Tiếng vó ngựa ở Văng Leng

Những bước chân, tiếng nhạc ngựa vang lên lúc khoan thai, lúc rộn ràng ở thung lũng Văng Leng báo hiệu một năm mới mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu cho bà con vùng cao nơi này.

Ngày hội

Văng Leng (xã Tung Trung Phố, huyện Mường Khường, Lào Cai) nằm sâu dưới những tán rừng ở chân núi Đản Khảo hay còn gọi là núi đá trắng.

Sau một năm miệt mài với ruộng nương, hôm nay bà con trong thôn xúng xính trong những bộ quần áo đầy sắc màu của dân tộc Nùng Dín tập trung đông đủ ở sân nhà văn hóa xem nghệ nhân Lù Phìn Hòa cùng những truyền nhân biểu diễn múa ngựa giấy truyền thống.

Người già, trẻ nhỏ và cả những thanh niên gương mặt ai cũng rạng rỡ, háo hức chờ đợi.

Chậm rãi chỉnh trang lại chú ngựa giấy và đeo thêm vòng chuông đồng quý cho “ngựa nàng” (màu hồng) và “ngựa chàng” (màu xanh), nghệ nhân Lù Phìn Hòa cùng người diễn là Nghề Thái Chin cúi chào khán giả trong tiếng vỗ tay tán thưởng. Cả hai bắt đầu nhịp những bước chân ngựa đầu tiên.

Biểu diễn ngựa giấy phải có đôi gồm ngựa đực và ngựa cái.

Tiếng vòng chuông ring ring, reng reng… đeo trên cổ hai chú ngựa phát ra rộn ràng theo nhịp chân và những cái lắc tay. Cả hai người múa như hóa thân thành những chú ngựa lúc nhẩn nha, khoan thai gặm cỏ trên cánh đồng, lúc vươn cổ kiêu hãnh phi nước đại đầy mạnh mẽ…

Có lúc màn múa khiến người xem lặng đi khi đôi ngựa bày tỏ tình cảm yêu thương, quyến luyến chia xa, những hờn giận, rồi lại vỡ òa trong xúc cảm, trong tiếng vỗ tay khi cả hai chú ngựa lại đến bên nhau sau bao ngày xa cách...

Ở Văng Leng, năm nay bà con được mùa thóc Séng Cù - một đặc sản mà ông trời dành riêng cho vùng đất này. Gạo Séng Cù còn được ví như những hạt ngọc của Tây Bắc, hạt to mẩy. Khi nấu lên, cơm dẻo và có mùi thơm của hoa rừng.

Chỉ riêng giá thóc bán tại ruộng ít nhất là 1,5 triệu đồng/tạ, cao gấp hơn 2 lần các giống lúa khác và nhiều thương lái nhận bao tiêu đầu ra ngay từ đầu mùa.

Cây lúa Séng Cù đã giúp nhiều hộ nông dân ở Văng Leng ấm no hơn, gia đình có của ăn của để, thậm chí là xây dựng được nhà. Có nhiều hộ còn mạnh dạn trồng thêm bưởi Diễn, cam, xoài, táo, chanh… và nhờ vào chất đất tốt, giống tốt, những cây ăn quả đang hứa hẹn một mùa mới bội thu.

Biểu diễn múa ngựa giấy.

Có lẽ vậy nên ấn tượng nhất trong điệu múa ngựa giấy hôm nay là cảnh những người phụ nữ Nùng Dín mang thóc, mang ngô ra nhử đến ba lần ngựa mới đồng ý theo con người…

Trong tiếng nhạc ngựa rộn ràng, ông Pờ Khái Quang - Phó Bí thư Đảng ủy xã Tung Trung Phố - nói, mỗi lần xem múa ngựa giấy là cảm xúc lại dâng trào, bởi đây không chỉ là điệu múa thiêng của đồng bào nơi này mà khi tiếng ngựa vang lên ở Văng Leng là báo hiệu một năm mới mùa màng bội thu hơn, trẻ con được đến trường với quần áo mới, cuộc sống của bà con ngày càng ấm no, đầy đủ hơn…

Cứ thế, chúng tôi cuốn theo nhịp múa và tiếng nhạc ngựa của đồng bào Nùng Dín ở Văng Leng lúc nào không hay.

Gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc

Múa ngựa giấy của đồng bào dân tộc Nùng Dín ở Văn Leng được đánh giá loại hình biểu diễn đặc sắc trong kho tàng những điệu múa dân gian của dân tộc thiểu số vùng cao Tây Bắc.

Ông Lù Phìn Hòa là người 40 năm nay truyền dạy và biểu diễn múa ngựa giấy ở Văng Leng cho biết, một bài múa ngựa giấy hoàn chỉnh gồm bảy động tác kết hợp với sự di chuyển khéo léo của đôi chân và các động tác của đôi tay. Tuy điệu múa không phức tạp nhưng đòi hỏi người múa phải nhập tâm, múa có hồn nhờ vào sự kết hợp khéo léo, hài hòa giữa người múa và ngựa giấy.

Nghệ nhân Lù Phìn Hòa trang trí ngựa giấy.

“Con ngựa rất quan trọng đối với đời sống của người Nùng Dín. Sống ở những dãy núi cao, ngựa là phương tiện thồ hàng nhưng cũng là người bạn thân thiết trong mỗi gia đình. Thế nên người Nùng Dín sáng tạo ra điệu múa ngựa giấy như là để bày tỏ lòng biết ơn với con ngựa”, nghệ nhân Lù Phìn Hòa nói.

Là điệu múa chỉ dành cho nam giới, múa ngựa giấy giờ đây là món ăn tinh thần của người Nùng Dín không thể thiếu trong các ngày hội lớn và cũng điệu múa thiêng trong tập tục đưa người quá cố về với tổ tiên.

Để làm được ngựa giấy, những nghệ nhân phải chọn được cây vầu tốt. Cây vầu được cạo sạch vỏ, chẻ ra thành các thanh nhỏ và lạt buộc để các nghệ nhân tạo khung con ngựa. Trong đó, phần thân ngựa là một vòng tròn đủ lớn để người múa có thể đứng bên trong dùng hai tay nắm như giữ dây cương. Khó nhất là phần đầu ngựa, sao cho phải có hình khối giống đầu con ngựa thật. Sau đó, toàn bộ khung này được dán giấy màu và trang trí cho có hồn.

Song trong dòng chảy cuộc sống hiện đại, có những người trẻ không hiểu hết ý nghĩa điệu múa truyền thống của dân tộc mình. Do vậy, nghệ nhân Lù Phìn Hòa luôn đau đáu truyền dạy những nghệ thuật văn hóa của dân tộc mình cho các thế hệ sau.

Ông cũng là người mang đến những xúc cảm và đam mê cho lớp trẻ, đặc biệt trong số đó có người học trò xuất sắc của ông là anh Nghề Thái Chin. Sinh ra và lớn lên ở Văng Leng, đến năm 15 tuổi anh Chin được truyền thụ múa ngựa giấy của thầy và những vị cao niên trong thôn bản.

Cũng như người thầy của mình, sau bao năm rèn dũa, giờ đây tất cả những kỹ thuật múa ngựa giấy đã được anh Chin nắm bắt thành thục và muốn tiếp tục dạy đứa con trai của mình với hy vọng đây sẽ là thế hệ nối tiếp gìn giữ điệu múa truyền thống của dân tộc.

Đặc biệt, từ năm 2011, nghệ nhân Lù Phìn Hòa và các học trò của mình thành lập đội múa ngựa giấy tại địa phương và nhận được sự hưởng ứng tích cực bà con.

Thời gian đầu, nhiều người còn ngại ngùng nên đội múa ngựa giấy chỉ có 3 - 4 người tham gia thì nay có thể huy động tới hàng chục người cùng lúc trình diễn múa ngựa theo lối cổ.

Giờ đây, múa ngựa giấy còn được đưa vào biểu diễn trong trường học ở Tung Trung Phố và các em hết sức thích thú. Đây không còn giới hạn là điệu múa thiêng truyền thống của bà con Nùng Dín mà còn là hoạt động văn hóa có sức hấp dẫn với cộng đồng các dân tộc và những du khách lần đầu đặt chân tới mảnh đất này.

“Cố gắng truyền dạy cho con cháu, cho học sinh nhưng phải làm sao cho các cháu thấy hay thấy thích thì mới có thể giữ gìn được”, nghệ nhân Lù Phìn Hòa nói.

Trẻ con ở Văng Leng học múa ngựa giấy.

Ở Văng Leng, điệu múa ngựa giấy của bà con dân tộc Nùng Dín trải qua bao lớp thời gian cùng với sự phát triển của xã hội, đổi thay của công nghệ nhưng với bậc cao niên sinh ra và lớn lên ở mảnh đất này đây luôn là điệu múa của tín ngưỡng; với những gia đình đó là điệu múa của lễ hội với niềm tin của mùa vụ bội thu, tốt tươi. Và thế hệ trẻ phải có trách nhiệm bảo tồn, gìn giữ điệu múa truyền thống, để lan tỏa sự say mê, sức sáng tạo, làm cho đời sống ngày một khấm khá hơn.

Hải Đăng

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/tieng-vo-ngua-o-vang-leng-post255877.html