Tiếng vọng ngàn xưa

Sự tồn tại của một vương triều phong kiến chỉ khép lại, khi nó đánh mất vai trò trên vũ đài chính trị - lịch sử và bị thay thế bằng những lực lượng xã hội mới, tiến bộ hơn.

Các loại tiền thời Lý.

Song, dấu ấn hay những hồi quang từ quá khứ, thì vẫn tỏa rạng qua những di sản nó để lại cho hậu thế. Đặc biệt là với vương triều đặt nền móng cho nền thái bình và phát triển đất nước như nhà Lý, thì cái kho tàng di sản ấy càng đồ sộ và giàu giá trị.

Dấu ấn mà vương triều Lý còn lưu lại trên đất Thanh Hóa, cho đến tận ngày nay, được phản ánh chân thực qua những di sản vật thể và phi vật thể hay những sản phẩm vật chất và tinh thần, có giá trị cao về mặt lịch sử, văn hóa, khoa học. Đặc biệt là hàng trăm cổ vật, đã được phát hiện và đang được trưng bày tại Bảo tàng tỉnh. Trong đó, phong phú hơn cả là các vật dụng sinh hoạt bằng gốm (bát, đĩa, thạp, liễn, ấm...), vật kiến trúc bằng đất nung (tượng phật, ngói, gạch, mảnh đầu đao...), nhạc khí hay đồ tế lễ bằng đồng (trống đồng) và một số loại tiền được đúc dưới thời các vua Lý, tiền thời Tống (Trung Quốc), tiền Triều Tiên. Những cổ vật này có thể xem là pho tư liệu quý, một mặt phản ánh sự phát triển xã hội đã ở một trình độ khá cao; mặt khác, minh chứng cho tài năng, sự khéo léo và tinh thần sáng tạo tuyệt vời của cha ông ta ở thế kỷ XI - XIII.

Đồ gốm thời Lý.

Có nhận định cho rằng, đồ gốm thời Lý đã đạt đến một trình độ mới, khi có sự kết hợp giữa tinh hoa truyền thống với kỹ thuật và kinh nghiệm từ bên ngoài. Nhiều sản phẩm được trưng bày tại Bảo tàng tỉnh là những sản phẩm kỹ - nghệ thuật tinh tế, độc đáo và đầy ấn tượng, nhờ bởi tạo tác bằng kỹ thuật khắc chìm, đắp nổi, hài hòa với màu sắc và họa tiết vô cùng sinh động. Ví như chiếc ấm men ngọc hình quả dưa, một trong những cổ vật tiêu biểu của gốm men ngọc - dòng gốm được đánh giá là đỉnh cao của đồ gốm thời Lý. Ấm có miệng đứng, gờ miệng bằng, thành miệng thẳng, vai xuôi, trên vai gắn vòi và quai đối xứng được trang trí hình đầu và đuôi rồng; thân ấm tròn hình quả dưa, chân đế thấp, đáy gần bằng, để mộc. Toàn thân ấm được phủ lớp men màu xanh ngọc nhạt và trang trí họa tiết hoa cúc dây; giữa vai có 4 đường chỉ chìm tạo thành dải ngăn cách hai băng hoa văn.

Gốm men ngọc thời Lý nổi tiếng do được chế tạo khá công phu. Các sản phẩm gốm này được làm từ đất sét trắng, lọc kỹ tạp chất, xương gốm mịn, rắn chắc, độ nung cao. Lớp men phủ ngoài trong, bóng, màu sắc chủ đạo là vàng xám, vàng chanh, xanh ngọc sẫm hoặc xanh ngả da táo. Men phủ dày, mỏng phụ thuộc vào nét khắc, tạo nên hiệu quả thẩm mỹ đặc biệt. Hoa văn trên gốm men ngọc đa dạng, nhưng thường gặp nhất là đề tài hoa lá như hoa sen và hoa cúc dây cách điệu, em bé ẩn trong hoa... Cùng với gốm men ngọc, thì gốm hoa nâu cũng được xem là một đỉnh cao và đóng góp những bằng chứng sinh động về sự hưng thịnh của nghề gốm dưới thời Lý. Gốm chỉ nung qua lửa một lần, cốt gốm dày, kích thước lớn, dáng chắc khỏe. Đặc biệt, khi tô màu trên men, màu chảy hòa vào lớp men tạo cho sản phẩm độ bóng cao. Hoa văn trang trí tương đối thoáng và đa dạng, ngoài hoa lá còn có hình Phật, kim cương, vũ nữ, hình người đấu giáo, rồng và mây, các loài động vật... kết hợp chạm đắp nổi hoặc in nổi, với khắc chìm hoặc in chìm.

Có thể khẳng định, các vật dụng sinh hoạt bằng gốm, vật kiến trúc bằng đất nung, trống đồng hay tiền đồng có niên đại từ thế kỷ XI-XIII, không chỉ có giá trị sử dụng ở thời điểm bấy giờ. Bởi, với trình độ sản xuất, chế tác đã đạt đến một năng lực thẩm mỹ và kỹ thuật cao, thì nhiều trong số đó đã thực sự trở thành những tạo tác nghệ thuật tuyệt mỹ. Trải qua ngót nghìn năm tồn tại, các cổ vật này đã hư hao đi ít nhiều. Song, với vẻ đẹp và giá trị riêng có, nó vẫn luôn là lời đồng vọng từ quá khứ, để hậu thế cảm khái, tự hào và trân trọng. Trao đổi với chúng tôi về ý nghĩa của hệ thống cổ vật thời Lý đang được lưu giữ, trưng bày tại đơn vị, ông Trần Đình Dương, Giám đốc Bảo tàng tỉnh, cho biết: Đây là những cổ vật tiêu biểu, độc đáo, đa dạng về loại hình và chất liệu, có khả năng phác họa nên những nét tổng quan về kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội của Thanh Hóa thời Lý. Đồng thời, sự tồn tại của các cổ vật, cho đến ngày nay, cũng là sự tôn vinh tài hoa cùng sức lao động của những nghệ nhân xứ Thanh. Từ đó, góp phần khẳng định sức sống mãnh liệt, tinh thần tự tôn dân tộc và bản sắc riêng của văn minh Đại Việt dưới thời Lý.

Khôi Nguyên

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/tim-hieu-990-nam-danh-xung-thanh-hoa/tieng-vong-ngan-xua/100598.htm