Tiếp bài 'Hải Phòng: Chính quyền xã khai khống, ăn chặn tiền hỗ trợ của dân': Sai tới đâu, xử lý tới đó!

KTNT - Liên quan tới việc chính quyền xã Việt Tiến khai khống diện tích trồng ớt, giả mạo chữ ký để ăn chặn tiền hỗ trợ của người dân, ông Nguyễn Trọng Nhưỡng, Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Bảo (TP. Hải Phòng), cho biết, việc người dân phản ánh là đúng, huyện đã yêu cầu xã trả lại tiền cho dân. Còn xã sai phạm ở mức độ nào phải đợi kết luận của thanh tra, quan điểm của huyện là sai tới đâu thì phải xử lý tới đó.

>> Hải Phòng: Chính quyền xã khai khống, ăn chặn tiền hỗ trợ của dân!

Trao đổi với phóng viên Báo Kinh tế nông thôn, ông Nguyễn Trọng Nhưỡng, Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Bảo, cho biết, huyện đã nhận được đơn của người dân, chúng tôi cũng đã mời xã lên báo cáo lại sự việc, đồng thời giao cho thanh tra thụ lý đơn.

Ông Nhưỡng cho biết, Nhà nước hỗ trợ 500 đồng/cây giống, nhân với số cây trong một sào là ra tổng số tiền được hỗ trợ. Cây ớt khi trồng phải sống, cho thu hoạch mới được hỗ trợ khâu giống. Nhưng cán bộ xã lại nghĩ sai trong công văn của thành phố, cứ nghĩ phải mua cây giống mang về cho dân là mới đúng nhưng sự việc không phải như vậy.

Từ đó, nảy sinh chuyện người nào không nhận giống thì không nhận được tiền hỗ trợ. Người dân đã tự mua giống rồi thì mình phải trả tiền cho người ta. Ông xã lại lý luận ông không lấy giống thì không được nhận tiền là không đúng.

Việc xã ký hợp đồng với ai không cần biết, về nguyên tắc, Nhà nước hỗ trợ ruộng của người dân giống ớt, còn ai phục vụ giống thì người đó được hưởng tiền. Mấy anh cán bộ xã không hiểu cứ tưởng hỗ trợ 500 đồng/cây thì xã sẽ hợp đồng với công ty để cung cấp giống. Ngay sau khi có phản ánh của người dân, huyện yêu cầu xã phải trả tiền lại cho dân, dứt khoát phải trả tiền cho dân, người dân trồng thì người dân phải được hưởng. Đúng ra, khi có chính sách hỗ trợ, xã phải bàn bạc với dân, nếu người dân không nhất trí lấy giống thì anh phải trả tiền cho người ta, mặc dù trong quy định là cấp giống.

"Việc này huyện đang thành lập đoàn xuống thanh tra, kết quả cụ thể thì phải chờ khi có kết luận. Tuy nhiên, nguyên tắc của huyện là người dân trồng là người dân phải được hưởng theo cơ chế của địa phương, không thể từ cơ chế này chệch choặc sang chỗ khác được. Sai thì phải thu hồi, còn anh sai tới đâu thì phải xử lý tới đó", ông Nhưỡng nói.

Ông Nguyễn Trọng Nhưỡng, Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Bảo.

Cũng theo ông Nhưỡng, để xảy ra sai phạm ở cơ sở trước hết trách nhiệm thuộc về người đứng đầu của huyện, sai tới đâu người đứng đầu của huyện phải chịu trách nhiệm tới đấy. Còn người trực tiếp liên quan (tức đơn vị xuống nghiệm thu diện tích trồng ớt ở xã Việt Tiến - PV) tới đâu phải chịu trách nhiệm tới đó, còn cụ thể thế nào phải đợi kết luận của thanh tra.

Trao đổi với phóng viên, ông Đặng Duy Thức, Phó trưởng phòng Tài chính - Kế hoạch huyện Vĩnh Bảo, cho hay, về cơ bản thành phố đã quy định rõ, khi về địa phương phải có kế hoạch thực hiện. Làm xong phải có báo cáo nghiệm thu gồm: danh sách các hộ dân đăng ký, danh sách các hộ dân trồng ớt theo đúng số liệu, quyết định phân bổ của thành phố thì Phòng sẽ cấp tiền về xã.

Trả lời câu hỏi của phóng viên, khi xã gửi danh sách yêu cầu Phòng cấp ngân sách, Phòng có phải thẩm định lại danh sách và diện tích mà xã gửi lên không?. Ông Thức cho biết, trách nhiệm đó xã phải tổ chức triển khai thực hiện và Phòng Nông nghiệp chủ trì giám sát việc làm của xã.

"Căn cứ vào hồ sơ của địa phương trình lên, Phòng sẽ kiểm tra về mặt trình tự, đầy đủ về các loại hồ sơ là Phòng chuyển tiền về xã. Chúng tôi đi kiểm tra nếu sai thì xã phải chịu trách nhiệm", ông Thức khẳng định.

"Nếu đúng cuối năm ngoái xã Việt Tiến đã giải ngân xong, có báo cáo trước Hội đồng nhân dân vào đầu năm 2014, nhưng đến tận bây giờ người dân chưa nhận được tiền thì nhất khoát xã đã sai rồi. Quản lý nhà nước về mặt tài chính cấp dưới có sai phạm thì chúng tôi cũng có trách nhiệm", ông Thức cho biết.

Còn theo Bà Phạm Thị Liên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy Vĩnh Bảo, chúng tôi đã nhận được đơn của người dân, sau khi phân tích thấy vấn đề này thuộc thẩm quyền của UBND huyện và một số cơ quan chức năng. Chúng tôi đã sang làm việc với Phòng Nông nghiệp và Thanh tra huyện, đồng thời chuyển đơn sang cho bên thanh tra xử lý.

Vừa qua họp nội chính, đồng chí Chánh thanh tra huyện báo cáo đã được đồng chí Nhưỡng chỉ đạo giao trực tiếp cho phòng Nông nghiệp và Thanh tra huyện phối hợp để gặp nguyên đơn thống nhất nội dung tố cáo và làm quy trình thực hiện giải quyết theo Luật Khiếu nại, tố cáo. Khi UBND huyện có kết luận, căn cứ vào các sai phạm, chúng tôi mới xem xét xử lý đối với đảng viên vi phạm.

Bà Liên nhấn mạnh, nếu sai phải làm tới nơi tới chốn, không thể nương nhẹ những chuyện như thế được. Cả nước đang bài trừ nạn tham nhũng, chúng tôi rất ủng hộ việc đó. Kể cả Bí thư Huyện ủy cũng đang rất bức xúc chứ không chỉ riêng người dân. Nhưng bây giờ mình làm phải có quy trình và phải tôn trọng quy trình.

Kinh tế nông thôn sẽ tiếp tục thông tin./.

Hoàng Văn

KTNT

Nguồn KTNT: https://kinhtenongthon.vn/tiep-bai-%E2%80%9Chai-phong-chinh-quyen-xa-khai-khong-an-chan-tien-ho-tro-cua-dan%E2%80%9D-sai-toi-dau-xu-ly-toi-do-post14956.html