, độ hài lòng của khách hàng, sức khỏe và an toàn, hiệu quả hoạt động về môi trường, sự đồng thuận của xã hội đối với hoạt động của doanh nghiệp... ngày càng “tăng điểm” (xem biểu đồ).

“Với sự đồng lòng về mục tiêu và định hướng, chuyển thành hành động, chúng ta sẽ có thể tiến xa hơn nữa trong việc đạt được các mục tiêu phát triển bền vững”, ông Matt Wilson tin tưởng và dẫn chứng, một trong những khó khăn mà Heineken gặp phải là tìm được đối tác phù hợp để thực hiện các hoạt động của mình, ví dụ như đối tác trong ngành năng lượng sinh khối và năng lượng mặt trời, đang dần được khắc phục khi ngày càng có nhiều công ty cam kết phát triển bền vững và muốn cùng hợp tác với nhà sản xuất bia này.

Với thực tế trên, có thể dự báo của H. Lee Scott, nguyên CEO của Walmart: “Phát triển bền vững là cơ hội kinh doanh lớn nhất, duy nhất của thế kỷ 21 và sẽ là nguồn tiếp theo để tạo ra lợi thế cạnh tranh” sẽ sớm trở thành hiện thực.

Thủy Nguyễn

Nguồn ĐTCK: http://tinnhanhchungkhoan.vn/dau-tu-/tiep-can-co-hoi-kinh-doanh-lon-nhat-cua-the-ky-21-236942.html