Tiếp bài 'Sai phạm ở Kho bạc Nhà nước Nam Định': 'Bàn tay' nào che mắt dư luận?

KTNT - Sau những 'khuất tất' ở Kho bạc Nhà nước tỉnh Nam Định, dư luận hoài nghi có hay không 'bàn tay' bao che, 'giật dây' cho Giám đốc Vũ Văn Yên vi phạm pháp luật?

>> Có hay không lợi ích nhóm?

>> Cố ý làm trái, gây thiệt hại nghiêm trọng

>> Mang của công cho mượn

>> Lãng phí ngân sách nhà nước?

>> Kho bạc Nhà nước tỉnh Nam Định: “Khuất tất” việc bổ nhiệm cán bộ (?!)

Đơn thư tố cáo ông Yên gửi Báo Kinh tế nông thôn.

Xử lý đơn có đúng luật?

Trước những vấn đề “mờ ám” của ông Vũ Văn Yên, bà Phạm Thị Liên công tác tại Kho bạc Nhà nước Nam Định đã mạnh dạn làm đơn tố cáo lên các cơ quan có thẩm quyền và Báo Kinh tế nông thôn.

Những tưởng các cơ quan liên quan sẽ xử lý đơn thư theo đúng quy định của pháp luật. Nhưng theo bà Liên, trong những lá đơn gửi các cơ quan chức năng thì Kho bạc Nhà nước thụ lý giải quyết đơn tố cáo theo văn bản chuyển tới của Thanh tra Bộ Tài chính chứ không phải là từ xem xét đơn tố cáo của bà gửi. Việc này, người có đơn tố cáo có quyền hoài nghi, phải chăng xử lý đơn là bắt buộc phải làm từ sự chỉ đạo của cấp trên chứ không phải từ trách nhiệm của Kho bạc Nhà nước theo Luật Tố cáo (?!).

Theo phản ánh của bà Liên, ông Nguyễn Hồng Hà, Tổng giám đốc Kho bạc Nhà nước giải quyết tố cáo có phần “bao che” cho sai phạm. Việc này được thể hiện trong Thông báo số 414/TB-KBNN ngày 29/1/2016. Cụ thể, bà Liên tố cáo ông Yên khi luân chuyển, điều động phải “trao đổi với thủ trưởng đơn vị nơi có công chức đi và làm việc với đơn vị nơi công chức đến” như quy định tại Công văn 2047/KBNN-TCCB ngày 24/9/2015.

Nhưng ông Yên lại bỏ mặc cán bộ cấp dưới khi nói rằng: “Nếu Kho bạc Nhà nước huyện không nhận thì các đồng chí phải chịu”. Hành vi ấy được ông Nguyễn Hồng Hà cho rằng, Kho bạc Nhà nước Nam Định làm đúng vì đã đề nghị bố trí sắp xếp nhân sự trong Báo cáo số 229/BC-KBNĐ ngày 17/8/2015. Đó chỉ là dự định, còn sự thật ông Hà quên mất rằng ông Yên đã “mang con bỏ chợ” trước đấy. Vậy là nội dung tố cáo một đằng, ông Hà giải quyết một nẻo, để rồi kết luận bà Liên tố cáo sai sự thật. Thật là “khó hiểu”!?

Ở nội dung khác, bà Liên tố cáo, vào ngày 6/1/2015, ông Yên đẩy cán bộ có nhiều thành tích vào chỗ mất vị trí lãnh đạo. Sau khi có đơn của Thanh tra Bộ Tài chính yêu cầu Kho bạc Nhà nước giải quyết tố cáo, ông Hà đã nhanh chóng mở một loạt các cuộc họp trao đổi sắp xếp vị trí công tác của bà Liên.

Sau thời gian có đơn thư phản ánh, ngày 26/11/2015, Kho bạc Nhà nước Nam Định ra quyết định miễn nhiệm bà Liên để kiện toàn bộ máy tổ chức vốn đã bị chỉ trích là đơn vị duy nhất còn lại chưa hoàn thành kiện toàn tổ chức của hệ thống Kho bạc?

Hơn nữa, ai cũng biết tại thời điểm tố cáo thì rõ ràng bà Liên chưa nhận được vị trí công tác mới (do sáp nhập bộ phận kho quỹ vào bộ phận kế toán) như nội dung tố cáo.

Nhưng khi xử lý đơn thư, ông Hà chỉ xem xét phần khắc phục sau sai phạm mà chưa xem xét đến hành vi sai phạm trước đó của ông Yên nên mới cho rằng bà Liên tố cáo sai sự thật.

Việc xây dựng trụ sở làm việc của Kho bạc Nhà nước Nam Định có nhiều khuất tất.

Tố gà, xử lý vịt

Theo đơn thư của bà Liên, nghiêm trọng hơn, ngày 26/10/2015, cả tập thể 23 cán bộ nhân viên Kho bạc Nhà nước Nam Định, trong đó có cả ông Yên và hầu hết mọi người không chứng kiến sự việc nhưng lại viết đơn lên Kho bạc Nhà nước với nội dung chồng bà Liên đe dọa tới thân thể ông Yên. Việc viết đơn này xảy ra tại trụ sở Kho bạc Nhà nước Nam Định.

Chia sẻ với chúng tôi, cả hai vợ chồng bà Liên khẳng định, điều đó hoàn toàn bịa đặt và chịu trách nhiệm hoàn toàn trước pháp luật. Còn ông Yên thì: “Không có bằng chứng nào”.

Ngay sau đấy, bà Liên tố cáo lên Kho bạc Nhà nước với nội dung ông Yên đã thảo sẵn đơn ở nhà và “chỉ đạo” mọi người ký với nội dung vu khống trắng trợn, xúc phạm nghiêm trọng tới danh dự, nhân phẩm chồng bà.

Việc này ông Hà lại cho rằng vụ việc không thuộc thẩm quyền giải quyết. Nhưng “điều lạ” là ông Hà vẫn cho xác minh việc ông Yên không ép mọi người ký đơn và kết luận bà Liên tố cáo sai.

Người tố cáo đặt câu hỏi: Tại sao đơn tố cáo với nội dung ông Yên vu khống trắng trợn thì ông Hà lại đi giải quyết việc ông Yên không ép 22 nhân viên ký đơn (?!). Cũng chính từ đây, kéo theo nhiều việc “mờ ám” ở Kho bạc Nhà nước Nam Định.

Báo Kinh tế nông thôn tiếp tục cung cấp thông tin đến bạn đọc.

Luật sư Trương Tiến Hùng, Giám đốc Công ty luật TNHH Hồng Phú (Đoàn Luật sư Hà Nội) chia sẻ: “Hệ thống văn bản luật về tố cáo quy định người giải quyết tố cáo phải xem xét khách quan toàn diện, không chỉ xem xét nội dung tố cáo mà người giải quyết tố cáo phải tuân thủ cả Luật Thanh tra, như vậy, người tố cáo còn có nhiệm vụ phát hiện các vi phạm khác ngoài nội dung tố cáo. Ở đây, việc Kho bạc Nhà nước giải quyết đơn tố cáo của bà Phạm Thị Liên vi phạm nghiêm trọng Luật Tố cáo. Ví dụ: Ông Nguyễn Hồng Hà chỉ xem xét biện pháp khắc phục vi phạm của ông Yên sau khi bà Liên có đơn tố cáo chứ không xem xét hành vi đẩy cán bộ có nhiều thành tích vào chỗ mất vị trí lãnh đạo của ông Vũ Văn Yên trước khi bà Liên có đơn tố cáo. Hơn nữa, ông Hà cũng không phát hiện việc ông Yên vi phạm về quản lý tài sản tại ki ốt số 5 chợ Rồng, cũng không thu hồi tài sản không sử dụng mà ông Yên cho Vietinbank “mượn” như nội dung đơn tố cáo. Đặc biệt, ông Hà không đưa ra hình thức kỷ luật đối với ông Yên khi đã có kết luận ông Yên cố ý làm trái Điều 24 Luật Tố cáo. Tôi cho rằng, ông Hà chưa hoàn thành trọng trách của người lãnh đạo Kho bạc Nhà nước, không những thế ông Hà còn là người vi phạm về luật tố cáo, luật quản lý tài sản, pháp luật về đầu tư xây dựng”.

Nhất Nam

Mọi thông tin bạn đọc khiếu nại, phản ánh, xin liên hệ Báo Kinh tế nông thôn, 57 Hàng Chuối, phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội. Đường dây nóng: 0913516232. E-mail: thomktnt@gmail.com.

KTNT

Nguồn KTNT: https://kinhtenongthon.vn/tiep-bai-%E2%80%9Csai-pham-o-kho-bac-nha-nuoc-nam-dinh%E2%80%9D-%E2%80%9Cban-tay%E2%80%9D-nao-che-mat-du-luan-post15736.html