Tiếng vọng của ốc biển

“Ốc biển có rất nhiều loại với đặc thù sinh sống cố định ở các vùng biển khác nhau, được ca tụng chính là linh vật của đại dương. Với Việt Nam cũng vậy, nếu đã phù hợp với vùng biển, khí hậu, thời tiết thì những loại ốc biển khó có thể sinh sống tại khu vực khác. Chính vì vậy, việc tìm hiểu, sưu tầm ốc tại các vùng biển Việt Nam trong nhiều năm qua của tôi cũng chính nhằm mục đích khẳng định chủ quyền biển đảo nước nhà”.

Đây là chia sẻ của nhà sưu tầm ốc biển Phan Thanh Toại (46 tuổi, trú Q. Hải Châu, Đà Nẵng) người dành 15 năm tâm huyết nghiên cứu, tìm tòi, sưu tầm các loại ốc biển tại dọc vùng biển Việt Nam và cả 2 khu vực quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa (Việt Nam).

Nhà sưu tầm Phan Thanh Toại bên cạnh các loại ốc biển quý hiếm được anh nghiên cứu, sưu tầm.

Nhà sưu tầm Phan Thanh Toại bên cạnh các loại ốc biển quý hiếm được anh nghiên cứu, sưu tầm.

Sưu tầm ốc biển xuất phát từ tình yêu Tổ quốc

Phòng làm việc của nhà sưu tầm Phan Thanh Toại đặt tại Trung tâm bơi lội Đà Nẵng. Tiếp chúng tôi anh cho biết, vừa tặng toàn bộ hơn 1.000 loại ốc biển cho Nhà Trưng bày Hoàng Sa nhằm giới thiệu đến người dân, du khách. Chia sẻ về tình yêu với ốc biển, ký ức tuổi thơ của anh lại ùa về. Phan Thanh Toại sinh ra và lớn lên tại vùng biển Thanh Bình (Q. Thanh Khê, Đà Nẵng). Những buổi chiều tà, anh thường cùng với chúng bạn vui đùa bên bãi biển, nhặt từng vỏ ốc nhỏ để mang về nhà lưu giữ. Sống gần biển nên anh Toại bơi rất giỏi, sau này lớn lên trở thành huấn luyện viên bơi lặn tại Trung tâm Bơi lội Đà Nẵng. “Năm 2005, trong 1 lần cùng đoàn VĐV bơi lội Đà Nẵng tập huấn tại Trung Quốc, tôi được người bạn bản xứ tặng cuốn sách tựa đề “Ốc Trung Quốc”. Lướt đọc và tìm hiểu trong những trang sách, tôi nhận thấy có rất nhiều loại ốc vẫn đang hiện diện tại Việt Nam. Lúc đó, trong đầu tôi nảy lên suy nghĩ “Vì sao Trung Quốc khẳng định đây là ốc của họ, trong khi Việt Nam vẫn có rất nhiều loại ốc tương tự như vậy?”. Từ đó, tôi quyết tâm phải tự mình nghiên cứu, sưu tầm bằng được những loại ốc từ vùng biển của quê hương”, anh Toại bộc bạch.

Sau đợt tập huấn, anh Toại bắt đầu hành trình 15 năm sưu tầm ốc biển. Để tìm được những loại ốc biển đặc biệt, độc, lạ, anh đã đi khắp mọi vùng biển trong cả nước để tìm hiểu, đặt mua. Đặc biệt, với những loại ốc biển chỉ có ở quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, anh thông qua các ngư dân thường xuyên ra khơi bám biển để đặt hàng. “Trong thời gian đầu tìm hiểu về ốc biển, tôi may mắn tìm đọc được cuốn sách “Ốc biển Việt Nam” của tiến sĩ Phạm Ngọc Thạch. Và đây cũng chính là cơ sở để tôi có thêm nhận thức, hiểu biết về đặc tính, cấu tạo, cách nhận diện các loại ốc biển của Việt Nam, qua đó, giúp cho công tác sưu tầm được toàn diện hơn”, anh Toại chia sẻ.

Anh Phan Thanh Toại cầm trên tay “ốc mực giấy” với mệnh danh là “hóa thạch sống” của thế giới động vật được tìm thấy tại quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam (Ảnh do nhân vật cung cấp).

1.000 ốc biển cho Nhà Trưng bày Hoàng Sa

Theo anh Toại, hiện nay, vùng biển Việt Nam có khoảng 7.000 đến 10.000 ốc biển. Bộ sưu tập của anh hiện nay có hơn 1.000 loại, trong đó có 2 hóa thạch Ốc Anh Vũ quý hiếm có tuổi thọ hàng trăm năm. Ốc Anh Vũ có đặc điểm hình dáng không thay đổi so với tổ tiên có niên đại cách đây 350 đến 400 triệu năm. Ngoài các loại ốc có ở dọc ven biển đất nước, hiện tại, anh còn sưu tầm được những loại ốc biển ở quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam như: Ốc Kim Khôi, Anh Vũ, Ốc Mực Giấy, Sò Gai,... Việc nghiên cứu, sưu tầm các loại ốc ở 2 quần đảo thiêng liêng của Tổ quốc cũng thể hiện mong muốn của bản thân Phan Thanh Toại trong vấn đề khẳng định chủ quyền biển đảo của đất nước.

Ngoài sưu tầm ốc biển, anh Toại còn sưu tầm hóa thạch cua đá, Hiện nay, anh đã có bộ sưu tập trên 80 hóa thạch cua đá độc lạ, trong đó có loại hóa thạch cua đá quý hiếm ở vùng biển Cù Lao Chàm. Mặc dù đã dành tặng toàn bộ hơn 1.000 loại ốc biển cho Nhà Trưng bày Hoàng Sa, tuy nhiên, theo chia sẻ của anh Toại: “Tôi vẫn tiếp tục tìm kiếm, mua thêm nhiều loại ốc biển khác để làm dày thêm cho bộ sưu tầm của mình. Tôi hy vọng rằng, bộ sưu tầm ốc biển của bản thân sẽ nhanh chóng được trưng bày, giới thiệu đến người dân, du khách được biết. Qua đó, nâng cao nhận thức, tình yêu của đồng bào trong vấn đề khẳng định chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Đặc biệt, giúp cho mọi người có được sự hiểu biết và thêm yêu những loài ốc biển của Việt Nam ta”.

Tiến sĩ Lê Tiến Công- Phó Giám đốc Phụ trách Nhà Trưng bày Hoàng Sa cho biết, hiện tại, Nhà Trưng bày đã tiếp nhận bộ sưu tầm hơn 1.000 loại ốc biển của anh Phan Thanh Toại. “Sau thời gian phân loại, chuẩn bị các nội dung liên quan, chúng tôi sẽ tổ chức triển lãm, giới thiệu đến người dân, du khách bộ sưu tầm ốc biển này vào thời điểm đầu Xuân Tân Sửu 2021. Hy vọng, không gian trưng bày sẽ được nhiều người đến tham quan, tìm hiểu, qua đó nâng cao nhận thức trong vấn đề bảo vệ chủ quyền biển đảo. Đặc biệt, buổi trưng bày cũng sẽ là động lực cổ vũ nhà sưu tầm Phan Thanh Toại tiếp tục duy trì niềm đam mê nghiên cứu ốc biển trong thời gian tới để có thêm nhiều đóng góp ý nghĩa với xã hội”, ông Lê Tiến Công chia sẻ.

NGỌC QUỐC

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/71_238629_tieng-vong-cua-oc-bien.aspx