Tiếp cận các gói hỗ trợ tài chính: Doanh nghiệp than khó

Các gói hỗ trợ tài chính của Chính phủ được ví như liều 'doping' giúp doanh nghiệp (DN) bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 phục hồi sản xuất. Thế nhưng, một số DN xuất khẩu ngậm ngùi nhìn sự hỗ trợ này trượt qua tầm tay khi không thể tiếp cận được.

Bà Phạm Nguyên Hạnh - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam - cho hay: Điều 5, Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg của Chính phủ quy định về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Trong đó, đối tượng thụ hưởng là người làm việc theo hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc, lao động tự do bị mất việc làm (mất 50% việc làm). Tuy vậy, với DN dệt may, nếu để mất tới 50% việc làm thì tương đương với phá sản. Do đó, mọi DN đều phải xoay sở tìm việc làm, thậm chí dốc cả nguồn dự trữ ra để giữ chân công nhân để sau đại dịch có thể lập tức sản xuất với các đơn hàng lớn. Điều kiện để hưởng gói hỗ trợ này đã rất khó với DN dệt may.

Doanh nghiệp xuất khẩu mong muốn sớm tiếp cận các gói hỗ trợ tài chính

Doanh nghiệp xuất khẩu mong muốn sớm tiếp cận các gói hỗ trợ tài chính

Gói giảm, giãn thuế cũng chưa thực sự đến được DN dệt may do phần lớn DN làm xuất khẩu nên không có thuế VAT. Cùng đó, thuế thu nhập DN năm 2019 đã tạm nộp hàng quý, số còn lại chưa nộp chỉ là 1 quý, trong khi quý I/2020 không có lợi nhuận nên chiểu theo chính sách này thì DN dệt may không được giảm. Tiền thuê đất tỷ trọng trong chi phí thấp, nên cũng không tác động được đáng kể khi được gia hạn nộp. "Đối với DN dệt may, quan trọng nhất là hoãn đóng bảo hiểm xã hội, phí công đoàn, bảo hiểm thất nghiệp bởi chi phí này lên tới 34% của quỹ lương (mà quỹ lương chiếm 60% chi phí DN)" - bà Phạm Nguyên Hạnh nói.

Tương tự, DN ngành da giày cũng than khó tiếp cận gói hỗ trợ tài chính của Chính phủ. Ông Nguyễn Văn Khánh - Phó Chủ tịch Hội Da giày thành phố Hồ Chí Minh - từng chia sẻ: Việc tiếp cận gói hỗ trợ tài chính của các DN gặp nhiều khó khăn do thủ tục rườm rà. DN phải làm báo cáo kiểm toán, đánh giá thiệt hại, tình hình hoạt động, chứng minh thanh khoản… Do đó, các DN nhỏ hầu như không thể tiếp cận được gói hỗ trợ này. "Thời điểm này, các DN xuất khẩu nói chung, da giày nói riêng không có đơn hàng mới mà chỉ thực hiện các đơn hàng đã ký nên vốn vay mới hầu như không cần thiết. Điều DN cần lúc này là giãn thời hạn trả nợ cũ, giảm lãi với các khoản vay cũ…" - ông Khánh nhấn mạnh.

Trước những khó khăn trong tiếp cận các gói hỗ trợ tài chính của Chính phủ, đặc biệt trong thời điểm dịch bệnh đã từng bước được kiểm soát, DN đang tìm mọi cách khởi động lại sản xuất, bà Phạm Nguyên Hạnh đề xuất: Thuế thu nhập DN, tiền thuê đất mà DN dệt may đã nộp cho năm 2019 nên được trừ vào các phí cần đóng như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, phí công đoàn… của năm 2020. Đặc biệt, với việc trả chậm hai loại quỹ hưu trí và tử tuất trong bảo hiểm xã hội nên miễn luôn và DN dùng ngay tiền đó "nuôi" công nhân trong hiện tại.

Ông Nguyễn Hữu Thành - Giám đốc Công ty Cổ phần Kết nối châu Âu (EURO LINK) - mong muốn: Chính phủ nới lỏng hơn nữa các điều kiện được nhận hỗ trợ, trợ sức cho DN đúng thời điểm.

Bà Phạm NguyênHạnh- Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam:

Các gói hỗ trợ tài chính của Chính phủ được đưa vào thực thi đúng thời điểm sẽ giúp cộng đồng DN giảm bớt dòng tiền ra và có điều kiện thuận lợi sớm tái khởi động sản xuất.

Việt Nga

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/tiep-can-cac-goi-ho-tro-tai-chinh-doanh-nghiep-than-kho-138297.html